Chuyên gia: "Bộ ngành đang tính quẩn"
Cuối năm 2012, đầu năm 2013, người dân và doanh nghiệp đón nhận hàng loạt thông tin tăng phí, tăng giá nước, giá điện.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, những chính sách này sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp và đời sống người dân, đi ngược lại với những gì mà Chính phủ đã tuyên bố trước đó, thể hiện sự vô cảm của các bộ ngành.
Bà Lan nói: "những ngày cuối năm 2012, doanh nghiệp phấn khởi phần nào khi nghe Chính phủ tổ chức họp bàn tháo gỡ khó khăn, đưa ra một loạt giải pháp như Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống 20%, xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trước đó, tôi có tham dự một cuộc họp của Bộ Tài chính để tư vấn về các đề xuất này. Bản thân tôi tán thành đề nghị giảm thuế bởi đây là điều doanh nghiệp thực sự cần. Thuế ở Việt Nam cũng cao hơn các nước. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, tôi đã nêu ý kiến rằng Bộ Tài chính nên góp ý với Chính phủ để kiểm soát việc tăng giá của nhiều mặt hàng, loại phí khác. Tôi đã nói thẳng rằng, Nhà nước mình cứ dùng cả hai tay, một tay thả và một tay lấy lại mà tay lấy lại còn nhiều hơn tay thả".
TBKTSG Online: Như vậy, việc tăng phí, tăng giá các mặt hàng thiết yếu vừa bắt đầu có hiệu lực là một biểu hiện của một tay thả, một tay thu như bà vừa nói. Theo bà, doanh nghiệp và người dân sẽ chịu tác động như thế nào bởi những áp lực này?
- Bà Phạm Chi Lan: Trong khi việc giảm thuế chưa được áp dụng vì còn phải chờ Quốc hội họp và thông qua thì doanh nghiệp đã phải chịu các loại phí. Doanh nghiệp vận tải đang rục rịch tăng cước vì phí bảo trì đường bộ tác động trực tiếp lên chi phí của họ. Còn doanh nghiệp sản xuất thì cùng một lúc chịu áp lực của chi phí vận chuyển tăng, chi phí sản xuất tăng vì giá điện, nước tăng.
Trong khi đó, người dân càng khó hơn. Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm mà các gia đình phải chi tiêu nhiều hơn. Với việc giá điện, giá nước, phí như thế này thì chắc chắn, tất cả các gia đình bình thường đều phải tính toán lại kế hoạch chi tiêu tết. Bởi nguồn thu, thưởng tết chưa thấy đâu trong khi phải chi rất nhiều.
Đây là một bất cập và rõ ràng Chính phủ biết nhưng không hiểu sao vẫn chấp nhận cho các bộ ngành thực hiện. Nếu lấy lý do là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì rất không hợp lý. Năm 2012, nguyên nhân chủ yếu của việc thu ngân sách không đạt chỉ tiêu là khó khăn quá lớn của doanh nghiệp. Cả nước có trên 55.000 doanh nghiệp đóng cửa, giải thế. Sức tiêu dùng giảm mạnh. Bây giờ, tăng phí giữa lúc doanh nghiệp không bán được hàng, không dám tăng giá hàng hóa là gây khó thêm cho họ.
Tôi cảm thấy các bộ ngành đang tính quẩn. Trong lúc phải nuôi dưỡng nguồn thu thì lại làm ngược lại. Điều đó cho thấy họ vô cảm với đời sống nhân dân, khó khăn của doanh nghiệp. Tôi sợ rằng, trong năm 2013, nếu không cẩn thận sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp “chết” bởi họ không thể gượng nổi với những khó khăn những năm qua. Và hệ quả tất yếu là người lao động mất việc làm. Lúc đó thì lấy đâu tiền để mua sắm, tiêu dùng. Vòng luẩn quẩn lại tiếp tục.
Khi đầu vào tăng, hệ quả dễ thấy là giá cả sẽ bị đẩy lên. Vậy theo bà, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 sẽ như thế nào?
- Theo tôi, lạm phát cao vẫn tiếp tục là câu chuyện đau đầu trong năm 2013. Chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng ở một con số nhưng quan trọng hơn là nhờ đâu. Như năm 2012, CPI ở mức 6,81%, tính tháng 12-2012 so với tháng 12-2011. Tuy nhiên, nếu tính bình quân năm thì vẫn xấp xỉ 10%. So với các nước khu vực, CPI ở Việt Nam cao hơn trong khi tăng trưởng lại thấp hơn. Bên cạnh đó, nguyên nhân thực sự lại nằm ở sức mua suy kiệt chứ không phải năng suất, hiệu quả được cải thiện.
Vậy theo bà, cần có những giải pháp như thế nào để hài hòa các bên?
- Biện pháp quan trọng nhất, chính là tái cơ cấu kinh tế, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tái phân bổ nguồn lực cho tất cả các thành phần kinh tế trên cơ sở công khai, minh bạch và công bằng. Không thể kéo dài tình trạng như hiện nay khi ưu tiên nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước rồi để những đơn vị này làm thất thoát, lãng phí và thua lỗ.
Việc cần làm ngay là phải cải cách doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Nghị quyết Trung ương 3 qua một năm vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Nếu cứ chạy theo những mục tiêu ngắn hạn thì không bao giờ đạt được hiệu quả trọn vẹn.
Còn trong ngắn hạn, tôi nghĩ chính bản thân các bộ ngành phải cắt giảm chi tiêu, đầu tư và không thiếu những việc có thể cắt giảm được.
Minh Tâm
TBKTSG
|