Thứ Năm, 13/12/2012 19:10

Quản trị rủi ro CTCK: Tưởng chặt hóa lỏng

Với một ngành ẩn chứa rất nhiều rủi ro như chứng khoán, việc quản trị rủi ro (QTRR) là điều tất yếu. Là cơ quan quản lý, UBCKNN phải có những động thái hỗ trợ, giám sát các thành viên của TTCK về QTRR. Nhưng như vậy không có nghĩa là những quy định có phần cứng nhắc về QTRR sẽ phát huy hiệu quả.

Dự thảo quy chế hướng dẫn việc thiết lập hệ thống và thực hiện QTRR trong CTCK (gọi tắt là quy chế QTRR) có rất nhiều điểm khiến người đọc dù là CTCK (đơn vị sẽ thừa hành quy chế này) hay NĐT (đối tượng có thể được hưởng những lợi ích từ quy chế) cảm thấy bối rối, thậm chí hoang mang.

QTRR chặt chẽ NĐT sẽ được hưởng lợi

Cứng nhắc, thiếu thực tế

Thông tư 226 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính của CTCK đã “định mức” cụ thể tỷ lệ vốn khả dụng bao nhiêu sẽ rơi vào diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt hay bình thường… Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ cũng quy định tỷ lệ ký quỹ ban đầu không được thấp hơn 60% và tỷ lệ duy trì không được thấp hơn 40%.

An toàn tài chính, giao dịch ký quỹ là những vấn đề hàm chứa rủi ro và đã được các văn bản luật liên quan giải thích, quy định rất rõ ràng. Nhiều văn bản quy định mang tính chuẩn mực khác, như các chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể, rõ ràng sẽ được đặt ra để các đối tượng có liên quan tuân thủ và tất nhiên là có nhiều cách.

Thí dụ, muốn gia tăng tỷ lệ vốn khả dụng, qua đó gia tăng mức độ an toàn tài chính, CTCK có thể tăng vốn hoặc thu hồi bớt nợ, hoặc cũng có thể giảm tự doanh... Tùy vào “hoàn cảnh”, các CTCK sẽ chọn cho mình cách thức hợp lý nhất để tăng tỷ lệ vốn khả dụng.

Tuy nhiên, Quy chế QTRR lại gần như “áp” một quy trình, cách thức, phương pháp cho các CTCK. Chẳng hạn: Hệ thống QTRR bao gồm HĐQT, ban kiểm soát, hệ thống kiểm soát nội bộ, tiểu ban QTRR và bộ phận QTRR của CTCK.

Liệu có cần quá nhiều “ban bệ” như vậy hay không khi có những CTCK chỉ cần hệ thống kiểm soát nội bộ tốt là có thể QTRR một cách hiệu quả. Sự cứng nhắc trong Quy chế QTRR đã làm triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của CTCK trong QTRR, trong khi chưa chắc những giải pháp mà quy chế nêu ra đã hiệu quả và hợp lý nhất.

Tại Điều 7 trong dự thảo Quy chế QTRR nói về cơ cấu tổ chức của hệ thống QTRR, có nêu ra vấn đề CTCK thiết lập tiểu ban QTRR và Trưởng tiểu ban phải là thành viên HĐQT, rồi ban giám đốc cũng thành lập bộ phận QTRR hoạt động độc lập. Chưa kể, ban kiểm soát và hệ thống kiểm soát nội bộ cũng đánh giá độc lập về QTRR của CTCK. Tại sao lại có quá nhiều “độc lập” như vậy? Phải thừa nhận là quá rối rắm.

Lòng vòng, chưa rạch ròi

Cũng tại Điều 7 quy định HĐQT chịu trách nhiệm cao nhất với việc QTRR của CTCK. HĐQT quyền lực đã nhiều, rủi ro lạm quyền cũng lớn, giờ lại chịu trách nhiệm QTRR thì liệu những bộ phận, tiểu ban bên dưới có thể phát huy chức năng của mình hay không? Những tiểu ban, bộ phận QTRR đều có sự tham gia của lãnh đạo CTCK thì tính phản biện, giám sát nằm ở chỗ nào?

