2013: Quay về nền tảng và trưởng thành hơn
Những ngày cuối năm, ai cũng có thể tự hỏi hoặc bị hỏi cùng một câu: “Dự báo năm sau sẽ thế nào?”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
|
Dự báo vốn dĩ là một việc khó, năm nay lại càng khó gấp bội. Ai cũng biết suy giảm kinh tế xuống đáy một thời gian thì quá trình hồi phục sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, đâu là đáy, bao giờ hồi phục thì mấy ai bắt trúng. Có người nói năm 2012 đã là đáy, nên 2013 sẽ khởi sắc trở lại. Có người lại nói chưa đâu, 2013 mới thực sự là đỉnh điểm của khó khăn.
Riêng tôi, nhìn vào doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2012, tôi thấy cả một màn tối, tuy cũng có vài điểm sáng nhỏ. Và những vấp váp, đổ vỡ của năm 2012 lại là tiền đề để hy vọng doanh nghiệp hướng tới một năm 2013 sáng sủa hơn.
Doanh nghiệp 2012: Chao đảo, rơi rụng
2012 là một năm vô cùng khốn khó của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân trong nước, với hơn 54.000 đơn vị đóng cửa, tiếp tục tăng so với con số 53.000 của năm 2011. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa hoặc tương đối lớn cũng chết, trong khi một số khác phải tìm đường bán đi một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.
2012 là một năm vô cùng khốn khó của doanh nghiệp Việt Nam khi có hơn 54.000 đơn vị phải đóng cửa, tăng từ con số 53.000 của năm 2011
|
Ở các nước khác, doanh nhân có thể chọn chiến lược gầy dựng doanh nghiệp cho lớn đến mức độ nào đó rồi bán đi. Nhưng ở Việt Nam, phần lớn chủ doanh nghiệp đang rao bán “đứa con” của mình không chủ động áp dụng chiến lược này từ đầu. Họ gầy dựng doanh nghiệp với ước muốn trường tồn. Và dù đã có 15 hay 20 năm vật lộn trên thương trường, nhưng vì không chịu nổi giông bão kéo dài trong mấy năm gần đây, họ đành phải chuyển sang con đường này. Đau lắm chứ, cay đắng lắm chứ, nhưng giữa sống và chết, họ phải chọn cách đó, mà vẫn còn lo đây có thể là cái chết từ từ vì chưa biết tương lai sẽ ra sao.
Càng về cuối năm, thông tin nhiều doanh nghiệp lớn bán phần lớn cổ phần hoặc lâm nạn càng làm tôi lo. Đến doanh nghiệp lớn cũng không chịu nổi nữa rồi! Dưới góc độ đầu tư, bán doanh nghiệp hay chấp nhận sáp nhập không có gì dở, nhưng bán trong lúc khó khăn chắc chắn không thể có được giá tốt và khó có thể nói là một chiến lược chủ động. Doanh nghiệp nước ngoài vào mua thường muốn nắm cổ phần chi phối, chỉ để lại cho ông chủ Việt một phần để họ làm tiếp công việc ở thị trường Việt Nam nhưng không biết trong bao lâu.
Các ông chủ Việt lừng lẫy một thời, từ vai trò là người cầm trịch, quyết định mọi đường hướng phát triển của doanh nghiệp mình, bỗng đổi vai thành người phụ thuộc, tiếng nói kém trọng lượng với số cổ phần nắm giữ ít hơn và có thể sẽ còn teo dần đi. Những doanh nghiệp này đa phần đều xuất phát từ công ty gia đình, là tâm huyết và công sức của cả một gia tộc, mà phần lớn chỉ mới ở thế hệ thứ nhất, chưa kịp bước sang thế hệ thứ hai. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, Việt Nam khó có được doanh nghiệp tuổi đời trăm năm.
Tôi đã trình bày nỗi lo này tại không ít cuộc họp với các vị lãnh đạo cao cấp của các cơ quan nhà nước suốt từ năm ngoái đến giờ và kêu gọi họ hỗ trợ các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng như vậy, nhưng chẳng ăn thua gì.
Ở một góc khác, trong bức tranh xám màu của kinh tế năm qua, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) bỗng trở nên nổi bật ở cả hai mặt công và tội.
