Metro và Adidas lách luật bán lẻ?
Tại Việt Nam, Metro Cash & Carry, Adidas… đăng ký ngành nghề kinh doanh là bán buôn, nhưng trên thực tế, khách hàng nhỏ lẻ vẫn có thể mua hàng trực tiếp từ các doanh nghiệp này.
Theo Nghị định 23/2007/NĐ-CP quy định về hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài, bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân và tổ chức khác không bao gồm hoạt động bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng, còn bán lẻ là bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, theo giấy chứng nhận đầu tư, Metro Cash & Carry đăng ký ngành nghề kinh doanh là bán buôn sản phẩm tại Việt Nam cho khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh để phục vụ nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù không có thẻ thành viên, nhưng chúng tôi vẫn được vào mua hàng tại Metro quận 2, TP.HCM, qua chỉ dẫn của các nhân viên tại đây: tìm một khách hàng có thẻ để cùng mua hàng, một thẻ thì có thể nhiều người cùng dùng. Theo hướng dẫn đó, không ít người tiêu dùng cuối cùng như chúng tôi đã dễ dàng mua bất cứ mặt hàng nào của Metro. Cùng với những quảng cáo “mua 1 tặng 1” hay “mua sắm với giá bán buôn”, dường như Metro đang hướng tới thị phần trong lĩnh vực bán lẻ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng cho biết, Công ty TNHH Adidas Việt Nam (Adidas) được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với hoạt động là thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối bán buôn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Adidas đang thực hiện quyền phân phối bán lẻ thông qua hình thức đầu tư cho các cơ sở bán lẻ. Cụ thể, Adidas đã đầu tư trên 50 địa điểm bán lẻ thông qua hình thức đầu tư trang thiết bị và phân phối sản phẩm độc quyền.
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho rằng, giữa nhà bán lẻ và Adidas có thảo thuận là Adidas cung cấp tủ kệ, vật dụng, đồ nội thất, ngoại thất…, nhưng nhà bán lẻ không được cho thuê, chuyển nhượng cho bên thứ ba dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu nhà bán lẻ vi phạm bất kỳ quyền sở hữu của Adidas đối với các trang thiết bị này thì phải bồi thường. Chi phí xuất kho các thiết bị đầu tư cho nhà bán lẻ được Adidas đã hạch toán vào nguyên giá tài sản cố định, trích khấu hao và hạch toán vào chi phí bán hàng được trừ trong kỳ.
Như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, thông qua hình thức trên, Adidas đã “chạm tay” vào thị phần phân phối bán lẻ tại Việt Nam. Đó là chưa kể, giữa Adidas và nhà bán lẻ ký hợp đồng đại lý phân phối hưởng hoa hồng và giá phân phối bán lẻ do Adidas Việt Nam ấn định. Như vậy, nhà bán lẻ chỉ là người bán thuê cho Adidas mà thôi.
Phóng viên Báo Đầu tư đã nhiều lần liên hệ với hai đơn vị trên để tìm hiểu về vấn đề này, nhưng cả hai đều từ chối trả lời. Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Hiệp (Đoàn Luật sư TP.HCM), với những dấu hiệu trên, cả Metro và Adidas đã vi phạm pháp luật doanh nghiệp về kinh doanh ngành nghề không đăng ký. Điều 7 và Điều 9, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định, doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấm kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết, theo Nghị định 06/2008/NĐ-CP, doanh nghiệp có hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh thì bị xử lý phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng Số tiền này chẳng thấm gì so với những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng từ hành vi vi phạm pháp luật này.
Đình Bắc
đầu tư
|