Bí cơ chế, tàu biển phải phá dỡ chui?
Khá nhiều ngân hàng, công ty cho thuê tài chính và công ty vận tải biển đang lúng túng khi xử lý tàu biển của chủ tàu Việt Nam nhưng treo cờ nước ngoài. Lý do vì vướng cơ chế.
Tàu Hufa Star 01 đang bị phá dỡ.
|
Theo Đăng kiểm Việt Nam (VR), tàu Hufa Star 01 đóng năm 1977, chủ tàu là công ty TNHH Hưng Phát (Thuỷ Đường, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng). Tàu treo cờ Mông Cổ, tức theo Công ước về hàng hải quốc tế, chiếc tàu này là tài sản của Mông Cổ, không phải của Việt Nam.
Ngày 7.11.2012, VR cấp đăng kiểm đi một chuyến cho tàu Hufa Star 01 với hạn hiệu lực tới ngày 26.11.2012. Theo thông tin của cảng vụ Hải Phòng, tàu Hufa Star 01 đang đỗ tại xã An Hồng, huyện An Dương, trong vùng nước của công ty cổ phần Cơ khí thương mại và xây dựng Hải Phòng. Như vậy, đến thời điểm này Hufa Star 01 vẫn là tàu biển nước ngoài đang hoạt động, chưa bị rút cấp đăng kiểm. Tuy nhiên, thực tế hiện tàu này đang bị phá dỡ làm sắt vụn.
Theo một lãnh đạo sở Tài nguyên và môi trường Hải Phòng, cho đến nay sở này chưa tiếp nhận phương án phá dỡ tàu Hufa Star 01 do doanh nghiệp trình lên. “Mặt khác, dù có xin thì cũng không được cho phép phá dỡ tại bất kỳ địa phương nào, chứ không riêng tại Hải Phòng”, vị này nói. Lý do, theo luật Bảo vệ môi trường áp dụng từ năm 2006, tàu biển của nước ngoài đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu về phá dỡ tại Việt Nam. Nói cách khác, điều đó có nghĩa tàu Hufa Star 01 đang được phá dỡ... chui.
Không có cơ chế xử lý tàu biển của chủ tàu Việt Nam treo cờ nước ngoài đang làm các ngân hàng, công ty cho thuê tài chính và công ty vận tải biển thiệt hại lớn. Vì thường tàu Việt Nam treo cờ nước ngoài đều là các tàu già tuổi, không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu để treo cờ Việt Nam (dưới 15 năm). Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, chủ tàu, chủ hàng kiệt quệ về tài chính thì đây sẽ là các tàu đầu tiên không còn hàng để chở do chi phí vận hành quá lớn. Hoặc theo thời gian các tàu này không còn đủ tiêu chuẩn để hành hải, dễ bị bắt giữ khi ra vào các cảng nước ngoài...
Theo cục Đăng kiểm Việt Nam, riêng trong năm 2012 có khoảng gần mười trường hợp tàu biển treo cờ nước ngoài do VR rút phân cấp với lý do phá dỡ, hoặc bán để phá dỡ. Đó là các tàu như Sunny Viship, Rosy Falcon, Peace Star, Ocean Star, Lucky Star, Friendly Falcon, Asean Sea 01, South Star...
Chủ một công ty kinh doanh phế liệu tại Hải Phòng thì cho biết, một số tàu trong các tàu này đã phá dỡ ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông này từ chối cho biết tên cụ thể những tàu biển của chủ tàu Việt Nam nhưng treo cờ nước ngoài đã phá dỡ trong nước. Lý do “đều là phá dỡ... chui, không có phương án phá dỡ vì không ai dám cho phép. Nói ra chỉ làm hại chủ tàu, họ đều đã sắp phá sản thì mới buộc phải bán tàu để phá làm sắt vụn”, ông này nói. Thực tế, khi bị phát hiện, việc phá dỡ tàu Hufa Star 01 đã bị cơ quan công an Hải Phòng đình chỉ để làm rõ.
Hiện, vì không bán được tàu, cũng không dám phá dỡ, mà nhiều ngân hàng, công ty cho thuê tài chính hay chủ tàu buộc phải chấp nhận neo tàu vạ vật ở các vùng nước nội thuỷ, hoặc đưa tàu tới quốc gia có giá neo đậu thấp để đỗ. Tại Quảng Ninh, tàu Green Sea, treo cờ Panama, trọng tải 76.000 tấn do Vinashin khai thác; tàu Speedy Falcon, treo cờ Mông Cổ, trọng tải hơn 64.000 tấn thuộc công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam, đều thuộc diện muốn bán làm sắt vụn cũng khó.
Quốc Dũng
sài gòn tiếp thị
|