Nghi án chuyển giá khó có thể gọi là “nghi án” nữa, khi có đến 60-70% doanh nghiệp FDI kêu lỗ. Chưa có đủ chứng cứ để kết luận từng trường hợp và ai cũng biết là rất khó để xác định họ có chuyển giá hay không. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI vốn rất năng động, chuyên nghiệp trong khâu truyền thông, xử lý khủng hoảng mà đến nay chưa mấy ai lên tiếng phản đối khi bị nghi ngờ cũng là một dấu hiệu đáng quan tâm.
Mặt khác, cũng chính doanh nghiệp FDI đã đóng vai chính trong thành tích xuất khẩu của Việt Nam năm qua, với mức đóng góp hơn 72 tỉ USD và đã vượt lên chiếm đến 65% tổng kim ngạch. Những cái tên không thể không nhắc đến là Samsung, Intel… Nhiều doanh nghiệp FDI không chỉ trụ vững mà còn tăng vốn, mở rộng đầu tư, mua thêm công ty ở Việt Nam. Điều đó cho thấy năng lực, niềm tin và mục tiêu dài hạn của họ ở Việt Nam.
Cuối cùng, không thể nói về năm 2012 mà không nhắc đến ngành tài chính - ngân hàng. Ngành này đã trải qua một năm quá nhiều xáo trộn, với những cú ngã ngựa bất ngờ của các ông chủ lớn, những cuộc soán ngôi chỉ qua một đêm. Đáng tiếc cho ACB, cho Sacombank, những ngân hàng vốn được xem là đáng tin cậy nhất trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam và một số “người hùng” ở đó.
Doanh nghiệp 2013: Tỉnh ngộ và chờ một cú bật
Tuy nhiên, sau tất cả những mảng tối đó, tôi lại tin vào năm 2013. Các doanh nghiệp Việt Nam, sau những chao đảo mạnh, đã thấm đòn và bắt đầu tỉnh ngộ. Họ đã có thời gian suy ngẫm về mọi chuyện và rà soát lại để tìm cách tự cứu mình. Chấm dứt những ảo vọng, những cuộc phiêu lưu, quay về công việc sở trường, ngành nghề cốt lõi đang trở thành tâm niệm của rất nhiều ông chủ Việt.
Chắc chắn cũng phải thế thôi. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với quá nhiều cái ảo, quá nhiều nghịch lý rồi. Doanh nhân Việt Nam nhanh nhẹn, giỏi chớp thời cơ, nhưng mù quáng chạy theo thời cơ ảo lại là sai lầm chết người. Muốn làm gì thì cũng phải trên nền tảng căn cơ trong lĩnh vực mình nắm chắc và tỉnh táo đi từng bước vững vàng trước khi nhảy vọt.
Năm qua, có dịp tiếp xúc với nhiều doanh nhân, tôi thấy rõ họ đã thay đổi nhiều trong tư duy. Họ đã đủ đau để thấm thía sự đời và không còn ham lợi nhuận dễ dãi nữa. Một tín hiệu vui nho nhỏ là ngày càng có nhiều doanh nhân tìm đến các chuyên gia để hỏi ý kiến. Không ít người trong số họ thành thật nói: những năm làm ăn có vẻ dễ dàng, họ chẳng mấy quan tâm chuyện vĩ mô, chẳng cần dự báo thuận lợi hay rủi ro, nhưng nay đã lãnh đủ nên họ ngộ ra rồi.
Khó khăn trong nước cũng buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược cạnh tranh, chiến lược thị trường. Bài toán mở rộng trong nước hay xuất khẩu (hoặc cả hai) và chuẩn bị cho những cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn trong những năm tới đã được nhiều doanh nghiệp tính đến. Họ chú trọng nhiều hơn đến chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, năng suất lao động, tham gia chuỗi cung ứng, tạo thêm giá trị gia tăng, đến con đường phát triển “xanh”… Một số còn chủ động vươn ra đầu tư ở các thị trường bên ngoài để tranh thủ làm ăn ở những địa bàn mới và đón thời cơ của những dàn xếp hội nhập sắp diễn ra.
Myanmar, quốc gia đang thực hiện nhiều cải cách kinh tế và chính trị, là một trong những nơi mà doanh nghiệp Việt Nam đang đi tới. Tôi tin họ đã đúng khi chọn Myanmar làm cơ hội mới cho hàng Việt. Đây là thị trường chưa lớn, chưa hoàn thiện về cơ chế và còn thiếu thốn nhiều mặt, nhưng chúng ta đã quen với điều kiện như vậy. Do đó, hoạt động ở đây phù hợp với năng lực của doanh nghiệp Việt và chúng ta có thể cùng doanh nghiệp Myanmar xây dựng nền tảng từ đầu. Lúc này, chưa có nhiều tập đoàn lớn nhảy vào nên chúng ta có thể tránh được việc phải đối phó ngay với họ. Đến khi các tập đoàn lớn đổ xô vào đây thì chúng ta đã có vị thế nhất định để sống chung với họ.
Tôi hy vọng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là ngôi sao trong năm 2013. Tiêu biểu là các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, viễn thông và một vài lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế tạo khác.
2013 cũng là năm các thỏa thuận mới quan trọng như Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc… được thúc đẩy đàm phán. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành đầy đủ vào cuối năm 2015 và một số thỏa thuận đã có như FTA ASEAN - Trung Quốc, EPA ASEAN - Nhật, EPA Việt Nam - Nhật cũng sẽ tăng tốc thực hiện trong những năm tới. Kinh tế thế giới đang dần hồi phục, còn cả khu vực châu Á thì đang chuyển động rất nhanh.
Doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều việc phải làm ngay từ bây giờ để có thể tận dụng cơ hội cũng như vượt qua thách thức do những chuyển động này mang lại. Một ví dụ là để được hưởng ưu đãi thuế cao hơn trong xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ phải đạt được tỉ lệ nhất định về phần thực sự “made in Vietnam” trong xuất xứ hàng hóa. Điều này tạo ra sức ép nhưng cũng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm gia công thuần túy trong xuất khẩu.
Đây chính là cơ hội để khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam và thu hút doanh nghiệp FDI, đặc biệt từ các nước tham gia đàm phán, phát triển thêm các cơ sở sản xuất nguyên vật liệu và các sản phẩm trung gian tại Việt Nam. AEC với 600 triệu dân trong một thị trường thống nhất cũng là cơ hội lớn. Và rõ ràng, ngay từ năm 2012 chúng ta đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp Nhật, ASEAN đổ bộ vào Việt Nam rầm rộ hơn trước.
Chính sách kinh tế 2013: Mong đợi lớn
Để tạo đà cho những biến chuyển trên, tôi mong đợi năm 2013 Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách kinh tế mạnh mẽ, hợp lý hơn. Các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa rồi đã khá hơn, nhưng vẫn còn nhiều dấu hỏi về tính hiệu quả. Quyết định giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế giá trị gia tăng (VAT) chưa đủ để đưa doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn và tạo điều kiện cho họ phát triển lâu dài.
Theo tôi, phải giảm hẳn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT xuống và phải thay đổi hẳn hệ thống các chính sách khuyến khích để triệt tiêu dần các hoạt động trục lợi; thực sự khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết. Khi đó, doanh nghiệp còn sống sẽ hăng hái hoạt động, doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động trước đó sẽ quay trở lại, công ăn việc làm sẽ được ổn định và tăng thêm, cầu tiêu dùng sẽ mạnh lên và tình trạng đình trệ của nhiều ngành sẽ được giải tỏa.
Năm 2013, giới kinh doanh cũng trông đợi những cải cách mạnh mẽ, cơ bản hơn từ Chính phủ. Sẽ phải là cải cách thể chế thực sự, tái cơ cấu kinh tế thực sự, chứ không chỉ gỡ khó ngắn hạn như hiện nay. Nếu không, những căn bệnh trầm kha của nền kinh tế sẽ không thể chữa khỏi, trong khi các thách thức khác từ bên trong cũng như bên ngoài không ngừng tăng lên và cái khó sẽ tiếp tục đeo đẳng chúng ta không biết đến bao giờ.
Với những điều trên, tôi tin doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta sẽ dần vượt qua cơn bĩ cực và chúng ta có thể hy vọng về một năm 2013 tốt đẹp hơn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Nhịp cầu đầu tư
|