Không để thị trường “phi” chính thống lớn dần
Hành vi dù lớn, nhỏ nếu xác thực đã làm trái các quy định của pháp luật, đều phải nghiêm trị bằng luật pháp. Không thể để thị trường vàng miếng “phi” chính thống lớn dần, hoạt động song song với thị trường chính thống (các điểm mua, bán vàng miếng có giấy phép) sẽ dẫn đến “lờn thuốc”.
Thị trường vàng miếng chính thống (chỉ các DN, TCTD được NHNN cấp phép mới được kinh doanh vàng miếng) bắt đầu hoạt động được mấy ngày, một số tiệm vàng không được phép đã bắt đầu “thụt thò” bán vàng miếng SJC. Bà T.M - chủ một “chành” vàng miếng tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh cho biết, “buôn bán vàng miếng nhiều năm nên chủ yếu giao hàng cho các mối khách hàng quen”.
Điều quan trọng là các tiệm vàng lấy đâu ra vàng miếng SJC để bán, phải có một đầu mối sẵn sàng mua và bán vàng miếng, tiệm vàng mới giữ cân bằng được trạng thái kinh doanh. Ông Đỗ Công Chính - Tổng giám đốc Công ty SJC cho biết, sau hơn 20 năm hoạt động, đến cuối năm 2012 công ty này đã dập và cung ứng ra thị trường khoảng 21 triệu lượng vàng miếng SJC. Trong đó có những DN, ngân hàng, cá nhân đặt công ty SJC gia công vàng miếng mang về bán trong những năm qua, nên vàng miếng SJC chiếm khoảng 90% thị phần vàng miếng.
Số liệu vàng miếng của SJC đã công bố, nhưng hàng chục thương hiệu vàng khác đến nay vẫn chưa công bố một con số cụ thể nào về lượng vàng miếng đã tung ra thị trường. Vì thế lượng vàng miếng trong dân, đến nay vẫn là một ẩn số. Điều này chẳng những gây nhiều khó khăn cho việc chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC; mà còn tạo kẽ hở cho thị trường phi chính thống hoạt động.
Sẽ rất khó quản lý nếu nay công ty A đề nghị dập lại vàng móp méo SJC, mai công ty B lại đề nghị được chuyển đổi số vàng miếng của mình đã thu về sang thương hiệu SJC. Đây sẽ là ngách hẹp cho vàng lậu và nguồn cung vàng miếng trên thị trường “phi” chính thống ngấm ngầm giao dịch. Không ai đảm bảo chắc chắn rằng thị trường vàng “phi” chính thống, sẽ không có đất sống, khi sự tiện lợi giao dịch là một thực tế. Bởi người dân tích trữ vàng miếng có thể cần tiền mặt bất thường, tiệm vàng có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, trong khi những điểm bán lẻ vàng chính thống phần lớn hoạt động giờ hành chính.
Chủ trương “Nhà nước cầm vàng, nhân dân giữ tiền”, nhằm xóa bỏ vàng hóa nền kinh tế là một trong những bước đi quan trọng để chuyển hóa vốn vàng nằm chết trong dân vào sản xuất kinh doanh. Pháp luật thừa nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân, nhưng giao dịch vàng miếng “phi” chính thống sẽ bị coi là phạm pháp.
Nghị định 95/2011/NĐ-CP, điều 1 sửa đổi bổ sung trong khoản 3, mục E quy định: “kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật – bị xử phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng”. Hình phạt bổ sung sẽ “tước giấy phép hoạt động kinh doanh vàng trong 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm đối với các tổ chức kinh doanh vàng vi phạm quy định tại điểm E khoản 3 điều này”. Tang vật thu được trong giao dịch vàng không đúng nơi quy định là tiền hoặc vàng sẽ bị tịch thu và sung vào công quỹ theo luật định.
Hành vi dù lớn, nhỏ nếu xác thực đã làm trái các quy định của pháp luật, đều phải nghiêm trị bằng luật pháp. Không thể để thị trường vàng miếng “phi” chính thống lớn dần, hoạt động song song với thị trường chính thống (các điểm mua, bán vàng miếng có giấy phép) sẽ dẫn đến “lờn thuốc”.
Phạm Hà Nguyên
Thời báo ngân hàng
|