TS. Trần Du Lịch: 2013, mấu chốt là thực hiện
Theo TS Trần Du Lịch, so với đầu năm 2012, ổn định vĩ mô tốt hơn, đã rõ bệnh và có bài thuốc, rõ hướng đi cho năm 2013. Mấu chốt là thực hiện như thế nào.
* TS Vũ Thành Tự Anh 'mách nước' gỡ khó kinh tế 2013
Trong câu chuyện đầu năm mới 2013, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ sự lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013.
TS. Trần Du Lịch
|
Những thách thức vĩ mô đã được cải thiện
Cảm nhận đầu tiên về kinh tế đất nước trong những ngày đầu năm 2013 có thể nói là tình hình đã nhẹ đi rất nhiều. Những thách thức kinh tế vĩ mô năm 2012 cơ bản đã được cải thiện.
Đầu năm 2012, tôi quan tâm và lo lắng mấy việc. Thứ nhất, liệu có kiềm chế lạm phát ở mức một con số được không. Thứ hai, tình trạng bất ổn của một số ngân hàng thương mại về tính thanh khoản, nguy cơ đổ vỡ… Đây là huyết mạch của nền kinh tế, mặc dù trong quý 4/2011, Chính phủ đã tập trung xử lý nhưng yếu tố bất ổn vẫn còn.
Thứ ba, lãi suất quá cao và kéo dài trong khi chúng ta vừa muốn kiềm chế lạm phát và vừa muốn giảm lãi suất. Không ai kiểm chế lạm phát bằng cách giảm lãi suất. Đây là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau nhưng với mức lãi suất trên 20%, không một doanh nghiệp nào chịu được.
Thứ tư, tình trạng doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động có xu hướng tăng vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Thứ năm, vấn đề nợ xấu tăng cao. Đây là “cục máu đông, làm nghẽn hệ thống tuần hoàn” của nền kinh tế.
Trong bối cảnh như vậy và tình hình kinh tế quý I/2012 tiếp tục xấu, tăng trưởng chỉ 4%, tồn kho lên tới 36%, nợ xấu tiếp tục tăng… Trong các mục tiêu mà Quốc hội đặt ra như kiềm chế lạm phát ở mức một con số, tăng trưởng kinh tế 6,5% và ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội thì việc ổn định kinh tế vĩ mô thực sự là một thách thức.
Tuy nhiên, đầu quý II/2012, nhờ việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh hỗ trợ thị trường và đến tháng 6/2012, Quốc hội ra Nghị quyết về một số chính sách miễn, giảm, giãn thuế nên tâm lý thị trường dần ổn định. Kinh tế tăng trưởng trở lại nhưng còn yếu, tồn kho bắt đầu giảm và việc kiên trì chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả. Những yếu tố đó đã giúp lấy lại niềm tin cho thị trường.
Cơ sở cho niềm tin vào năm 2013
Năm 2012, lạm phát chỉ tăng 6,81% so với thời điểm tháng 12/2011, vượt mục tiêu mà Quốc hội giao và điều này thực sự đã tạo niềm tin vào sự phát triển trong năm 2013.
Một kết quả nữa cũng khẳng định chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã đi đúng hướng là xuất khẩu tiếp tục tăng cao, đạt trên 18%. Nhớ lại năm 1999, năm kinh tế tăng trưởng xấu nhất trong vòng 20 năm qua, xuất khẩu giảm tới 7%. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chú ý là tăng trưởng xuất khẩu cao ở khu vực FDI, trong khi khu vực trong nước tăng chậm.
GDP năm 2012 dù tăng trưởng không cao nhưng nếu đánh đổi tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% mà lạm phát tăng 9 - 10% với tăng trưởng 5% mà lạm phát 6,81% thì tôi chọn phương án tăng trưởng thấp.
Theo tôi, điều hành của Chính phủ để đạt được hai chỉ tiêu đó trong năm 2012 như vậy là hợp lý.
Cần những giải pháp dài hạn
Đáng ghi nhận nhất trong điều hành của Chính phủ năm 2012 là phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, thể hiện rõ qua việc phát hành trái phiếu để sử dụng kênh công chi khi đầu tư qua kênh tín dụng không hiệu quả. Kết quả là tổng đầu tư xã hội vẫn đạt 30% GDP.
Điểm tích cực nữa cần phải kể đến là điều hành lãi suất, khi trong năm 2012 có đến 6 lần giảm lãi suất. Tuy nhiên, vẫn có một số điều hành gây tâm lý không tốt.
Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015 mà trọng tâm trong giai đoạn này là tái cấu trúc nền kinh tế, do đó cần những biện pháp, giải pháp dài hạn thay vì lâu nay chúng ta luôn phải ứng phó mà không có giải pháp căn cơ để giải quyết gốc vẫn đề.
Trước mắt, chúng ta thực hiện tái cấu trúc trên 3 lĩnh vực là tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước với thời hạn mục tiêu hoàn thành vào năm 2015.
Tuy nhiên, việc triển khai có phần hơi chậm chủ trương thành lập công ty mua bán nợ, chúng ta bàn nửa năm nay nhưng đến nay chưa ra đời được, trong khi đây là chuyện “nước sôi, lửa bỏng”.
Một số vấn đề mà thị trường đang chờ sự cải thiện ngay như việc các ngân hàng cần nhanh chóng khoanh nợ cho những doanh nghiệp có khả năng trả nợ, rút ngắn thủ tục phát mại bất động sản thế chấp, hiện mất tới 3 - 4 năm thì quá chậm. Đây là việc cần khai thông để các ngân hàng phát mại bất động sản, nếu không thành lập công ty mua bán nợ hiệu quả cũng rất hạn chế, thậm chí là đảo nợ giữa ngân hàng và công ty mua nợ.
Đồng bộ và rõ ràng về tư tưởng chỉ đạo điều hành ngay từ đầu năm
Những thách thức từ năm 2012 được cải thiện tương đối nhưng vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn, như mâu thuẫn giữa kiềm chế lạm phát với kính thích thị trường; lãi suất tuy đã giảm nhưng nền kinh tế không hấp thụ được do nợ xấu và làm sao tháo gỡ tồn kho bất động sản...
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, so với đầu năm 2012, ổn định vĩ mô tốt hơn, đã rõ bệnh và có bài thuốc và rõ hướng đi cho năm 2013. Mấu chốt là thực hiện như thế nào. Trong báo cáo của Thủ tướng ngày 14/11/2012 trước Quốc hội đã nhấn mạnh ba nhóm giải pháp đồng bộ để hỗ trợ thị trường. Trong đó, đầu tiên là phải hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho bằng công cụ tín dụng.
Thứ hai là xử lý nợ xấu bằng biện pháp tổng hợp, kể cả khoanh nợ. Thứ ba là làm ấm thị trường bất động sản bằng nhiều giải pháp trong đó có quy hoạch, chính sách về tài khóa và tín dụng, ba vấn đề này đan xen với nhau.
Tiếp đó trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng và trong Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu của Chính phủ mới ban hành trong những ngày gần đây đã cho thấy những biện pháp trong chỉ đạo điều hành, giải quyết những khó khăn trong năm 2013 này là đồng bộ và rõ ràng về tư tưởng ngay từ đầu năm.
Vấn đề cần quan tâm bây giờ là việc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành và địa phương như thế nào để trong năm 2013, những nội dung của Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP đi vào cuộc sống và làm được những chỉ đạo này, nền kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng, niềm tin của thị trường sẽ tăng lên.
Mạnh Hùng
chính phủ
|