Vụ Phí “đè” chủ thẻ ATM: Doanh nghiệp thừa nhận hưởng lợi
Sau bài “Phí đè chủ thẻ ATM", nhiều DN thừa nhận được hưởng lợi khi trả lương qua thẻ nhưng khó hỗ trợ công nhân khoản phí này, do mức phí ngày càng tăng và không thể định lượng được khoản phí mà công nhân phải trả.
Công nhân chen nhau rút tiền lương ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội
|
Hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về bày tỏ bức xúc rằng không thể tiếp tục dồn gánh nặng lên vai người lao động, nhất là khi đồng lương bèo bọt hiện nay không đủ trang trải cuộc sống.
Mức phí đã... hợp lý (?)
Chiều 17-12, ông Bùi Quang Tiên - vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng (NH) Nhà nước - khẳng định trước khi đưa dự thảo thông tư thu phí ATM ra lấy ý kiến, cơ quan này đã tính toán rất kỹ, nghiên cứu 3-4 năm và đã... lường hết các vấn đề.
Theo ông Tiên, mức phí mà các NH đề xuất thu rất cao, nhưng quan điểm của Vụ Thanh toán là nếu thu đúng bằng chi phí mà các NH bỏ ra chắc chắn khách hàng không chịu nổi. Do vậy, Vụ Thanh toán đề xuất mức phí rất nhỏ: 0-1.000 đồng/giao dịch cho năm đầu tiên và sau đó tăng dần ở những năm tiếp theo.
Trước đó, trong bản giải trình dự thảo thông tư quy định về thu phí thẻ ghi nợ nội địa, NH Nhà nước cho rằng việc thu phí hướng đến mục tiêu là để hài hòa lợi ích giữa khách hàng và NH, đảm bảo mức phí từng bước phù hợp với khách hàng và giúp NH phần nào chi phí đầu tư, vận hành hệ thống cung ứng dịch vụ thẻ, có động lực để tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, NH Nhà nước lại bỏ quên đối tượng hưởng lợi rất lớn từ dịch vụ thẻ, đó là tổ chức chi trả thu nhập. Về vấn đề này, ông Tiên nói quá trình soạn thảo cũng đã bàn đến vấn đề này và trong quá trình triển khai tới đây, NH phát hành thẻ và doanh nghiệp cũng sẽ bàn bạc với nhau.
Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ... tượng trưng
Ông Vũ Thế Vinh, giám đốc sản xuất Công ty TNHH Phúc Thắng (100% vốn nước ngoài, Khu công nghiệp Sóng Thần II, Bình Dương), thừa nhận việc trả lương cho hơn 500 công nhân qua thẻ ATM đã giúp công ty tiết kiệm được thời gian và chi phí thuê nhân sự phát lương. Thay vì phải mất 3-4 người cho việc trả lương cho công nhân mỗi cuối tháng như trước, hiện công ty chỉ cần một người gửi lệnh cho NH là đủ. “Nhưng bảo công ty hỗ trợ công nhân khoản phí rút tiền ATM là rất khó, vì nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn ổn định chi phí chứ không thể nay thêm khoản phí này mai thêm khoản phí nọ” - ông Vinh nói.
Một lãnh đạo Công ty TNHH Nobland (Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Q.12) cho biết hơn một nửa trong số 2.500 công nhân của công ty đã đăng ký nhận lương qua thẻ ATM, trong đó chỉ có gần 1.000 công nhân sử dụng dịch vụ này và được công ty hỗ trợ 55.000 đồng/công nhân/năm cho khoản phí ATM. Tuy nhiên, vị này cho rằng công ty sẽ không thể gánh toàn bộ khoản phí rút tiền qua thẻ ATM của công nhân vì không định lượng được, chưa kể mức phí ngày càng tăng.
“Việc chuyển lương và các khoản phụ cấp khác như thai sản, bảo hiểm... qua thẻ ATM giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian, nhân sự và tránh được mất mát. Nhưng các khoản phí mà NH “đẻ” ra và tăng lên ngày càng nhiều, rồi những rắc rối khi rút tiền từ ATM nên nhiều công nhân đã chuyển qua nhận tiền mặt như trước đây” - vị này nói.
Ông Đinh Văn Loan, trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Rinnai Việt Nam (Bình Dương), cho rằng dù không ủng hộ mức phí mà NH đề xuất, nhưng doanh nghiệp cũng phải tính toán hỗ trợ cho công nhân nếu chương trình thu phí này triển khai. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là doanh nghiệp không thể xác định mức hỗ trợ cho công nhân “vì không biết được mỗi ngày hay mỗi tháng công nhân rút tiền qua ATM bao nhiêu lần”.
A.Hồng - Đ.Dân
Tuổi Trẻ
|