Chống chuyển giá, mũi tên trúng nhiều đích
Về bản chất, “chuyển giá” là hành vi khai giấu chi phí, doanh thu và lãi thực để giảm thu nhập chịu thuế và nghĩa vụ nộp thuế, tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp.
Do vậy, chuyển giá không chỉ gây thất thu thuế cho ngân sách các cấp nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn gây méo mó thị trường và gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh, làm thiệt hại đến quyền lợi, môi trường kinh doanh của quốc gia và cả lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp khác.
Nhận diện hành vi "chuyển giá"
Chế tài đối với hành vi chuyển giá ở một số nước:
Australia: Phạt tiền bằng 50% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng với mục đích nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp. Phạt 25% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng nhằm các mục đích khác.
Trung Quốc: Phạt tiền lên đến 2.000 NDT và có thể lên đến 10.000 NDT trong trường hợp nghiêm trọng khi không khai báo về giá thị trường đúng hạn.
Ấn Độ: Mức phạt lên đến 300% số thuế tránh được.
Hàn Quốc: Phạt tiền từ 10% - 30% đối với số số thuế tránh được.
New Zealand: Phạt tiền ít nhất là 20% so với số thuế tránh được.
Philippines: Phạt tiền tương đương 25% - 50% số thuế tránh được.
|
Chuyển giá còn được doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài dùng làm tăng lợi nhuận để được quyền niêm yết và có giá trị cổ phiếu cao, thu lợi nhuận bổ sung trên sàn giao dịch chứng khoán, thu hồi và rút vốn nhanh ra khỏi Việt Nam, làm ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, đặc biệt là dòng vốn FDI thực vào và chuyển ra khỏi Việt Nam. Hơn nữa, việc nâng khống giá trị tài sản góp vốn làm thiệt hại cho bên liên doanh Việt Nam; tạo lợi thế trong quản lý, phân chia lợi nhuận và chuyển nhượng cổ phần cho bên đối tác nước ngoài
Chuyển giá ngày càng mở rộng ra các nhóm đối tượng doanh nghiệp, cũng như ngày càng thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, đa dạng hơn, với những thủ thuật như: chuyển lợi nhuận phát sinh vào những doanh nghiệp hiện đang hưởng chế độ ưu đãi thông qua các mối giao dịch liên kết; mở văn phòng (đôi khi chỉ là một hòm thư hoặc thậm chí chỉ có trên giấy tờ, không hề có nhân viên hay số điện thoại) để khai thuế tại những nơi có mức thuế thấp nhất, dù nơi đó không phải là thị trường chính trên thực tế của công ty; chịu lỗ hình thức hoặc báo lỗ kéo dài, giảm thiểu thu nhập chịu thuế và giảm thiểu nghĩa vụ thuế phải nộp trên cơ sở nâng giá trị tài sản cố định, máy móc, thiết bị hoặc giá trị chuyển giao các tài sản vô hình như công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý điều hành và các dịch vụ khác trong góp vốn đầu tư hoặc nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, lãi suất vay vốn, chi phí bảo lãnh vay vốn, chi phí trả lương, đào tạo, chi phí quảng cáo, bán hàng, chi phí kinh doanh khác.
Thực tế cho thấy, có hiện tượng doanh nghiệp trong nước và liên doanh đã lợi dụng chính sách ưu đãi thuế theo ngành nghề kinh doanh và địa bàn đầu tư, thành lập một số công ty con hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau để chuyển lợi nhuận trước thuế từ nơi không được ưu đãi thuế sang nơi được ưu đãi thuế, hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang DN bị lỗ thông qua chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên không theo giá thị trường, làm giảm hiệu quả chính sách quản lý nhà nước và méo mó thị trường…Hiện tượng chuyển giá xảy ra ở cả doanh nghiệp có lãi và hoà vốn với mức độ khác nhau, nhưng nghiêm trọng nhất chủ yếu ở doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Tổ chức đấu tranh với hành vi "chuyển giá"
Việt Nam đã sớm nhận thức và có nhiều nỗ lực chống chuyển giá cả trên phương diện pháp lý, cũng như thực tế. Chống chuyển giá đã được đề cập ngay từ Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài; được tiếp tục bổ sung và nhấn mạnh trong các Thông tư 89/1999/TT-BTC; Thông tư 13/2001/TT-BTC; Thông tư 05/2005/TT-BTC; Thông tư 117/2005/TT-BTC Thông tư 66/2010/TT-BTC; Thông tư 71/2010/TT-BTC… Đặc biệt, ngày 15/02/2012, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá trực thuộc Tổng cục Thuế. Ngày 21/5/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có quyết định số 1250/QĐ-BTC về việc phê duyệt chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012- 2015.
Trên thực tế, một số cơ quan thuế địa phương, nhất là ở phía Nam, đã năng nổ, chủ động tiến hành theo dõi, đối thoại và đấu tranh với các doanh nghiệp nghi có chuyển giá.
Để đối phó hiệu quả hơn với các hành vi chuyển giá, cần có nhận thức đúng, quyết tâm cao và thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt hơn.
Cụ thể, cơ quan chức năng cần xem xét việc thực hiện thu hẹp các ưu đãi dễ gây lạm dụng (nhất là chênh lệch mức thuế giữa các địa phương); tăng yêu cầu kê khai thông tin giao dịch về doanh thu, chi phí, bổ sung quy định về ngưỡng kê khai thông tin giao dịch liên kết; bổ sung những quy phạm pháp luật về quyền xác định giá, thương thảo giá trước, quyền ấn định thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động giao dịch liên kết chuyển giá; bổ sung quy phạm pháp luật về điều chỉnh đối với các dự án đang hoạt động kinh doanh có số lỗ vượt vốn chủ sở hữu; quy định lại các chi phí khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế đảm bảo rõ ràng, minh bạch, gắn với diễn biến chi phí thực tế trên thị trường, đồng thời cần có quy định về các chế tài thưởng phạt rõ ràng, toàn diện và nghiêm khắc hơn đối với những khai báo không chính xác, kịp thời.
Mặt khác, cần tăng thêm quyền hạn và năng lực chống chuyển giá; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đầu tư trang bị những điều kiện, phương tiện để theo dõi, lưu trữ nối kết các dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin chung và chuyên ngành về chuyển giá, trong đó có hệ thống các mức giá tham chiếu cần thiết trong các lĩnh vực thuế của các công ty xuyên quốc gia và các nước khu vực, thế giới.
Như vậy, việc đấu tranh với hành vi chuyển giá không chỉ bó hẹp trong phạm vi phát hiện doanh nghiệp chuyển giá mà còn là việc xem xét, rà soát lại quy định pháp luật, nâng cao nghiệp vụ của cơ quan chức năng.
TS Nguyễn Minh Phong
chính phủ
|