M&A ngân hàng: Cố tránh nhưng khó thoát!
Theo Đề án tái cấu trúc ngành đã được Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang trong quá trình tiến hành xử lý các nhà băng yếu kém nằm trong danh sách kiểm soát đặc biệt, trong đó, nhóm ngân hàng cổ phần nhỏ sẽ là trọng tâm tái cơ cấu.
Nếu các ngân hàng yếu kém không tự tái cơ cấu, NHNN sẽ dùng biện pháp mạnh
|
Nỗ lực để đứng vững
Hiện 4 ngân hàng nhỏ nằm trong danh sách phải tái cơ cấu từ nay đến cuối năm 2012 do tình hình thanh khoản yếu kém đang nỗ lực tự tái cơ cấu. Điển hình là TrustBank đã có phương án chủ động tự tái cơ cấu trình NHNN và Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 6/9/2012, Thống đốc NHNN đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc phương án tái cơ cấu của TrustBank.
Theo thông tin chính thức từ HĐQT TrustBank, Ngân hàng sẽ sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu. Đây là điểm cốt yếu trong chiến lược tái cấu trúc TrustBank, chủ động giải quyết ổn thỏa các vấn đề nội tại mà không trông chờ, ỷ lại vào sự “cứu trợ” của NHNN. Theo TrustBank, sau khi hoàn thành tiến trình tái cơ cấu, hoạt động của Ngân hàng sẽ từng bước đi theo lộ trình an toàn và hiệu quả.
Cũng theo thông tin từ TrustBank, Ngân hàng đang gấp rút chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ năm 2012, sau khi chốt được danh sách cổ đông chiến lược tham gia vào HĐQT TrustBank để thực hiện tái cấu trúc.
Ngoài TrustBank, Navibank (HNX: NVB) cũng đã có phương án tự tái cơ cấu trình NHNN và Chính phủ. Mới đây, theo kết quả thanh tra từ NHNN thì Navibank nằm trong danh sách các ngân hàng có vốn điều lệ dưới mức quy định tối thiểu (3.000 tỷ đồng). Cụ thể, sau khi yêu cầu Navibank phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung cho các khoản nợ xấu gia tăng, tài sản đảm bảo chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng…, vốn chủ sở hữu của Navibank chỉ còn lại 2.513 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn pháp định (là 3.000 tỷ đồng).
Trong văn bản giải trình với Sở GDCK Hà Nội (HNX) sau đó, Navibank cho biết, thực hiện kết luận của Cơ quan thanh tra giám sát, Navibank đã triển khai thực hiện các biện pháp như giảm một số khoản nợ xấu theo kết luận thanh tra, phối hợp với khách hàng hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo, yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài sản đảm bảo, mời đơn vị định giá độc lập để định giá lại các tài sản đảm bảo làm căn cứ và trích lập dự phòng rủi ro bổ sung. Kết quả, sau khi hoàn tất các nội dung trên, số dự phòng rủi ro phải trích bổ sung của Navibank đã giảm, vốn chủ sở hữu Navibank tại thời điểm 30/9/2012 là 3.027 tỷ đồng, cao hơn 27 tỷ đồng so với mức vốn pháp định.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TPHCM cũng xác nhận, Navibank hiện đã trình phương án tự tái cơ cấu Ngân hàng. Hiện phương án tái cơ cấu Navibank vẫn trong quá trình chờ Chính phủ và NHNN xem xét.
Khó tránh M&A
Tiền thân là một ngân hàng nông thôn, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 320 tỷ đồng, đến năm 2011, WesternBank (WEB) đã có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tăng trưởng quá nóng, nên công tác quản trị và kiểm soát rủi ro của Ngân hàng còn nhiều yếu kém. Bên cạnh đó, một tỷ lệ rất lớn tín dụng của nhà băng lại dành cho các DN sân sau, cổ đông nội bộ dẫn đến nhiều rủi ro cho ngân hàng và trên thị trường thời gian qua rộ thông tin WesternBank có thể hợp nhất với PVFC.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, vấn đề của các ngân hàng mô nhỏ là ngoài vốn điều lệ còn thấp, hệ số an toàn vốn tối thiểu chưa cao. Hầu hết các ngân hàng Việt
Nam
chỉ đạt tỷ lệ vốn tự có trên tổng tài sản hơn 10%, trong khi tỷ lệ này ở hầu hết các nước vào khoảng 20%.
Áp lực tái cơ cấu đang đè nặng các ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém. Trước diễn biến kinh tế khó khăn, ngân hàng nhỏ sẽ lộ dần yếu kém, nhất là yếu kém về thanh khoản và cả quản trị rủi ro nợ xấu. DaiABank là một ví dụ. Hiện ngân hàng này có vốn điều lệ 3.100 tỷ đồng, các cổ đông lớn là Tập đoàn Tín Nghĩa, BIDV, Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Nai và ACB. Mặc dù DaiABank không nằm trong danh sách tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, song trước khó khăn của thị trường, đặc biệt là thông tin một số lãnh đạo ACB bị bắt, cổ đông lớn này không còn hỗ trợ tích cực thì DaiABank đã bắt đầu lộ rõ những yếu kém.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2012, tín dụng DaiABank tăng 11,6%, huy động tăng 15,8%. Lợi nhuận của quý III chỉ bằng một nữa so với cùng kỳ năm trước (61 tỷ đồng) kéo lợi nhuận 9 tháng giảm 21% so cùng kỳ (từ 286,8 tỷ xuống 225,4 tỷ đồng). Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng nhiều áp lực và với những tồn tại của DaiABank sau thời hậu thuẫn của cổ đông lớn ACB, giới phân tích cho rằng, ngân hàng này đang đứng trước áp lực tái cấu trúc và khả năng sẽ phải sáp nhập với một ngân hàng khác để tăng cường tiềm lực tài chính cũng như cải thiện về quản trị rủi ro.
Chủ tịch HĐQT DaiABank cho biết, thời gian gần đây, có nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đặt vấn đề hợp tác với DaiABank theo các phương thức hợp nhất hoặc sáp nhập. Tuy nhiên, cho đến nay, HĐQT DaiABank vẫn đang xem xét và chưa đi đến quyết định.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ sẽ để các ngân hàng nhỏ, yếu kém tự nguyện thực hiện tái cơ cấu. Tuy nhiên, trong trường hợp các ngân hàng không thể tự tái cấu trúc, NHNN sẽ can thiệp để cải tổ lại hệ thống. Khi đó, các nhà băng không có khả năng tự tái cơ cấu, sẽ buộc phải tính đến phương án hợp nhất hoặc sáp nhập với nhau.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|