Nền kinh tế nào hưởng lợi khi kinh tế Nhật phục hồi?
Không chỉ người dân Nhật Bản, mà thế giới cũng mong muốn nền kinh tế đất nước Mặt Trời mọc phục hồi mạnh mẽ.
Toàn cảnh thủ đô Tokyo
|
Với một thế giới đang trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, tất cả các đối tác thương mại đều sẽ được hưởng lợi từ một nền kinh tế Nhật Bản vững mạnh và tăng trưởng. Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là nền kinh tế nào trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của nền kinh tế xứ sở hoa anh đào?
Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ vừa công bố một báo cáo nghiên cứu, trong đó nhận định rằng Indonesia đứng đầu danh sách chín quốc gia châu Á sẽ gặt hái được nhiều lợi ích nhất từ những cải cách kinh tế gần đây do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố mới đây, và Hàn Quốc xếp ở vị trí cuối cùng do dễ bị tổn thương từ sự cạnh tranh xuất khẩu với Nhật Bản.
Nhà kinh tế Santitarn Sathirathai của Credit Suisse Singapore cho rằng, xuất khẩu của Indonesia hiện vẫn chủ yếu tập trung vào nhiên liệu khoáng sản và dầu nhờn, nên nước này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ tiềm năng nhu cầu trong nước của Nhật Bản gia tăng.
Trước chuyến công du đầu tiên tới ba nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia sau khi tái đắc cử Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã công bố một gói kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ như là một phần quan trọng trong chương trình hành động của mình, nhằm “làm sống lại” nền kinh tế của Nhật Bản từ lâu đã bị mắc kẹt trong một vòng xoáy giảm phát.
Cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe gồm kích thích kinh tế 10.300 tỷ yen (116 tỷ USD), thúc đẩy tổng sản phẩm trong nước tăng 2% và tạo thêm 600.000 việc làm.
Về khía cạnh tiền tệ, ông Abe đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng gấp đôi mục tiêu lạm phát lên 2%, và kêu gọi một sự “quả quyết” hơn của các nhà lãnh đạo BOJ.
Theo Credit Suisse, Indonesia sẽ vượt qua Malaysia và Thái Lan về hưởng lợi từ cải cách của Nhật Bản vì vai trò của Indonesia như một "nhà cung cấp" và "người tiêu dùng" cho Nhật Bản. Malaysia và Thái Lan cũng xuất khẩu một khối lượng đáng kể hàng hóa sang Nhật Bản, nhưng nhập khẩu của hai nước này có ý nghĩa ít hơn.
Nhật Bản là điểm đến lớn thứ hai của xuất khẩu Indonesia, sau Trung Quốc, khi chiếm 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu phi dầu-khí của đất nước vạn đảo với 15,9 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2012.
Nhật Bản cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai của Indonesia, sau Singapore, với các công ty Nhật Bản đã đầu tư 1,8 tỷ USD trong giai đoạn chín tháng đầu năm năm ngoái.
Chuyên gia Santitarn Sathirathai giải thích rằng, vì nền kinh tế Indonesia nhập khẩu nhiều mặt hàng trung gian từ Nhật Bản, nên việc đồng yen dự kiến yếu hơn sẽ làm cho hàng hóa rẻ hơn, từ đó mang lại lợi ích nhiều hơn cho Indonesia.
Giới phân tích cho rằng chính sách kinh tế của ông Abe cuối cùng sẽ dẫn đến đồng yen yếu hơn, một kịch bản tốt cho nền kinh tế Nhật Bản khi đồng yen mạnh quá lâu đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh thương mại của nước này.
Tính đến 16/1, đồng yen Nhật đã mất giá 13% so với đồng USD so với mức đỉnh trong tháng 9/2012.
Báo cáo của Credit Suisse cũng lưu ý rằng các nền kinh tế Đông Nam Á, bao gồm cả Indonesia, cũng sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng chính trị gia tăng giữa Trung Quốc với Nhật Bản, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ đảo Senkaku, do kỳ vọng các công ty Nhật Bản có thể giảm mức độ hoạt động đầu tư ở Trung Quốc để chuyển tới các điểm đến khác ổn định hơn trong khu vực.
Việt Tú
vietnam+
|