Kiểm toán công ty chứng khoán: Tiền nào của đó!
Thông tư (TT) 165 do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ đầu tháng 12, đã sửa đổi, bổ sung một số điều của TT226 về an toàn tài chính (ATTC) của công ty chứng khoán (CTCK) đã nhấn mạnh hơn vai trò của công ty kiểm toán (CTKT). Kết quả của CTKT sẽ là căn cứ để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định các trạng thái ATTC của CTCK kiểm soát, kiểm soát đặc biệt hay bình thường.
Trước khi những sự việc tồi tệ tại CTCK SME được lôi ra ánh sáng báo cáo tài chính được kiểm toán của SME không có một dấu hiệu cảnh báo nào cả. Cần nhấn mạnh là việc chiếm dụng vốn, mất thanh khoản của SME dẫn đến hệ quả như hiện nay không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà cần phải có một quá trình. Khoảng tháng 9/2011, sự việc tại SME lần đầu lộ diện trên báo chí, trong BCTC bán niên 2011 được CTKT soát xét thì ý kiến vẫn là "trung thực, hợp lý". Qua đây có thể thấy được độ vênh nhất định trong mối quan hệ giữa CTKT và CTCK. Trong suy nghĩ của nhiều người, CTKT là một phán quan chí công vô tư và gần như không được phép sai lầm.
Từ kỳ vọng đến nhiều bất cập
Khi kiểm toán cho CTCK, CTKT sẽ phải gánh sự kỳ vọng không chỉ của cổ đông mà còn có khách hàng của CTCK, rồi cả cơ quan quản lý nữa. Trách nhiệm, kỳ vọng rất lớn nhưng đổi lại, CTKT sẽ được những gì? So về mặt bằng khách hàng thì giá kiểm toán cao nhất nằm ở các doanh nghiệp nước ngoài, còn giá kiểm toán cho CTCK cũng ở mức độ bình thường. Thậm chí các CTKT nhỏ do cạnh tranh còn có thể hạ giá để có được khách hàng. Trừ những CTKT thuộc nhóm 4 CTCK hàng đầu thế giới (Big 4), danh tiếng đã được định hình, còn lại cũng chưa thấy trường hợp nào CTKT nhờ kiểm cho CTCK mà uy tín được củng cố. Không được miếng, cũng chả được tiếng trong khi phải chịu nhiều áp lực, có thể thấy được sự thiệt thòi của CTKT trong mối quan hệ với khách hàng là CTCK của mình.
CTKT càng lớn thì mức độ tin cậy càng được đảm bảo, tất nhiên cũng có một số ngoại lệ. Nhưng các CTCK có "vấn đề", nằm ở giữa làn ranh bình thường và bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, gần như không thể tiếp cận các CTKT lớn vì nhiều nguyên nhân:
Dễ thấy nhất là yếu tố "đầu tiên", rơi vào trạng thái bi đát này thì kinh phí khó lòng đáp ứng. Kế đến, giả sử có kinh phí thì các CTCK cũng chưa chắc muốn "vời" các CTKT lớn vào vì chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề được lôi ra, chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng. Cuối cùng, các CTKT lớn thường cũng chọn mặt gửi vàng, không dễ gì muốn đánh cược uy tín của mình với những con bệnh nan y như vậy.
CTCK "bệnh" càng nặng, càng cần các CTKT lớn để bắt bệnh, nhưng lại không thể. Vì vậy, mối quan hệ với các CTKT thường thường bậc trung lại vẫn phải tiếp tục. Nhưng cũng với những CTKT đó, những kiểm toán viên đó, đòi hỏi một sự đột phá là điều không dễ dàng gì. Không có chuyện CTCK trả phí nhiều hơn để rồi CTKT làm nghiêm hơn.
Nhiều giải pháp để ngỏ
Trong khi CTKT dưới áp lực cạnh tranh trong thời kỳ hiện nay cũng khó có thể tăng phí vì sẵn sàng có đối thủ "phá giá" để có được khách hàng. Chưa kể đến khả năng, nếu các CTKT ngoài nhóm Big 4 nhận thấy sức ép khi kiểm cho CTCK là quá lớn có thể dẫn đến tình trạng "buông" và có thể dẫn đến việc khó khăn tìm kiếm CTKT.
Rõ ràng các cơ quan quản lý không thể đóng vai trò như CTKT để tiến hành thanh tra từ CTCK và ngược lại, CTKT cũng không thể có cái uy của cơ quan quản lý để có thể đi vào tận cùng các vấn đề của CTCK. Ở đây, cần có một giải pháp kết hợp hài hòa giữa cơ quan quản lý và CTKT trong việc xác định an toàn tài chính của các CTCK. Cụ thể, nếu có cơ quan quản lý hậu thuẫn CTKT sẽ có thể hành động mạnh tay hơn. Nhưng hậu thuẫn ở mức độ nào và ra sao thì cần phải có những chiến lược thật sự đúng đắn.
Đơn cử, một trong những yếu tố khiến cho chất lượng kiểm toán bị giảm sút chính là cuộc cạnh tranh về giá cả. Trong khi đó, kiểm toán cho các CTCK với đặc thù hoạt động rất phức tạp, đòi hỏi CTKT phải có năng lực và trình độ nhất định. Nên chăng cần có một cuộc sát hạch để từ đó quy hoạch những CTKT nào đủ sức kiểm cho CTCK, từ đây các CTKT sẽ giảm đi áp lực cạnh tranh. Lợi ích gia tăng sẽ bù đáp cho áp lực gia tăng, chưa kể nếu được UBCKNN hậu thuẫn tối đa, các CTKT sẽ phát huy được hiệu quả công việc. Và tất nhiên, ở chiều ngược lại, nếu có sai sót xảy ra, các CTKT sẽ phải chịu nhiều trách nhiệm hơn.
Như vậy, để giải quyết được những bất cập về chất lượng kiểm toán cho CTCK, mấu chốt là phải dung hòa được giữa quyền lợi và trách nhiệm dành cho CTKT. Việc dung hòa này cũng không phải là điều gì quá to tát, nhưng cần có sự tỉ mỉ, chỉn chu.
Khiêm An
thời báo kinh doanh
|