Tái cấu trúc Bianfishco: SHB được cả “tiếng lẫn miếng”!
Chỉ sau 4 tháng kể từ khi thực hiện tái cấu trúc DN với sự hỗ trợ ráo riết của SHB, Bianfishco từ bờ vực phá sản đang lấy lại lợi thế xuất khẩu thủy sản và một bản công nợ sạch trơn.
Một con số đáng lưu ý vừa được CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) (BAF) công bố là cho đến ngày 12.12, DN này chính thức hoàn tất việc xuất khẩu 100 container hàng cá tra phi lê. Đây chỉ là một phần nhỏ trong các hợp đồng xuất khẩu có số lượng tới 300 container cá tra được Bianfisco ký đến hết năm 2012 vào các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ và các nước Hồi giáo. Sự hồi sinh này là khá bất ngờ bởi chỉ cách đây chưa đầy 4 tháng, Bianfishco còn đang đứng bên bờ vực phá sản và chịu sức ép rất lớn về nợ nần từ các tổ chức tín dụng cũng như người nông dân nuôi cá.
Các con số về công nợ cũng gây nhiều chú ý, cho đến ngày 5.12.2012, DN này thực hiện đợt chi trả cuối cùng với số tiền 59 tỉ đồng tiền nợ cá cho nông dân, nâng tổng số tiền chi trả cho đến nay lên 261 tỉ đồng. Đây cũng là đợt trả nợ dứt điểm công nợ cho người nông dân nuôi cá, đảm bảo đúng lộ trình cam kết cách đây hơn ba tháng của Bianfishco. Động thái này rõ ràng mang đến tác động kép mà theo đó, người nuôi cá mới có thể lấy lại niềm tin, tiếp tục nuôi và bán cá trở lại cho Bianfishco. Ông Lê Văn Phước - một nông dân nuôi cá tại Thới Thuận, Thốt Nốt, Cần Thơ - thông báo vừa nhận được khoản tiền cuối trong số trên 10 tỉ đồng tiền bán cá cho Bianfishco trước đây. Ông cho biết, trong suốt 8 tháng đầu năm, gia đình ông phải đi gõ cửa nhiều nơi để kêu cứu giúp đỡ thu hồi được nợ, nhưng đều vô vọng.
Một diễn biến quan trọng khác là sau hai tháng kể từ khi SHB trở thành cổ đông lớn và tham gia tái cơ cấu toàn diện Bianfishco, đơn vị này chính thức tổ chức ĐHCĐ vào ngày 17.10 và thông qua đề án tái cấu trúc với kế hoạch triển khai ngắn hạn và dài hạn theo lộ trình 2 giai đoạn. Trong đó ở giai đoạn đầu, cho đến ngày 31.12.2012 sẽ triển khai tái cấu trúc toàn diện các hoạt động của Bianfishco. Sang giai đoạn sau, từ tháng 1.2013 đến tháng 12.2005, Bianfishco sẽ xây dựng kế hoạch trung hạn với mục tiêu tạo tính minh bạch đáp ứng quyền lợi tối đa cho các cổ đông và sau 3-5 năm niêm yết trên TTCK quốc tế.
Đến nay khi giai đoạn 1 gần kết thúc, cả 3 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, nhà máy giá trị gia tăng chuyên gia công cá sama cho khách hàng Nhật Bản và nhà máy đồ hộp Colagen đều đang ổn định sản xuất với hơn 1.200 lao động trực tiếp tại nhà máy và hàng ngàn NLĐ gián tiếp là nông dân nuôi cá, chế biến thức ăn chăn nuôi. Hơn 2 tỉ tiền nợ bảo hiểm xã hội trước đây cũng vừa được DN này thanh toán.
Theo ông Nguyễn Tất Thắng – TGĐ Bianfishco, dự kiến trong năm 2013, sản lượng sản xuất của Bianfishco sẽ tăng gấp 2,5 lần công suất hiện tại (khoảng 250 tấn nguyên liệu/ngày), số lượng thành phẩm khoảng 5 container/ngày, số lượng xuất khẩu khoảng 1.500 container/năm với kim ngạch xuất khẩu khoảng 90 triệu USD. Rõ ràng hoạt động tái cấu trúc với những bước đi bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế đang mở ra triển vọng kinh doanh khả quan cho Bianfishco trong thời gian tới.
Sóng gió tạm thời lắng dịu và qua thương vụ này, SHB một lần nữa khẳng định được vị trí, kinh nghiệm và năng lực của mình trong nghiệp vụ mua bán, tái cấu trúc doanh nghiệp sau thành công với Habubank. Song là cổ đông sở hữu tới 25 triệu cổ phần, bằng 50% VĐL Bianfishco, SHB liệu có thể có được một thương vụ làm ăn thành công hay không lại vẫn cần thêm thời gian trả lời.
Hải Triều
lao động
|