Cơ quan thuế 'nịnh' doanh nghiệp để đòi nợ
Thời buổi kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) nợ đọng tiền thuế. Áp lực đảm bảo nguồn thu ngân sách khiến cán bộ ngành thuế vừa cưỡng chế, vừa phải nịnh DN trả từng đồng nợ thuế.
Đi đòi nợ thuế mới thương doanh nghiệp
Chia sẻ chuyện đi “gãi nợ” DN, một cán bộ của Cục thuế Hà Nội than thở:“Lần nào gọi điện xuống công ty đốc nợ, họ cũng xin khất, hứa hẹn sẽ trả hoặc không thèm nghe máy. Nhiều giám đốc, kế toán không dám đi làm vì ngày nào ngân hàng, chủ nợ cũng kéo đến ngồi chật văn phòng, công nhân đình công đòi lương…”.
Số DN nợ đọng thuế lớn tại Hà Nội chủ yếu thuộc ngành xây dựng, bất động sản; sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị cho lĩnh vực này.
Trong đó, nhiều DN nợ cả tiền thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất… lên tới hàng chục tỷ đồng; có cả nợ dây dưa qua nhiều năm mà chưa có dấu hiệu trả được.
Cuối năm 2012, Cục thuế Hà Nội tổ chức nhiều đoàn đi đòi nợ thuế, nhưng DN nào cũng khó khăn, xin khất. “Có công ty nợ thuế quá hạn, chúng tôi phải phong tỏa tài khoản để trích trả nợ thuế. Tài khoản vừa phát sinh 1 tỷ đồng, họ vội chạy lên năn nỉ, xin chỉ cắt một nửa, để lại 500 triệu đồng cho công ty trả lương cho công nhân về quê ăn Tết, duy trì hoạt động” - Vị cán bộ này nói.
Ông này cũng chia sẻ: “Chúng tôi nghe vậy cũng thương lắm. Biết là khó khăn, hoạt động thoi thóp, nhưng DN đã cố tình chiếm dụng vốn ngân sách nhà nước nên phải xử phạt, tiến hành cưỡng chế. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải nịnh DN, động viên họ cố gắng xoay sở, trả gối đầu nợ thuế cũ”.
Có những lúc, các đoàn đôn đốc nợ của Tổng cục Thuế cũng trực tiếp xuống các quận huyện để thu nợ, nhưng đành về tay không. Vì nhiều công ty rơi vào cảnh đìu hiu, giám đốc ngồi ủ rũ hoặc vắng mặt, nhân viên ly tán khắp nơi…
Tài sản bị bắt nợ hết, chỉ còn vài chiếc máy tính cũ nát, địa điểm công ty cũng đi thuê. Do thế, việc kê biên, bán đấu giá tài sản của DN để trả nợ thuế cũng bất khả thi. Thậm chí, nhiều chủ DN muốn trả hết nợ nần để giải thể công ty.
Một lãnh đạo của Chi cục thuế quận Đống Đa (Hà Nội) nói: “Mỗi tháng, chúng tôi phát đi 3.000 thông báo nợ và phạt chậm nộp cho DN, chủ yếu là các DN nợ lớn.
Các đội kiểm tra thuế, đội quản lý nợ liên tục gọi điện xuống DN, mời lãnh đạo lên đôn đốc nợ, làm cam kết trả nợ, phân kỳ trả nợ… Khi làm quyết liệt thì một số đơn vị đã chịu trả nợ”. Nhờ vậy, năm 2012, đơn vị này đã thu hồi hơn 45,5 tỷ đồng nợ đọng của 510 DN.
Rình tài khoản của DN
Nói về chuyện cưỡng chế thuế, đại diện Chi cục thuế Cầu Giấy kể: “Cứ nhìn thấy thông báo của ngân hàng tài khoản có tiền, dù chỉ vài chục triệu đồng cũng mừng lắm. Sáng nay, ngân hàng vừa báo một công ty sản xuất cấu kiện máy có 32 triệu đồng, trong khi nợ thuế hơn 2,8 tỷ đồng. Dù ít tiền cũng phải trích trả nợ, còn hơn không thu được đồng nào”.
Theo vị cán bộ này, từ tháng 9-2012, các đội kiểm tra, thu hồi nợ liên tục xuống DN đôn đốc, cưỡng chế thì số thu nợ (thuế) mới cải thiện hơn. Riêng tháng 10, đã thu được gần 100 tỷ đồng nợ thuế.
Năm 2012, Chi cục thuế quận Cầu Giấy đã thực hiện cưỡng chế khoảng 30 DN nợ đọng thuế trên 90 ngày, nhưng mới thu được hơn 3 tỷ đồng trong tổng số 51 tỷ đồng nợ phải cưỡng chế thu hồi.
Hiện, do chính sách hỗ trợ DN giãn, miễn giảm thuế được ban hành, nên nhiều DN “tạm thoát” danh sách cưỡng chế nợ thuế. Mặt khác, nhiều DN không có tiền, hoặc bị ngân sách nợ tiền thì không thể cưỡng chế được.
Năm 2012, Chi cục thuế quận Đống Đa thu hồi được hơn 341,7 tỷ đồng nợ thuế (gồm 117,3 tỷ đồng nợ cũ). Nhưng số nợ thuế mới phát sinh của hàng nghìn DN rất khó thu hồi, thậm chí nhiều DN chây ỳ, nợ lớn thì đã… mất tích.
Chi cục đã gửi thông báo tới 38 hội sở ngân hàng để xác minh tài khoản của 26 DN chây ỳ, nợ lớn (trên 1 tỷ đồng).
Cụ thể, các đơn vị nợ lớn như Cty CP xây dựng và thương mại LEPRO Việt Nam, Cty TNHH Thiên Ngân Hà, Cty TNHH một thành viên XNK Tổng hợp và Chuyển giao Công nghệ Việt Nam, Cty TNHH Xây dựng An Phát, Cty CP Invaco Việt Nam… Nếu DN nào có tiền, chi cục thuế sẽ yêu cầu ngân hàng trích trả nợ thuế ngay.
Đến giờ, chi cục thuế này mới xác minh được 2 DN có tiền trên tài khoản. Trong đó, Cty XNK Tổng hợp và Chuyển giao Công nghệ Việt Nam có 2 tỷ đồng, nhưng ngân hàng chưa phản hồi việc trích nợ thuế 940 triệu đồng.
Còn Cty LEPRO Việt Nam chỉ có 1 triệu đồng nên chi cục thuế đã yêu cầu phong tỏa tài khoản trong 30 ngày, hi vọng thu hồi số nợ hơn 1,4 tỷ đồng.
Năm 2012, Cục thuế Hà Nội là một trong số ít đơn vị hoàn thành dự toán thu ngân sách. Tổng số thu nội địa đạt hơn 137.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra chỉ…1,2 % so với năm ngoái. Kết quả này, theo một cán bộ thuế là “may mắn”.
Vì năm qua, hầu hết DN, cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn đều rất khó khăn, thua lỗ nặng. Số đơn vị phá sản, giải thể tăng (khoảng 5.000 doanh nghiệp).
Thu Hằng
tiền phong
|