Thứ Hai, 31/12/2012 09:51

Việt Nam-Lào: Nhiều kỳ vọng hợp tác kinh tế trong năm 2013

Đạt tầm vóc mới trong năm 2012 nhưng quan hệ kinh tế, thương mại, nhất là trong hợp tác công nghiệp Việt Nam – Lào còn nhiều tiềm năng và không gian phát triển.

Vượt qua những khó khăn, trao đổi thương mại Việt Nam - Lào năm 2012 đạt mức tăng cao trên 23%, kim ngạch trên 900 triệu USD. Trong đó, nổi bật là sự gia tăng xuất khẩu  mạnh mẽ của Việt Nam sang Lào, góp phần giảm mức nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Lào  xuống còn vài chục triệu USD.

Cơ cấu hàng hóa trao đổi tuy chưa có thay đổi lớn nhưng doanh nghiệp hai nước đã có nhiều mối liên kết chặt chẽ hơn thể hiện  trong các hoạt động giao thương, các kỳ hội chợ hai bên phối hợp tổ chức… Mức độ thâm nhập thị trường và gắn kết sản xuất giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Lào cũng được nâng lên.

Tính đến hết năm 2012, Việt Nam có hơn 220 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký trên 4 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 40% tổng vốn đăng ký.

Hợp tác công nghiệp được kỳ vọng tạo động lực cho thương mại Việt Nam và Lào, đạt những mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất. Đặc biệt là những dự án năng lượng lớn của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, làm gia tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Việt Nam, tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Năm 2013, lĩnh vực đầu tư được dự báo có cơ hội gia tăng mạnh mẽ là năng lượng (thủy điện, dầu khí, phân phối xăng dầu), khai khoáng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp (cà phê, cao su, chăn nuôi…). Thị trường tiêu dùng của Lào còn nhiều không gian cho hàng hóa Việt Nam nhờ hiệu ứng tốt của các kỳ hội chợ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Lào.

Bên cạnh đó, với chương trình ưu đãi về thuế quan Việt Nam – Lào, có khoảng 95% hàng hoá xuất xứ Việt Nam và Lào xuất khẩu sang nhau được miễn giảm thuế là tiềm năng to lớn để doanh nghiệp mở ra những cơ hội lớn về thương mại và liên kết sản xuất.

Một tiềm năng lớn có tạo đột phá cho hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào là giao lưu kinh tế giữa địa phương biên giới hai nước, một khu vực rộng lớn gồm 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào, có nhiều nguồn lực kinh tế nhưng chưa được khai thác.

Năm 2012, Việt Nam và Lào đã hoàn thành Quy hoạch mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020 và dự án đầu tiên là dự án nâng cấp chợ Đăm Đin (tỉnh Xiêng Khoảng), đối diện với tỉnh Nghệ An dự kiến sắp được khởi công.

Sau khi hoàn tất, hệ thống chợ biên giới sẽ đóng vai trò cơ sở quan trọng cho thương mại và sản xuất giữa các địa phương biên giới của Việt Nam và Lào, mở ra cơ hội hợp tác và khai thác thế mạnh của mỗi bên.

Tuy nhiên, để nâng quy mô và chất lượng của hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào, tạo điều kiện cho hàng Việt có thị phần lớn hơn ở Lào rất cần có hỗ trợ tiếp cận thị trường của Nhà nước như tổ chức thêm hội chợ hàng Việt tại các địa phương của Lào, phát triển hệ thống phân phối, tăng cường các đoàn giao thương ở thị trường này.

Để phù hợp với quy mô và điều kiện mới của quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Lào, Bộ Công Thương đã kiến nghị hai nước nghiên cứu đàm phán và ký hiệp định thương mại mới.

Quốc Đạt

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Nhật viện trợ cho các dự án phát triển của Myanmar (29/12/2012)

>   Trung Quốc đầu tư xây nhà máy lọc dầu ở Campuchia (29/12/2012)

>   Myanmar cải cách hành chính (28/12/2012)

>   Đưa kim ngạch thương mại Việt-Lào đạt mốc 2 tỷ USD (26/12/2012)

>   Đầu tư sang Campuchia tiếp tục tăng mạnh (26/12/2012)

>   Tập đoàn CN Cao su Việt Nam đầu tư hiệu quả ở Lào (26/12/2012)

>   VN khánh thành nhà máy phân bón lớn ở Campuchia (25/12/2012)

>   Tìm “cửa” vào thị trường mới (24/12/2012)

>   Trung Quốc rót hàng tỷ “đô” vào bất động sản Lào (24/12/2012)

>   Nhà đầu tư Việt săn cơ hội vàng ở Myanmar (22/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật