GDP của TPHCM đạt 9.2% trong năm 2012
Năm 2012, dù phải đối diện bao thử thách khó khăn do chịu tác động chung của kinh tế thế giới, TPHCM vẫn nỗ lực phát triển bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả.
Dù bao bộn bề khó khăn, tăng trưởng kinh tế TPHCM năm 2012 vẫn đạt 9.2%
|
Do bị tác động và ảnh hưởng xấu của tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, kinh tế thành phố năm 2012 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thử thách, sức mua của thị trường giảm, hàng tồn kho tăng cao, doanh nghiệp khó có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản hoạt động trì trệ… đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống nhân dân và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách thành phố năm 2012. Theo đó, tổng sản phấm nội địa (GDP) cả năm đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 9,2%, thấp hơn so với năm 2011 và chỉ tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, kinh tế thành phố vẫn phát huy vai trò đầu tàu, duy trì GDP gấp 1,8 lần so với cả nước. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn nhưng tổng thu ngân sách Nhà nước vẫn đạt gần 217.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2011. Thực hiện nghiêm chủ trương cắt giảm đầu tư công, chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 chỉ tăng 4,07%, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu chính là một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu. Song song với việc thực hiện tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đánh giá về các chương trình hoạt động trong năm vừa qua, bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: "Trong năm 2012, Sở Công Thương phối hợp với quận, huyện cũng rất nhịp nhàng trong việc kết nối với ngân hàng, với doanh nghiệp, với hệ thống phân phối, để tạo điều kiện mở rộng thị trường.Bên cạnh phát triển hệ thống phân phối, để giải quyết hàng tồn kho, chúng tôi cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều hình thức với những khuyến mãi giảm giá, kích thích tiêu dùng, những phiên chợ về nông thôn; bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh hàng hóa đưa vào khu công nghiệp Hepza để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ cho công nhân lao động nghèo. Năm 2012, với chương trình bình ổn thị trường thì chúng tôi luôn đảm bảo cung cầu hàng hóa với một giá cả rất tốt".
TPHCM cũng đã quyết tâm triển khai có hiệu quả 6 chương trình đột phá đã được Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra. Trong đó đã tăng cường đầu tư từ ngân sách để thực hiện các dự án cấp bách, qua đó góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 mặt. Thực hiện có hiệu quả “Năm An toàn giao thông”; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, tập trung nguồn vốn cho các dự án quan trọng; giải quyết việc làm là những việc TPHCM đã thực hiện tốt trong năm 2012.
Tuy vậy, chúng ta cũng thấy rõ rằng năm 2012 là một năm khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp bất động sản. Riêng về thị trường lao động và nhu cầu nhân lực tại TPHCM năm 2012, có thể chia làm 2 thời điểm với xu hướng phát triển khác nhau. Trong 6 tháng đầu năm, do có nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động nên thị trường lao động thành phố chưa thật sự ổn định và phát sinh nhiều nghịch lý, tồn tại mất cân đối giữa nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Chỉ số nhu cầu tuyển dụng giảm 15% so với 6 tháng đầu năm 2011, nhu cầu nhân lực giảm đa số các nhóm ngành nghề. 6 tháng cuối năm, nền kinh tế phát triển khởi sắc hơn, tác động tích cực đến thị trường lao động, thị trường ổn định hơn so với 6 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng 14% so cùng kỳ năm 2011. Trong năm qua, đã có khoảng 50.000 doanh nghiệp bị phá sản hoặc giải thể. Tuy nhiên, con số này có thể lớn hơn nhiều nếu không có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường của thành phố.
Không chỉ có doanh nghiệp, lĩnh vực ngân hàng cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức trong năm qua. Nổi bật là tình trạng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,22%, tăng 1,92 điểm phần trăm so với cuối năm 2011. Thị trường bất động sản và lĩnh vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn là nguyên nhân cơ bản làm cho nợ xấu phát sinh và có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, sau hàng loạt sự cố về nhân sự lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần, việc huy động vốn cũng đã lấy lại được đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn đạt 9,2%/năm, tạo điều kiện chủ động trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thanh khoản của các ngân hàng.
Nhận định về tốc độ tăng trưởng huy động vốn trong năm qua, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết: "Trong thời gian năm 2012, việc tăng trưởng tín dụng của chúng ta thực hiện rất khó khăn. Bảy tháng đầu năm chúng tôi tăng trưởng tín dụng ở mức độ âm. Riêng 5 tháng cuối năm dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Thành ủy, Ủy ban, sự thay đổi trong cơ chế chính sách của thống đốc ngân hàng nhà nước đã giúp cho tăng trưởng tín dụng trở lại. Đến cuối năm, chúng tôi thống kê lại là được 7,5%, và đến 31/12 thì tổng dư nợ toàn thành phố của chúng ta đạt con số là 821.000 tỷ".
Ngọc Cẩm
VOh
|