Bất cập thị trường vàng
Khi siết lại kinh doanh vàng miếng, những tín hiệu đầu tiên trên thị trường có vẻ khả quan nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lùi về hoạt động ngầm, bán chui vàng miếng
Từ sau khi Nghị định 24 ra đời, vàng miếng SJC trở thành thương hiệu độc quyền trên thị trường do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sản xuất. Mạng lưới kinh doanh vàng thu hẹp đã phát sinh nhiều bất cập gây lo ngại.
Chênh lệch giá vàng bất thường
Dù mục tiêu của Nghị định 24 nhằm bình ổn thị trường vàng nhưng chính NHNN lại “bỏ quên” nhiệm vụ bình ổn giá vàng. Trong một thời gian dài, giá vàng nội luôn cao hơn thế giới từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/lượng, dù thị trường vàng không xuất hiện những cơn sốt. Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội với Thống đốc Nguyễn Văn Bình hồi tháng 11 năm ngoái, thống đốc lập luận rằng nếu đặt vấn đề giá vàng trong nước phải liên thông với thế giới sẽ làm bất ổn kinh tế vĩ mô, làm tăng vàng hóa và không đặt vấn đề liên thông!
Người dân còn giữ thói quen vào các tiệm vàng hơn là vào ngân hàng thương mại mua vàng.
Trong ảnh: Mi Hồng - một trong những doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng
|
Đến cuối năm 2012, khi giá vàng trong nước tiếp tục cao hơn thế giới một cách bất thường từ 4 triệu - 5 triệu đồng/lượng, NHNN vẫn khẳng định: Không bình ổn giá vàng! Đáng nói, chỉ giá vàng SJC mới chênh lệch cao hơn thế giới một cách bất thường, còn các thương hiệu vàng phi SJC cao hơn thế giới khoảng 1 triệu - 2 triệu đồng/lượng.
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng cho biết thị trường vàng thiếu nguồn cung nhưng chỉ là nguồn cung vàng SJC, khi thị trường không được nhập khẩu vàng, quá trình chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC lại quá chậm chạp. “Không giải quyết được cái gốc vấn đề là cho xuất nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung, chênh lệch sẽ khó rút ngắn nếu chỉ can thiệp bằng biện pháp hành chính” - vị giám đốc DN này nói.
Siết kinh doanh vàng: Chỉ quản lý bề nổi
Từ ngày 10-1, mạng lưới kinh doanh vàng miếng trên cả nước bị siết lại từ hơn 8.000 DN xuống chỉ còn trên 2.500 điểm giao dịch của các NH thương mại và DN được phép. Sau mấy ngày triển khai, giá vàng SJC có xu hướng hạ nhiệt và lùi sâu về quanh vùng 45,3 triệu đồng/lượng (bán ra) vào ngày 12-1, cao hơn thế giới khoảng 3,5 triệu đồng/lượng. Tín hiệu bước đầu cho thấy có phần khả quan nhưng trên thị trường, một số DN kinh doanh vàng phản ứng lại bằng cách lùi về hoạt động ngầm, bán chui vàng miếng.
Tiệm cầm đồ sát bên tiệm vàng cũng xuất hiện nhiều để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Người dân chưa có thói quen vào NH thương mại mua vàng bởi sự bất tiện, chỉ làm việc giờ hành chính và không phải chi nhánh, phòng giao dịch NH nào cũng có vàng để bán. Nhiều DN chọn cách sản xuất vàng nhẫn tung ra thị trường thay thế vàng miếng.
