Thứ Bảy, 19/01/2013 09:33

Nước Nhật cần lạm phát

Ngày 18-1, đồng yên Nhật lại giảm tiếp, có lúc tới hơn 90 yên/USD khi có nhiều đồn đoán rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ quyết định nới lỏng tiền tệ lần hai trong cuộc họp vào ngày 21-1 tới nhằm ghìm giá đồng yên, nâng mục tiêu lạm phát lên 2% theo chiến lược khẩn cấp tái thiết nền kinh tế Nhật Bản mà tân Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi.

Lâu nay, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Nhật Bản, được thể hiện ở đồng yên luôn duy trì ở mức khá cao so với các ngoại tệ khác, đã làm gia tăng tình trạng giảm phát và làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu nước này. Hôm 8-1, tân Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố chính phủ Nhật đang có những nỗ lực lớn nhằm đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng giảm phát, một căn bệnh đã bào mòn kinh tế nước này từ 10 năm qua. Ông đang cố gắng khắc phục tình trạng kinh tế giảm phát càng sớm càng tốt và khôi phục nền kinh tế trì trệ bằng cách kích cầu trong nước thông qua tăng chi tiêu cho các dự án công.

Ngoài việc thúc đẩy BOJ có những hành động quyết liệt hơn nữa như giữ lãi suất ở mức âm và thực hiện chính sách “nới lỏng không giới hạn” giống như Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi đã không thực hiện được mục tiêu lạm phát 1% vào đầu năm 2012, quyết tâm chấn hưng kinh tế của chính phủ được thể hiện thông qua quyết định bổ sung cho ngân sách kích thích các hoạt động kinh tế khoảng 12 ngàn tỷ yên. Cộng thêm vào các kế hoạch phục hồi kinh tế cho các vùng và các doanh nghiệp thì ngân sách phục hồi kinh tế của Nhật có thể trên 20,2 ngàn tỷ yên (226,5 tỷ USD).

Chính sách tiền tệ gần đây nhất của Nhật Bản đã thu hút được sự quan tâm của các nhà quan sát và các nhà đầu tư. Đến nay, dường như có rất ít sự phản đối với chính sách tiền tệ và tài chính. Động thái can thiệp vào chính sách tiền tệ của chính phủ Nhật trong vài tháng qua (dùng yên mua USD) đã khiến đồng yên đã giảm giá hơn 14% so với đồng USD của Mỹ, trợ lực đáng kể cho các công ty xuất khẩu Nhật... Việc đồng yên suy yếu cũng không gây ra những phản ứng mạnh từ các nước khác. Cựu Bộ trưởng Kinh tế Yoshimasa Hayashi nhận định: “Bất chấp những rủi ro của các biện pháp chống giảm phát, Nhật Bản phải chiếm lấy cơ hội”. Tờ Japaninvestor số ra ngày 17-1 còn nhận định, cho đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đều rất ấn tượng với chính sách mà họ gọi là “Abe-Nomics”.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính sách nới lỏng hiện nay của Nhật có một số lợi ích ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, Nhật Bản cần thêm những cải cách mang tính cơ cấu. Tờ New York Times từng cho rằng, việc Nhật Bản một mình can thiệp vào thị trường ngoại hối khó có thể tạo ra được sự giảm giá kéo dài của đồng yên. Giá trị giao dịch ngoại hối toàn cầu đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây, khiến việc một chính phủ đơn độc can thiệp vào thị trường ngoại hối khó có khả năng chống chọi được với các xu hướng của thị trường.

Bên cạnh đó, trong khi châu Á cần kiểm soát lạm phát để tăng trưởng kinh tế thì Nhật Bản lại cần điều ngược lại. Vấn đề đáng nói là, loại lạm phát mà Nhật Bản thực sự cần để loại bỏ tình trạng giảm phát kinh niên chính là lạm phát gây ra từ nhu cầu chứ không phải lạm phát từ tăng giá cả mà các nước xung quanh đang đối mặt.

Xuân Hạnh

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   Trung Quốc chấm dứt chuỗi tăng trưởng ì ạch (18/01/2013)

>   Kinh tế Nhật Bản sau "liều thuốc" mạnh (18/01/2013)

>   ADB phát hành trái phiếu toàn cầu trị giá 1,7 tỷ USD (18/01/2013)

>   Sony bán trụ sở ở đại lộ Madison giá 1,1 tỷ USD (18/01/2013)

>   Nhà Trắng được định giá bao nhiêu? (18/01/2013)

>   Tín hiệu vui từ eurozone (18/01/2013)

>   FED: Kinh tế Mỹ tăng tốc với các dấu hiệu lạc quan (17/01/2013)

>   Fitch: Kinh tế Đông Nam Á vẫn là điểm sáng (17/01/2013)

>   Đức hạ dự báo tăng trưởng năm 2013 xuống 0,4% (17/01/2013)

>   IMF giải ngân tiếp theo cho Hy Lạp và Bồ Đào Nha (17/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật