Có thể hy vọng vào giảm giá điện?
Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 15.1, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ông Hoàng Quốc Vượng nói rằng: “Bản thân chúng tôi mong có lúc nào đó (giá điện) đi xuống. Theo cơ chế thị trường, lúc thị trường lên, giá điện lên, lúc thị trường xuống thì (giá điện) xuống. Điều này đồng nhất với những gì mà ông từng nói trước đây, khi còn đương chức thứ trưởng bộ Công thương. Lúc đó, bàn về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường (theo quyết định 24 của Thủ tướng), ông trấn an dư luận là sẽ “có lên có xuống”.
Cũng theo ông Vượng, EVN không đề xuất tăng giá điện và việc tăng giá điện từ 5% trở lên là thuộc thẩm quyền của bộ Công thương. Như lời ông Lê Dương Quang, thứ trưởng bộ Công thương phụ trách về lĩnh vực năng lượng, thì thời gian gần đây “giá điện chỉ có tăng!” Phải chăng, chuyện tăng giá điện là mong muốn của bộ quản lý chứ không phải của bản thân doanh nghiệp? Cuối tháng 12 vừa qua, ngay cả khi những dấu hiệu về một năm EVN có lãi đã rõ, những rà soát về chi phí phát điện thấp hơn giá thành đã rõ, bất chấp những điêu đứng của doanh nghiệp sản xuất, những loại phí sắp tăng đè lên túi tiền người dân, bộ Công thương vẫn chấp thuận cho tăng giá điện.
Cũng phải nói thêm, thứ trưởng Quang nói điều đó với lập luận là EVN đang lỗ, giá điện đang thấp nên có thể thông cảm được. Vậy nhưng, tại hội nghị tổng kết ngành điện cuối tuần rồi, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhận xét rằng giá điện bình quân của Việt Nam hiện không thể coi là thấp. Trước đó nữa, tính toán của hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã dẫn chứng con số giá điện bình quân 7,2 cent/kWh ở Việt Nam cũng không hề thấp. Điều này, cộng với việc EVN năm qua có lãi 6.000 tỉ đồng, không ít người khấp khởi giấc mơ giảm giá điện đã sắp… trở thành hiện thực.
Chiều 15.1, ông Vượng cho biết thêm, EVN chưa hề đề xuất lộ trình tăng giá điện trong năm 2013. Song ông cũng nói rằng: khoản lỗ tỷ giá hai năm 2010 và 2011 cộng lỗ sản xuất kinh doanh năm 2010 còn treo lại đến… 34.000 tỉ đồng. Và khoản lỗ này, tất nhiên cũng sẽ được phân bổ vào giá điện năm 2013 – 2015 tuỳ tình hình sức khoẻ của nền kinh tế. Vậy thì, e rằng “nhiều khi ước mơ chỉ là mơ ước”!
Xung quanh con số dự kiến lãi của EVN trong năm 2012 lên đến 6.000 tỉ đồng vừa công bố tại hội nghị tổng kết ngành điện vừa qua, ông Vượng cho biết thêm: nếu so với tổng doanh số toàn tập đoàn năm qua là 143.000 tỉ đồng thì số lãi 6.000 tỉ chỉ bằng 3 – 4% doanh số. “Lợi nhuận/ doanh thu chỉ 3 – 4% thì không thể gọi là lãi khủng. Đó là chưa kể, nếu tính số lãi này so với tổng tài sản của EVN là 18 tỉ USD, tương đương 360.000 tỉ đồng, thì lãi chưa được 2%. Số lãi này… thấp hơn nhiều so với đem tiền đi gửi tiết kiệm”, ông Vượng so sánh.
Chí Hiếu
Sài Gòn Tiếp thị
|