Ban kiểm soát, hệ thống kiểm soát nội bộ đánh giá độc lập để làm gì, quyền hành đến đâu? Rõ ràng, tính “độc lập” dù được “nhấn” khá nhiều nhưng lại không có đất để phát huy trong thực tế. QTRR nhằm bảo vệ CTCK, cũng là bảo vệ các cổ đông và khách hàng của CTCK, nhưng thực hiện chỉ toàn “người của CTCK” thì tính khách quan, độc lập sẽ ở đâu?

Việc đưa ra dự thảo Quy chế QTRR của UBCKNN có thể hiểu là để nâng cao hiệu quả hoạt động QTRR, nhưng hiệu quả cần phải được đo lường rõ rệt, vừa định tính vừa định lượng. Nhưng ở đây, đọc hết quy chế chỉ toàn thấy những hướng dẫn sơ bộ, không quy định một chỉ tiêu cụ thể. Điều này rất dễ dẫn đến hiện tượng làm cho có, cho xong thay vì đặt hiệu quả lên hàng đầu.

Thí dụ: Điều 18 Quy chế QTRR quy định: CTCK phải xây dựng và sử dụng các phương pháp đo lường rủi ro thích hợp để làm cơ sở QTRR, có thể sử dụng phương pháp định tính hoặc định lượng tương ứng với các loại rủi ro khác nhau.

Cách đây chưa lâu, đã xuất hiện sự khác biệt giữa một số CTCK và UBCKNN về quan điểm trong hoạt động giao dịch ký quỹ. Điều này có thể dẫn đến việc CP dù không được giao dịch ký quỹ nhưng lại được sử dụng để làm tài sản thế chấp để CTCK cấp margin.

Và nếu trong thời gian tới, Quy chế QTRR chính thức được áp dụng, CTCK lại nêu quan điểm của mình đo lường rủi ro là hợp lý khác với quan điểm của UBCKNN hay quan điểm của cổ đông, khách hàng thì sẽ như thế nào?

Có cảm giác rằng, sau một thời gian vấn đề QTRR của CTCK bị bỏ lơi vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, giờ đang được siết chặt, nhưng từ “chặt” đến “đúng” lại không hề đơn giản. Thời gian qua, UBCKNN đã có những động thái mạnh tay trong việc tái cấu trúc TTCK và đây là điều những ai tham gia thị trường đều có thể cảm nhận được.

Nhưng “mạnh tay” không có nghĩa là ôm đồm và siết quá nhiều những vấn đề tủn mủn. Nhiều loại rủi ro của CTCK có xuất phát điểm chỉ từ một vài hoạt động, vậy nên các cơ quan quản lý nên “siết” từ “gốc” để hạn chế thay vì đi kiểm soát phần “ngọn” hoặc vô số hệ quả mà đây lại là nhiệm vụ gần như bất khả thi.

Thái Ca

sài gòn đầu tư

Các tin tức khác

>   Kiểm toán công ty chứng khoán: Tiền nào của đó! (13/12/2012)

>   Thông tư 204: Quy định mới về chào bán cổ phiếu ra công chúng (13/12/2012)

>   Siết dòng tiền từ ngân hàng qua chứng khoán (12/12/2012)

>   TTCK năm 2012: Các chính sách có đem lại hiệu quả? (13/12/2012)

>   Thêm biện pháp thu hút khối ngoại (08/12/2012)

>   Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm (08/12/2012)

>   Bộ trưởng Bộ Tài chính: Xem xét tăng room cho khối ngoại trên TTCK (07/12/2012)

>   Thêm 2 trường hợp công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt (30/11/2012)

>   Sẽ có hướng dẫn CTCK bồi thường cho nhà đầu tư (20/11/2012)

>   Đấu giá cổ phần sẽ theo quy chế mới (19/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật