Myanmar và dấu ấn cải cách 2012
Myanmar, một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực, năm 2012 đã có những bước chuyển biến, trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ.
Nỗ lực thay đổi
50 năm trước Myanmar từng là quốc gia giàu có nhất trong khu vực và nổi tiếng là quốc gia giàu tài nguyên gỗ, khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, nhưng dưới chế độ quản lý của giới quân sự, quốc gia này đã bị cô lập.
Thập niên 1990, chính phủ Mỹ và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này. Sau nhiều thập kỷ bị cấm vận và trừng phạt thời kỳ hoàng kim của Myanmar đã chấm dứt và Myanmar đứng vào hàng ngũ 3 quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á.
Ngày 1/4/2012 là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của Myanmar khi nước này thực hiện cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên có sự tham gia của các Đảng đối lập. Cuộc bầu cử này giúp Myanmar mở cửa, phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài bởi đã xoá bỏ được những rào cản trong quan hệ giữa Myanmar và phương tây.
Hồi đầu năm 2012, nhà hoạt động Aung San Suu Kyi đã chính thức khởi động cuộc vận động chạy đua vào nghị viện đánh dấu quá trình cải tổ hệ thống chính trị của Myanmar đã có bước tiến mới.
Bà Aung San Suu Kyi
|
Bà Suu Kyi khẳng định sẽ chẳng thể hy vọng về hòa bình hay thịnh vượng nếu không có sự đoàn kết giữa tất cả các nhóm sắc tộc tại Myanmar.
Động thái này cho thấy nỗ lực của chính phủ Myanmar trong việc giải quyết xung đột giữa các khu vực và sắc tộc khác nhau. Sau đó, chính phủ đã ký thỏa thuận hòa bình với ít nhất 7 nhóm hoạt động đang tập trung vào khu vực Kachinh tại khu vực Đông Bắc, nơi cuộc giao tranh giữa lực lượng nổi dậy và lực lượng của chính phủ đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của ít nhất 60 nghìn người.
Những người đứng đầu đất nước đã thay đổi cách nghĩ. Sau nhiều thập kỷ tụt hậu, chính phủ nhận ra đất nước Myanmar một thời giàu có nhất Đông Nam Á nay đã lùi lại khá xa so với nhiều nước trong khu vực. Cuộc bầu cử đa đảng là một bước tiến lớn trong quan điểm chính trị của Myanmar, thể hiện tư duy đổi mới của giới chức nước này đồng thời mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế của quốc gia thuộc top nghèo nhất Đông Nam Á này.
Quả ngọt cải cách
Quan hệ hai nước được cải thiện rõ rệt kể từ sau chuyến thăm lịch sử tháng 12/2011 của bà Clinton tới Myanmar. Tuy nhiên, chuyến công du lịch sử của tổng thống Mỹ Barack Obama đến Myanmar ngày 29/11/2012 ngay sau khi tái đắc cử đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế với những nỗ lực cải tổ, phát triển của Myanmar. Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Myanmar cũng đã diễn ra khá nhanh. Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã có chuyến thăm lịch sử tới New York.
Trong tinh thần cởi mở, quan chức Myanmar thừa nhận rằng nước này sẽ gặp khó khăn nếu muốn trở nên thịnh vượng sau khi Myanmar gia nhập thị trường thống nhất của các nước Đông Nam Á vào năm 2015. Hơn thế nữa, nhiều quan chức chính phủ đang muốn đất nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều nguồn và tổ chức tài chính quốc tế, đặc biệt từ IMF và WB.
Tổng thống Myanmar Thein Sein
|
Việc các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây được nới lỏng, dỡ bỏ có ý nghĩa quan trong đối với Myanmar trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh cải cách cả chính trị lẫn kinh tế và đã thu được những thành quả đáng kể, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Cùng với cải cách chính trị, Myanmar hướng đến kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 5 (từ 2001-2012 đến 2015-2016) với chỉ tiêu là tăng trưởng 10.5% cho năm tài khóa 2011-2012 bắt đầu vào tháng 4/2011. Sau nhiều năm đóng cửa với thế giới, Myanmar đang đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại và thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.
Myanmar đã tiến hành cải cách theo nền kinh tế thị trường và thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong xây dựng, giao thông, lâm sản, nông nghiệp... , nhất là khai thác khí đốt trên vịnh Bangal với tiềm năng hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Myanmar bắt đầu thực hiện chính sách thả nổi có kiểm soát đồng nội tệ và đã có những bước ban đầu tiến tới thành lập thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư ngoại quốc cũng ồ ạt tới thăm dò thị trường Myanmar. Nhiều nhà đầu tư đến từ các cường quốc như Nhật, Mỹ, và liên minh châu Âu đang có kế hoạch tiến vào Myanmar thông qua nhiều lĩnh vực tiềm năng như dầu mỏ, khai thác khoáng sản,...
Niềm tin của quốc tế vào Myanmar được cải thiện đáng kể trong năm 2012, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất hào hứng tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Myanmar - một thị trường lớn và còn chưa được khai phá nhiều tại châu Á, nơi nhiều lĩnh vực của nền kinh tế chưa phát triển. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định, Myanmar sẽ trở thành con hổ tiếp theo của châu Á trong tương lai.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Myanmar có thể nổi lên như một "con hổ" mới của ASEAN. Mới đây, ngày 19/12/2012, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định Myanmar đang thể hiện tăng trưởng kinh tế mạnh, là một "điểm sáng" ở châu Á có thể giúp thúc đẩy các nền kinh tế trong khu vực.
Năm 2012, khi Myanma khoác lên mình tấm áo mới, dân chúng tại các thành phố lớn như Mandalay, Pagan, Bago... rất hào hứng tham gia vào các sự kiện đổi mới về chính trị, kinh tế, văn hoá. Dân các vùng quê thì phấn khởi tăng gia công việc đồng ruộng, ngư nghiệp. Họ hy vọng luồng gió mới sẽ làm bùng lên một đất nước Myanmar hội nhập với khu vực Á châu đầy tiềm năng phát triển của thế kỷ 21.
Nhị Anh
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|