Không thể “buông” việc định giá xăng dầu
Bộ Công thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng sửa đổi nghị định 84 về quản lý và kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với thực tiễn.
Thị trường xăng dầu còn tình trạng độc quyền, nên theo các chuyên gia, không thể giao cho doanh nghiệp định giá
|
Vẫn giữ nguyên quan điểm trao quyền định giá cho doanh nghiệp (DN), các nội dung chính được Bộ Công thương và Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi là biên độ tăng, giảm giá bán lẻ; thời gian tính giá cơ sở; tần suất tăng, giảm giá...
Thực tế theo nghị định 84/CP, không phải giao toàn quyền cho DN định giá. Định giá xăng dầu sẽ được chia thành ba bước: cụ thể, giá cơ sở tăng 0-7% DN được tự quyết định giá bán, tăng 7-12% Nhà nước sẽ tham gia một phần trong việc điều chỉnh giá, tăng trên 12% Nhà nước tham gia định đoạt.
Theo đề xuất, Bộ Tài chính cho rằng cần thu hẹp biên độ tăng giảm giá tương ứng xuống mức biến động 3%, 5% và 7% để không tăng giá sốc. Bộ này cũng lần đầu tiên đề xuất phương án khác là quy định con số cụ thể (tuyệt đối), khi giá cơ sở và giá hiện hành trong nước chênh 500 đồng/lít, DN được tự quyết định giá bán lẻ, nếu mức chênh 500-1.000 đồng/lít thì DN được quyết định giá bán kết hợp với sử dụng quỹ bình ổn. Liên bộ Tài chính - Công thương chỉ can thiệp khi mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở cao hơn 1.000 đồng/lít.
Theo tôi, cơ chế định giá như vậy là hoàn toàn chủ quan, không phù hợp với nguyên tắc quản lý giá trong cơ chế thị trường. Hiện thị trường xăng dầu ở nước ta chưa có thị trường cạnh tranh, còn độc quyền. Bởi thị phần của Petrolimex vẫn còn chiếm khoảng 50%. Về kiểm soát các DN độc quyền, nghị quyết lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã đưa ra giải pháp: “Đối với DN nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, cần quy định kiểm soát giá, điều tiết lợi nhuận và cần tổ chức một số DN nhà nước cùng cạnh tranh”.
Trong pháp lệnh giá năm 2002, cũng như Luật giá vừa được Quốc hội thông qua, tại điều 19 đã chỉ rõ: “Nhà nước định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền”. Điều này được thấy rõ thời gian vừa qua khi giá xăng dầu thế giới vừa tăng nhẹ, trong thời gian quy định, các DN xăng dầu ngay lập tức kêu lỗ và kiến nghị tăng giá. Khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục và giảm sâu, các DN xăng dầu đã không giảm giá kịp thời, chỉ giảm giá trước áp lực của công luận và các cơ quan chức năng, nhưng việc giảm giá chỉ nhỏ giọt.
Do vậy, chúng ta không giao quyền quyết định giá xăng dầu cho DN dù trong biên độ nhỏ, lợi dụng biên độ này DN sẽ xé nhỏ ra để tăng giá. Nếu còn tình trạng một DN áp đảo thị phần thì Nhà nước phải là người quyết giá, định giá, chỉ có Nhà nước mới đảm bảo được nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Việc Nhà nước định giá sản phẩm độc quyền này là thực hiện đúng nguyên tắc quản lý giá trong cơ chế thị trường, chứ không phải là biểu hiện cơ chế hành chính mệnh lệnh.
Về công thức giá cơ sở, để tách bạch giữa giá vốn cơ sở và lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi, bổ sung đầy đủ và sắp xếp lại thứ tự một số yếu tố cho phù hợp. Bổ sung khái niệm giá vốn cơ sở, trong đó giá cơ sở = giá vốn cơ sở + lợi nhuận định mức. Đây là điểm đáng chú ý nhất đã đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở. Cách làm này là hợp lý để minh bạch tình hình lỗ lãi của các DN kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, về cơ cấu giá cơ sở vẫn còn những quan điểm khác nhau.
Về tần suất điều chỉnh giá, đưa ra ba phương án (30 ngày, 10 ngày và 15 ngày). Sau khi phân tích từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án 3, với lý do để hài hòa với dự trữ lưu thông và ý kiến của các thành viên Chính phủ. Lý do này không phù hợp với quy luật vận động của giá cả trong cơ chế thị trường.
Theo quan điểm chúng tôi, hiện chúng ta phải nhập 70% xăng dầu thế giới. Với quan điểm điều hành giá xăng dầu trong nước phải phù hợp với giá xăng dầu thế giới, nên tần suất điều chỉnh nên là 10 ngày. Tần suất như vậy cũng chưa thật phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu thế giới vốn thường xuyên biến động, mà tần suất cần phải ngắn hơn.
Song một vấn đề khó khăn là hiện xăng dầu dự trữ quốc gia đang được để tại các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Từ đó dẫn đến tình trạng khó tách bạch giữa xăng dầu dự trữ quốc gia và xăng dầu kinh doanh. Nên về lâu dài cần phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế theo hướng bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong quản lý, sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia.
PSG TS Ngô Trí Long
tuổi trẻ
|