Thứ Ba, 15/01/2013 11:09

Tái cơ cấu DNNN: Không chỉ là thoái vốn ngoài ngành 

Tháng 7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, nhiều DNNN đã xây dựng, trình và được duyệt đề án tái cơ cấu. Tuy nhiên, phần lớn những đề án này còn thiếu vắng những thay đổi căn bản.

* Đã có dự thảo khung pháp lý mới cho tập đoàn nhà nước

Chiến lược chung chung

Mục đích của tái cơ cấu DNNN như đã được nêu rõ là để DNNN hoạt động hiệu quả hơn. Một trong những biện pháp chính để thực hiện mục tiêu này là xác định rõ những ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, có kế hoạch thoái vốn Nhà nước đã đầu tư ra ngoài ngành, nhằm tập trung nguồn lực cho ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.

Thực hiện mục đích và biện pháp trên, đề án tái cơ cấu của một số tập đoàn, DNNN đều dồn trọng tâm vào việc xác định cụ thể những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, những lĩnh vực hoặc doanh nghiệp cần phải thoái vốn (trước năm 2015), những doanh nghiệp thành viên có 100% hay 50% (hoặc thấp hơn) vốn điều lệ thuộc sở hữu của mình… Tuy nhiên, trong các đề án tái cơ cấu của các doanh nghiệp, mặc dù những nội dung quan trọng như chiến lược sản xuất, kinh doanh, phát triển, đầu tư… đều được đề cập đến nhưng lại khá chung chung.

Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP phân đạm Hà Bắc.

Phần lớn nội dung không thể hiện được sự khác biệt lớn so với những hạng mục tương tự được doanh nghiệp công bố trong các báo cáo hàng năm của mình về tình hình hoạt động năm qua và phương hướng hoạt động trong các năm tới. Có khác chăng là tất cả những hạng mục vốn thường có trong các báo cáo tổng kết hoạt động nay lại được khoác thêm cụm từ "tái cơ cấu" hoặc "tái cấu trúc" lên trước một cách rất khiên cưỡng.

Nhìn chung, qua từng đề án tái cấu trúc DNNN có thể thấy toát lên một quan niệm nổi bật rằng, nếu được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh chính thì các DNNN sẽ hoạt động hiệu quả hơn, có tính cạnh tranh hơn, và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao. Nhưng nếu chỉ có thế thì kết quả của quá trình tổ chức, sắp xếp lại hoạt động như vậy rất có thể sẽ không diễn ra đúng như ý đồ.

Một trong những điểm yếu của các DNNN là tình trạng cha chung không ai khóc, nhất là trong các doanh nghiệp mà vốn chủ sở hữu hoàn toàn là vốn của Nhà nước. Sản xuất kinh doanh thua lỗ Nhà nước sẽ phải bù lỗ, xóa nợ, trả nợ hộ... nếu như không muốn đóng cửa doanh nghiệp đó. So với các doanh nghiệp tư nhân, giới quản lý DNNN có ít động cơ và khả năng, năng lực để doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Những ràng buộc về cơ chế và luật định (chẳng hạn đầu tư vào đâu, như thế nào, quyết định những vị trí nhân lực chủ chốt, lương thưởng…) cũng là một trở ngại cho DNNN theo đuổi lợi nhuận. Bởi vậy, việc (buộc doanh nghiệp) tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh chính hoàn toàn không đồng nghĩa với việc DNNN đó sẽ sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn.

Một minh chứng rõ ràng cho chuyện này là vẫn có hàng loạt DNNN sản xuất kinh doanh thua lỗ triền miên trong những năm trước đây khi chưa diễn ra phong trào đầu tư ra ngoài ngành, vào những lĩnh vực "ăn liền" mang lại lợi nhuận cao như bất động sản, chứng khoán và ngân hàng như vừa qua.

Sức cạnh tranh vẫn phải từ doanh nghiệp

Tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính cũng không nhất thiết giúp DNNN "nâng cao được sức cạnh tranh". Sức cạnh tranh của một doanh nghiệp được thể hiện ở những chỉ tiêu như chất lượng hàng hóa và dịch vụ tốt hơn hoặc giá thành thấp hơn dẫn đến giá bán thấp hơn và nhờ đó tăng được thị phần.

Đến nay, mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi như đất đai, vốn, thị trường... nhưng không có nhiều DNNN thỏa mãn được các tiêu chí trên, kể cả trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Sức cạnh tranh của một doanh nghiệp chỉ có được từ những nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của sản phẩm, chiến lược nhân sự và marketing đúng đắn... thay vì chỉ tập trung nguồn lực vào ngành sản xuất kinh doanh chính.

Ngoài ra, có nhiều DNNN đạt được "sức cạnh tranh" nhưng chủ yếu theo kiểu "một mình một chợ", hoặc là trong những lĩnh vực độc quyền tự nhiên, hoặc là trong những lĩnh vực, vùng, miền mà không ai khác ngoài Nhà nước có thể đầu tư.

TS Phan Minh Ngọc

Kinh tế đô thị

Các tin tức khác

>   Hình thành vùng tam giác phát triển cao su Việt Nam - Lào - Campuchia (15/01/2013)

>   Xuất siêu “có tiếng không miếng” (15/01/2013)

>   Sẽ loại bỏ các tổ máy nhiệt điện lạc hậu (14/01/2013)

>   Có khả năng doanh nghiệp sẽ tự cấp C/O (14/01/2013)

>   Metro và Adidas lách luật bán lẻ? (14/01/2013)

>   Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang Malaysia (14/01/2013)

>   Jetstar Pacific: Lỗ 5 năm, vẫn phải làm! (14/01/2013)

>   Gtel “dùng” hạ tầng của VNPT: Chưa có tiền lệ (14/01/2013)

>   Sửa nghị định về tập đoàn: Khi thực tế đổi thay (14/01/2013)

>   Đề án mua bán nợ nhìn từ sức ép tái cơ cấu kinh tế (14/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật