Thị trường năng lượng bấp bênh trước nhiều bất ổn
Diễn biến của thị trường năng lượng trong tuần vừa qua gắn liền với những biến động phức tạp của tình hình tài chính Mỹ, khi mà năm mới 2013 bắt đầu cũng là khi các chính sách tăng thu giảm chi cũng tự động có hiệu lực, đe dọa đẩy nền kinh tế Mỹ- quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, rơi trở lại suy thoái.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (31/12/2012), giá dầu thô đồng loạt tăng cao khi mà chỉ ít giờ trước khi bước sang năm mới 2013, Nhà Trắng và phe Cộng hòa đã đạt được một thỏa thuận để tránh cho nước Mỹ va vào "vách đá tài chính." Theo đó, những người giàu có thu nhập trên 450.000 USD/năm mới bị tăng thuế và tạm thời hoãn cắt giảm 109 tỷ USD ngân sách dành cho chính phủ trong hai tháng.
Thỏa thuận cũng bao gồm quy định về việc phải cân bằng giữa cắt giảm chi tiêu và tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng bởi họ còn chờ Thượng viện (với phe Dân chủ chiếm vị thế thượng phong) và phe Cộng hòa (chiếm đa số tại Hạ viện) bỏ phiếu thông qua thỏa thuận này.
Ngoài ra, thông tin tích cực từ kinh tế Trung Quốc - hiện là quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới và là động lực của kinh tế toàn cầu - đã góp phần đẩy giá dầu đi lên. Theo Ngân hàng Anh HSBC, hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 12/2012 đã tăng lên mức cao nhất trong 19 tháng qua.
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ năm mới vào ngày 1/1/2013, thị trường năng lượng New York tiếp tục hoạt động trở lại vào phiên giao dịch 2/1 và vẫn duy trì đà tăng nhờ quyết định thông qua dự luật tránh “vách đá tài chính” của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, qua đó giúp “xoa dịu” mối lo ngại của giới kinh doanh về nguy cơ nền kinh tế số một thế giới sẽ rơi trở lại suy thoái. Đáng chú ý là trong phiên này, giá dầu có lúc leo lên mức cao nhất 11 tuần qua.
Tuy nhiên, ngay trong ngày giao dịch sau đó (3/1), giá dầu lại đảo chiều đi xuống, giữa lúc tâm lý hưng phấn của thị trường sau khi nước Mỹ né được "vách đá tài chính" vào phút chót đã xẹp xuống.
Một số nhà phân tích nhận định rằng nước Mỹ đã loại bỏ được nguy cơ "vách đá tài chính" ngay những giờ phút đầu tiên của Năm Mới, song Washington sẽ lại phải đối diện với một trận chiến mới về vấn đề ngân sách trong hai tháng tới, khi việc cắt giảm chi tiêu sẽ lại được bàn tới vào cuối tháng 2/2013. Đồng thời, nước Mỹ cũng không thể né tránh một vấn đề khác là nâng trần nợ công từ mức 16,4 nghìn tỷ USD hiện nay.
Thêm vào đó, giá dầu còn chịu sức ép giảm từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang đánh đi những tín hiệu cho thấy một số nhà hoạch định chính sách chủ chốt của FED đang tính đến khả năng chấm dứt các chương trình kích thích kinh tế thông qua việc mua lại trái phiếu vào cuối năm nay. Thông tin này làm dấy lên những nghi ngại rằng thị trường năng lượng vẫn còn tiềm ẩn nhiều "nhân tố rủi ro" trước những biến động về chính trị.
Tới phiên giao dịch cuối tuần (4/1), giá dầu lại có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi dầu ngọt nhẹ quay đầu lên giá nhờ báo cáo tích cực mới đây từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 28/12/2012 đã bất ngờ giảm mạnh 11,1 triệu thùng, vượt xa mức dự báo của giới phân tích là giảm 1 triệu thùng, báo hiệu nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng.
Ngoài ra, báo cáo đáng khích lệ về thị trường việc làm của Mỹ vừa được Bộ Lao động nước này công bố cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của giá dầu ngọt nhẹ. Tuy nhiên, giá dầu Brent Biển Bắc vẫn tiếp tục lùi sâu do sự tăng giá của đồng USD và lo ngại nguy cơ FED sẽ sớm chấm dứt các chương trình nới lỏng định lượng (QE) ngay trong năm 2013.
Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 2/2013 tăng 17 xu, lên 93,09 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại hạ 83 xu, đóng cửa ở mức 111,31 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu ngọt nhẹ tăng 2,5%; giá xăng tăng 0,2% và giá dầu sưởi giảm 0,1%.
Về triển vọng thị trường dầu mỏ năm 2013, giới phân tích dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ sa sút sẽ đẩy giá dầu xuống, bất chấp những bất ổn tại khu vực Trung Đông./.
Minh Trang
vietnam+
|