Chưa cần giải cứu, doanh nghiệp BĐS đã hốt tiền
Cổ phiếu BĐS nổi sóng và đang dẫn dắt thị trường chứng khoán (TTCK) tăng điểm mạnh mẽ do tác động từ gói giải cứu được công bố. Chưa cần bơm tiền, BĐS đã lên hương nhờ chứng khoán.
BĐS nổi sóng
Trái ngược với các phiên trước khi các cổ phiếu vốn hóa cao dẫn dắt thị trường, sáng 16/1, TTCK đã tiếp tục lên điểm đồng loạt nhưng nhờ sự tăng điểm ấn tượng của nhóm BĐS với những gương mặt quen thuộc như: KBC (+6,3%), ITA (+6,3%), TDH (+6,6%), DIG (+6,9%)…
Một số nhóm ngành khác cũng tham gia đợt tăng này như nhóm cao su, trong đó DRC (+6,7%), SRC (+6,7%), CSM (+6,7%) và một số mã vận tải đường biển: PVT (6,4%), VTO (+4,3%), VIP (+5,9%)…
Dòng tiền đang chảy vào thị trường rất mạnh, đổ vào các cổ phiếu có vốn hóa thấp hơn. Có thể thấy, điểm nổi bật nhất trong phiên giao dịch là nhóm cổ phiếu BĐS tăng dữ dội và được vét mua ở mức giá trần cho dù biên độ giao động mới cao hơn nhiều đã được áp từ ngày 15/1 (7% trên sàn HOSE và 10% trên sàn HNX).
Cổ phiếu SHN của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (HANIC) quay đầu trở lại tình trạng tăng trần sau hai phiên điều chỉnh và 7 phiên tăng hết biên độ trước đó. Cổ phiếu này gần cuối phiên buổi sáng có dư mua trần 5 triệu đơn vị.
Giới đầu tư quan tâm đặc biệt tới SHN sau khi có thông tin cho biết, HANIC được nhận chuyển nhượng 51% số cổ phần của Công ty Cổ phần Bê tông - Thép Ninh Bình và thay vào đó HANIC sẽ trừ một phần nợ cho ông Nguyễn Anh Quân với số tiền là 45 tỷ đồng.
Đây là một thông tin có tác động khá mạnh tới các nhà đầu tư. Nó mở ra khả năng sống sót cho một doanh nghiệp mà chủ tịch HĐQT từng tuyên bố “đứng trên bờ phá sản” đã khiến cổ phiếu SHN với mức giá chưa tới 2.000 đồng/cp quả thực được nhiều nhà đầu tư đánh giá khá hấp dẫn.
Nhưng trên hết, giới đầu tư đang kỳ vọng vào sự phục hồi của các doanh nghiệp BĐS nói riêng và thị trường BĐS nói chung trong bối cảnh hàng loạt các biện pháp hỗ trợ thị trường đang được tung ra, từ hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất, tín dụng cho tới mua lại nhà thương mại…
Theo đó, doanh nghiệp BĐS sẽ nhanh chóng bán được hàng, giải phóng được tồn kho, chuyển từ lỗ thành lãi, từ lãi ít thành lãi nhiều khi thị trường sôi động, nền kinh tế phục hồi. Qua đó, giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh trở lại, từ mức rất thấp hiện nay.
Thực tế dòng tiền đang đổ vào nhóm cổ phiếu BĐS trong vài tuần gần đây phản ánh điều này. Tuy nhiên, kỳ vọng đôi lúc có thể cao hơn so với diễn biến thực tế. Thị trường có thể sẽ tăng tiếp từ mức được đánh giá là thấp hơn khá nhiều so với khu vực hiện tại nhưng có lẽ cũng cần một cái nhìn bớt hưng phấn hơn để phát triển cân bằng, không sốc.
Ẩn số VAMC
Trong vài ngày gần đây, vấn đề giải quyết nợ xấu lại rộ lên sau khi NHNN cho biết hai đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty quản lý tài sản (mua bán nợ) VAMC cơ bản đã xin ý kiến của các bên liên quan, chỉ chờ trình Bộ chính trị phê duyệt và có thể đi vào hoạt động ngay cuối quý I hoặc đầu quý II/2013.
Thông tin ban đầu cho thấy, VAMC sẽ ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là BĐS và BĐS hình thành trong tương lai của các tổ chức tín dụng trong nước. Nhiều khả năng, VAMC sẽ được thành lập và hoạt động xử lý nợ xấu cũng sẽ được triển khai ngay trong quý I/2013.
Nhìn chung hai đề án cho thấy nhận thức giải quyết vấn đề nợ xấu của các cơ quan chức năng là rất cao, nỗ lực cho ra đời VAMC cũng rất lớn. Nó cho thấy quyết tâm của NHNN và Chính phủ với mong muốn xử lý mạnh mẽ vấn đề nan giải, gây bế tắc nền kinh tế nói trên.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước hiện vẫn chưa có quan điểm đánh giá rõ ràng về mặt tích cực, tiêu cực hay hiệu quả của đề án nói trên. Lý do, có lẽ là thông tin chi tiết cụ thể của đề án cho tới thời điểm này vẫn chưa được công bố công khai.
Một chuyên gia nước ngoài trong cuộc họp do IFC tổ chức hôm 15/1 cho rằng, vấn đề quan trọng là nợ xấu sau khi được chuyển sang VAMC sẽ được mua bán như thế nào? Có ai mua không? Đó mới là vấn đề quan trọng.
Chi tiết đề án chưa được công bố. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả của đề án đối với nền kinh tế nói chung, với thị trường BĐS nói riêng là rất khó. Những chuyên gia này cho rằng, nếu tiền được bơm ào ào qua VAMC trở lại ngân hàng thì nợ xấu sẽ lại như cũ. Theo họ, tiền nên được bơm từ từ để tín dụng ra thị trường được hấp thụ tốt, tránh tình trạng tín dụng mới sẽ lại trở thành nợ xấu. Hơn thế, tiền nhiều sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Tuy nhiên, với nhiều người, nếu tiền được bơm ra từ từ, trong nhiều năm (3-5 năm chẳng hạn) thì việc giải cứu BĐS có lẽ sẽ không được như kỳ vọng. Hơn thế, nếu làm chặt thì giá trị BĐS sẽ phải định giá lại và VAMC mua với mức giá thấp để đảm bảo bán nợ được cho các nhà đầu tư khác. Khi đó, rất có thể các doanh nghiệp BĐS sẽ đối mặt với thua lỗ nhiều hơn.
Bên cạnh đó, nếu VAMC hoạt động hiệu quả, nhiều khả năng nguồn cung BĐS giá thấp có thể sẽ tăng lên. Thị trường BĐS dù vẫn đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng có lẽ không thể là điểm sáng của nền kinh tế. Sự sôi động có chăng là ở mảng mua bán sáp nhập, M&A.
Ở chiều ngược lại, nếu các chủ đầu tư vẫn giữ giá BĐS, các BĐS là tài sản đảm bảo được thống nhất giữ giá cao…, khả năng thị trường sôi động hơn có thể còn phải xem xét lại. Vấn đề thẩm định BĐS khi ngân hàng cho vay trong thời gian qua cũng là điều cần được xem xét kỹ Thị trường này sẽ phục hồi khi nền kinh tế phục hồi.
Mạnh Hà
Vietnamnet
|