Xây dựng cơ bản 2013: Điệp khúc thiếu vốn
Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được đưa vào danh mục tập trung đầu tư trong năm nay để dần nâng cao tính đồng bộ trong kết cấu hạ tầng. Dù đã có một số cơ chế đặc thù trong việc xã hội hóa đầu tư, thu hút vốn, nhưng lĩnh vực xây dựng cơ bản vẫn đang đứng trước áp lực thiếu vốn trầm trọng.
Nhu cầu nhiều, vốn ít
Năm 2013, theo Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT), lĩnh vực xây dựng cơ bản tiếp tục gặp khó khăn, thách thức. Tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam chỉ đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm hơn 1 tỷ USD so với năm 2012.
Chủ trương xã hội hóa đầu tư, thu hút đầu tư các dự án BOT, BT, PPP xây dựng hạ tầng của ngành GT-VT gặp nhiều khó khăn bởi doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp khốn khó về tài chính. Các dự án đình hoãn (37 dự án) hiện nay khiến công tác đảm bảo giao thông càng thêm khó.
Theo kế hoạch đề ra, năm nay ngành GT-VT sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ những dự án theo kế hoạch khởi công năm 2013 gồm: Đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống, cảng Lạch Huyện, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, dự án BT La Sơn-Túy Loan, các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14, hầm Phú Gia-Phước Tượng…
Bên cạnh đó, sớm hoàn thành đưa vào khai thác hiệu quả 42 dự án trái phiếu chính phủ đã có kế hoạch đủ vốn năm 2013, cảng Cái Mép-Thị Vải, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Dốc Xây-Thanh Hóa và Diễn Châu-Quán Hành, dự án an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ (3, 5, 10, 18), cầu Chanh Quốc lộ 37, dự án tín dụng 17 cầu yếu…
Khắc phục đầu tư dàn trải
Trong bối cảnh các nguồn vốn tập trung cho lĩnh vực xây dựng cơ bản hạn hẹp, giải pháp của Bộ GT-VT là hạn chế tối đa việc khởi công các dự án mới, tập trung đầu tư dứt điểm, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính hạn hẹp hiện nay.
Các dự án trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng tốt để sớm phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án thu hút vốn đầu tư của xã hội thông qua các hình thức BOT, BT, PPP, giảm áp lực vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai chậm tiến độ do thiếu vốn
|
Cụ thể, bộ sẽ chủ động đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt trong xây dựng Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Tập trung tổ chức thực hiện Đề án “Hoàn thiện cơ chế quản lý và công tác tổ chức quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng công trình giao thông” theo tiến độ yêu cầu tại Quyết định 3048/QĐ-BGTVT và Quyết định 3051/QĐ-BGTVT của Bộ GT-VT ngày 26-11-2012.
Rà soát, hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, công nghệ, ứng dụng công nghệ mới nhằm đảm bảo thực hiện có chất lượng các giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát quản lý chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo chất lượng bền vững và tuổi thọ khai thác công trình.
Tăng cường kiểm tra, đánh giá
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, một trong những hạn chế gây bức xúc trong thời gian qua là năng lực chủ đầu tư, ban quản lý, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tại nhiều dự án còn yếu kém, quản lý chất lượng công trình lỏng lẻo dẫn đến công trình chậm tiến độ, đội vốn đầu tư, chất lượng không đảm bảo.
Đơn cử, dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, dự án mở rộng Quốc lộ 51 (BOT) đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Các nhà thầu Keang Nam tại gói thầu A4, A5 dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; nhà thầu thi công gói thầu PK1C-QL3 Hà Nội-Thái Nguyên, nhà thầu Công ty 623 thi công dự án cầu Đầm Cùng… thi công chậm trễ, không tuân thủ hợp đồng.
Dự án BOT Quốc lộ 51 có đến 15 đơn vị tư vấn giám sát nhưng cũng để xảy ra hàng loạt vi phạm liên quan đến chất lượng công trình.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GT-VT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải nâng cao năng lực trách nhiệm trong quản lý, điều hành, triển khai dự án; xác định tiến độ và chất lượng là yếu tố hàng đầu; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá các đơn vị nhà thầu, ban quản lý dự án, tư vấn theo tiêu chí của Bộ GT-VT.
Đồng thời các cơ quan liên quan chủ động kiểm tra, ngăn ngừa triệt để các yếu tố ảnh hưởng xấu đến tiến độ, chất lượng công trình để kiên quyết xử lý vi phạm. Các chủ đầu tư, ban quản lý tích cực phối hợp với địa phương để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng.
Về quản lý giá thành, Bộ GT-VT cũng cho biết sẽ tăng cường chấn chỉnh công tác lập dự án đầu tư, thiết kế xây dựng, thẩm tra, thẩm định, thiết kế nhằm lựa chọn kết cấu công trình, kiến trúc hợp lý; không vì nguyên nhân hạn chế vốn làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, phát sinh chi phí do công trình chậm trễ.
Minh Tuấn
sài gòn đầu tư tài chính
|