Lạm phát có thuận theo mục tiêu?
Một khi những mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ thiết yếu, hoặc nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất tăng giá, sẽ tác động mạnh đến mặt bằng giá cả... Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ nên kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đi đôi với tái cấu trúc lại nền kinh tế. Trong đó, điều hành CSTT phải thật sự thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt.
Ngay đầu năm đã có rất nhiều dự báo về chỉ số lạm phát năm 2013 với các con số khác nhau. Vậy, lạm phát năm nay ở mức nào? Có nằm trong mục tiêu của Chính phủ?
Về quan điểm chỉ đạo điều hành, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cuối tháng 12/2012, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2013 thấp hơn năm 2012 ở mức khoảng 6% – 6,5%. Nhìn lại 2012, khi lạm phát 2011 vọt lên mức 18,6%, người lạc quan nhất cũng chỉ dám đưa ra dự báo lạm phát 2012 là 8%, song bằng nhiều giải pháp đồng bộ của Chính phủ, chỉ số này đã dừng ở mức 6,81% - thành công ngoài mong đợi.
Tuy nhiên, năm nay, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo lạm phát của Việt Nam khá cao. Chẳng hạn, theo JP Morgan, lạm phát năm 2013 của Việt Nam ở mức 9,7%; theo HSBC là 10,8%. ANZ cũng dự báo, con số này sẽ nhanh chóng đạt mức hai con số vào nửa cuối năm 2013.
Ở trong nước, mặc dù các nhà nghiên cứu, chuyên gia chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng theo nghiên cứu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì tổng cầu của nền kinh tế hiện nay còn yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn. Bởi thực tế, cung tiền tổng phương tiện thanh toán (M2) trong năm 2012 tăng khá mạnh, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát tốt.
Dự báo con số lạm phát giữa “tây” và “ta” có thể có khác nhau, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát của các nước, trong đó có Việt Nam - một nền kinh tế tương đối mở, đang chịu áp lực rất lớn từ chính sách nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc...
Giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là nguyên nhiên, vật liệu, lương thực sẽ có xu hướng tăng mạnh cùng với đà hồi phục kinh tế tại các quốc gia này trong năm nay. Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế khá lớn, chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ. Cơn sốt giá năng lượng, lương thực trên thế giới năm 2008 đã đẩy lạm phát tại Việt Nam lên tới 20% là một ví dụ.
Trong nước, việc nới lỏng hơn về tiền tệ, tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm 2012, và sẽ tiếp tục trong năm 2013 chắc chắn cũng sẽ tạo nhiều áp lực lên lạm phát. Đặc biệt, theo dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu mà Chính phủ sẽ ban hành trong vài ngày tới với nhiều chính sách giảm lãi suất, ưu đãi thuế cho một số lĩnh vực ưu tiên, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới “no dồn, đói góp”, tác động xấu đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại về vấn đề điều hành, nhất là điều hành giá cả. Ví dụ, việc tăng giá điện thêm 5% vào 22/12 sẽ có tác động đến CPI ngay trong quý I/2013, mà giá điện vẫn đang trong lộ trình tăng. Hay hiện nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chưa tăng viện phí trong năm 2012, nhưng dự kiến sẽ tăng trong quý I/2013.
Cùng với đó, bắt đầu từ 1/1/2013 quy định về thu phí bảo trì đường bộ sẽ làm tăng giá cước vận tải – một cấu thành trong rổ hàng hóa tính CPI. Đó là chưa kể tới giá xăng dầu cũng có xu hướng tăng theo diễn biến giá xăng dầu thế giới...
Một khi những mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ thiết yếu, hoặc nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất tăng giá, sẽ tác động mạnh đến mặt bằng giá cả... Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ nên kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đi đôi với tái cấu trúc lại nền kinh tế. Trong đó, điều hành CSTT phải thật sự thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt.
Chí Kiên
thời báo ngân hàng
|