Chị Ngọc Mai, nhà ở quận 7 - TPHCM, cho biết khi đem vàng miếng ra tiệm vàng đổi vàng nhẫn, chị được chủ tiệm vàng tư vấn có thể mua loại vàng nhẫn 5 chỉ, tuổi vàng 999,9. Khi cần tiền gấp, thay vì bán 5 chỉ vàng nhẫn, tiệm vàng sẵn sàng mua 5 phân vàng và… trả lại cho chị 4 chỉ 5 phân vàng! Nếu muốn mua vàng miếng từ vài lượng trở lên, tiệm vàng sẵn sàng giao tận nhà. “Không cho mua bán vàng miếng, người dân sẽ quay sang vàng nhẫn, vàng nữ trang hoặc mua bán chui, lén lút.
Cuối cùng, NN chỉ có thể quản lý bề nổi của thị trường, còn phần chìm khó lòng kiểm soát được” - một chuyên gia về vàng nhận định. Ngay lãnh đạo một NH thương mại cổ phần được kinh doanh vàng cũng cho rằng điều NH lo ngại nhất chính là tập quán mua sắm của người dân. Liệu họ có vào NH mua vàng hay vẫn thói quen cũ ra tiệm vàng, rồi cuối cùng tất cả lại “đâu vào đó” như trước.
Quản lý vàng đi lùi!
Theo các chuyên gia kinh tế, quản lý vàng miếng hiện nay đang “đi lùi” một bước so với các nước bởi không nước nào NHNN độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng như Việt Nam. Tại Trung Quốc, khoảng 10 năm trước, thị trường vàng bị kiểm soát chặt gần như 100% và NH Trung ương nước này còn ấn định giá mua bán vàng. Nhưng đến giờ, họ đã mở cửa trở lại, NH Trung ương chỉ quản lý xuất nhập khẩu vàng, nhập vàng để tăng dự trữ ngoại hối. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích người dân nắm giữ vàng như tài sản tích trữ. Tại nhiều nước khác, mỗi NH Trung ương có tối thiểu 3-4 thương hiệu vàng, mỗi NH thương mại, DN lại có thương hiệu vàng của riêng mình chứ không để NHNN độc quyền sản xuất, kinh doanh và quản lý kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như Việt Nam.
|
PGS-TS NGÔ TRÍ LONG:
Loại bỏ chênh lệch giá bằng giải pháp thị trường
Thống đốc Nguyễn Văn Bình luôn khẳng định không bình ổn giá vàng dù khoảng cách giá trong nước với thế giới ở mức cao bất thường. Điều này đi ngược lại với nghị quyết của Quốc hội đầu năm 2012 là phải kéo giá vàng trong nước về sát thế giới. Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHNN phải kéo giá vàng trong nước về sát thế giới. Bởi chênh lệch quá lớn với giá thế giới gây bất lợi cho người dân, khi tâm lý nắm giữ vàng vì lo tiền đồng mất giá, lạm phát cao là điều dễ hiểu. Nhưng giờ NHNN thu hẹp mạng lưới kinh doanh vàng miếng, đẩy người dân quay trở lại nắm giữ vàng nhẫn, vàng nữ trang và tạo ra tình trạng khó kiểm soát, vàng ngầm…
Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, vàng trong ngân khố quốc gia là vàng thỏi, vàng khối còn vàng trên thị trường là vàng miếng, vàng nhẫn, vàng nữ trang được lưu thông tự do. Vì vậy, NHNN chỉ nên quản lý, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định mà không tham gia sản xuất, kinh doanh vàng hoặc điều tiết thị trường vàng bằng biện pháp hành chính. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng, trọng lượng, nhãn hiệu khi các DN đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền một thương hiệu. Thị trường vàng trong nước cũng phải liên thông với thế giới, loại bỏ yếu tố giá chênh lệch với thế giới bằng giải pháp thị trường, cung cầu liên thông, tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu còn NHNN chỉ điều tiết bằng chính sách thuế như các nước khác. Ngoài ra, các NHNN thương mại không nên là đầu mối kinh doanh vàng miếng, nếu muốn phải thành lập công ty vàng độc lập để tránh tình trạng đầu cơ, làm giá do có lượng vốn lớn.
T.Phương ghi
|
Thái Phương
người lao động
|