Thứ Hai, 17/12/2012 11:45

Dự tính thêm nhiều trường hợp không được dùng ngoại hối

Sau sáu năm có hiệu lực thi hành, một số nội dung tại Pháp lệnh Ngoại hối đang được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, thống nhất với một số văn bản pháp luật khác.

Pháp luật cần có quy định cụ thể, chính xác về phạm vi được phép sử dụng ngoại hối và không được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam

Những nội dung sửa đổi đã được đưa ra báo cáo, thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua. Một nội dung chính mà dự thảo Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi hướng đến là quy định chặt chẽ hơn việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ là một nguyên tắc quan trọng trong chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền tiền tệ quốc gia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giao thương và hội nhập ngày càng sâu rộng, hoạt động sử dụng ngoại hối của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế vẫn cần thiết được duy trì và được pháp luật cho phép. Vì vậy, pháp luật cần có quy định cụ thể, chính xác về phạm vi được phép sử dụng ngoại hối và không được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối cũng đã quy định về các trường hợp không được thực hiện bằng ngoại hối. Cụ thể: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, hành vi niêm yết, quảng cáo trong quy định trên gây nhiều tranh cãi trên thực tế, chưa bao quát đầy đủ các hành vi không được phép sử dụng ngoại hối đang phát sinh như báo giá, định giá, ghi giá hàng hoá và dịch vụ trong hợp đồng.

“Tình trạng này làm phức tạp hoạt động ngoại hối, ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và mục tiêu chống đô la hóa của Nhà nước. Đồng thời, các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm vì chưa có căn cứ pháp luật vững chắc để xử lý vi phạm liên quan đến các nội dung này”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu.

Theo đó, hướng sửa đổi mà Ngân hàng Nhà nước dự tính là chỉnh sửa quy định trên, bổ sung các trường hợp không được thực hiện bằng ngoại hối, bao gồm báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thoả thuận và các hình thức tương tự khác; đồng thời không quy định cụ thể các trường hợp được phép sử dụng ngoại hối mà trao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước quy định về nội dung này.

Về nội dung trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh quan điểm: “Thu hẹp phạm vi sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam và từng bước giảm dần tình trạng sử dụng ngoại tệ trong nền kinh tế, thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam”.

Giảm dần tình trạng sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ để hạn chế đô la hóa, bảo vệ chủ quyền tiền tệ quốc gia cũng là quan điểm chung tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn cho rằng, với ngoại tệ cần có sự quản lý tuyệt đối của nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu định hướng việc sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối cần phải theo hướng chặt chẽ hơn trong việc hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, nhưng quyền của người dân về vàng và ngoại tệ thì phải tôn trọng.

Liên quan đến quyền của người dân, khoản 2 Điều 8 Pháp lệnh Ngoại hối quy định: “Ngoại tệ của người cư trú là cá nhân ở Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép; trường hợp là công dân Việt Nam thì được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép”.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các quyền trên được xác lập phù hợp quy định về quyền sở hữu tài sản của cá nhân tại Bộ luật Dân sự, bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Tuy nhiên, Ủy ban cho biết, trong thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng quy định về phạm vi sử dụng ngoại tệ của cá nhân tại Pháp lệnh Ngoại hối như trên là tương đối rộng, không phù hợp với mục tiêu của chính sách quản lý ngoại hối, dẫn đến tình trạng sử dụng ngoại tệ phổ biến trong nước, làm gia tăng tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ, gây ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

“Do vậy, thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng đô la hóa, cần sửa đổi các quy định trên theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân”, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế khuyến nghị.

Tuy nhiên, theo cơ quan này, việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, có phạm vi ảnh hưởng lớn cũng như có thể tác động đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế. Phản ứng của họ sẽ có tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hằng năm. Đây là vấn đề lớn cần lưu ý.

Ngoài những nội dung trên, dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối cũng hướng đến một số điểm cơ bản khác về giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, trong đó đáng chú ý là hướng thu hẹp đối tượng vay nước ngoài không bao gồm hợp tác xã và cá nhân…

Dự kiến dự thảo sẽ được xem xét thông qua trước tháng 5/2013. Trong thời gian này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tiếp thu các ý kiến, thảo luận để hoàn thiện.

Hoàng Vũ

tbktvn

Các tin tức khác

>   Ngân hàng “khéo lách” quy định giữ hộ vàng (17/12/2012)

>   Lãi suất và sự im lặng của Ngân hàng Nhà nước (17/12/2012)

>   Khả năng hạ lãi suất đang đến dần (17/12/2012)

>   Lãi suất huy động giảm, cho vay đứng yên (17/12/2012)

>   Ưu đãi vay tiêu dùng (16/12/2012)

>   Ngân hàng hết thời thưởng tết “khủng” (16/12/2012)

>   “Bồ thóc” dự trữ ngoại hối (15/12/2012)

>   Bộ Công an đề nghị truy tố siêu lừa Huyền Như, ACB thiệt hại hơn 700 tỉ đồng (15/12/2012)

>   Fitch: Triển vọng ngân hàng Việt Nam 2013 “ổn định” (15/12/2012)

>   Xử phạt các TCTD vi phạm lãi suất huy động (14/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật