Lửa đã nhóm lên rồi!
Có một cái tên đã… sống lại khi gây choáng váng về tỷ suất sinh lời: 50% trong vòng 5 phiên, đó chính là… SBS!
Là minh họa cho sự rẻ rúng, tiêu điều của thị trường chứng khoán, các mã penny thi thoảng lại bị cánh báo chí lôi ra mà so với… rau muống! Cánh broker chứng khoán nhiều lần bức xúc lắm vì động đến tự ái nghề nghiệp; họ bảo rằng một bên là hàng hóa vô hình, một bên là hữu hình, không cùng bản chất, làm sao so sánh? Nhưng họ cũng thừa nhận, nếu so sánh như thế thì cũng chỉ xúc phạm… rau muống mà thôi. Bởi vì với thị giá thấp chỉ vài nghìn đồng, có cổ phiếu giá chưa được 1x; sự rẻ rúng trong ánh nhìn của người ngoài cuộc là điều mà các mã này phải chấp nhận…
Nhưng ai rẻ rúng chứ nhà đầu tư (NĐT) thì không hề. Nơi nào rủi ro nhiều nhất thì cũng sinh lời nhiều nhất. Dòng tiền sau khi chạy trốn thị trường suốt tháng 11, nay đã có dấu hiệu quay trở lại vào những phiên giao dịch của tháng cuối năm khi tập trung vào các mã penny. Sự tăng giá của penny, đối với thị trường vào thời gian này, rất có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng…
…nhóm lửa
Phiên giao dịch 4/12 đánh dấu sự bùng nổ về khối lượng giao dịch ở nhiều mã penny: SCR giao dịch hơn 3.5 triệu cổ phiếu, tăng gấp 2.5 lần so với ngày trước đó; VND có khối lượng giao dịch gấp 3 lần so với phiên giao dịch đầu tháng, cùng với đó là PVX, PVA, OGC, BGM… Đồng thuận với sự gia tăng về khối lượng, giá cũng tăng rất mạnh giúp các mã này trở thành nhóm dẫn dắt thị trường. Trong vài phiên giao dịch gần đây, vị thế dẫn dắt ấy vẫn được duy trì; qua đó không chỉ tạo sức lan tỏa đến các mã khác, giúp thị trường giao dịch sôi động hơn mà còn kéo chỉ số hai sàn lên mạnh.
Ngày giao dịch 10/12, HNX-Index có mức tăng ấn tượng trong hai tháng trở lại đây: 1,9%, đóng cửa ở 52.7 điểm. VN-Index cũng có sự vận động tích cực khi tiến sâu vào vùng kháng cự 380-390, và rất có thể sẽ phá vỡ ngưỡng 390 trong vài ngày tới. Quan trọng hơn là số lượng cổ phiếu trao tay đã có sự cải thiện rõ rệt, đi kèm với nó là giá trị giao dịch trên hai sàn gần đây luôn trên 500 tỷ đồng/phiên. Tuy đó chưa phải con số lớn nhưng nếu so với tháng 11 lèo bèo 200-300 tỷ/phiên thì đây thực sự là một tín hiệu rất tích cực.
Thống kê còn cho thấy, con số lợi nhuận đem lại từ một số penny trong vài phiên gần đây không hề nhỏ.Tính từ 30/11 đến 10/12, SCR đã đạt tỷ suất sinh lời gần 30%, PVA đạt 26%... Chưa kể những mã đầu cơ khác sẽ giúp NĐT sẽ bỏ túi được gần 15% trong thời gian ngắn ngủi này như VND, OGC, VCG…
BGM cũng là một trường hợp penny thị giá thấp khác nhưng tăng giá rất mạnh, tạo cơ hội cho NĐT đạt được mức lợi nhuận không tưởng. Giá cổ phiếu của CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang đi ngược lại xu hướng thị trường từ tháng 10 khi nó tạo đáy ở mức 2,900 đồng và từ đó đến nay thị giá của BGM tăng liên tục. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/12, BGM đứng ở 5,500 đồng, đạt tỷ suất sinh lời… 90%.
Ngoài ra, còn có một cái tên đã… sống lại khi gây choáng váng về tỷ suất sinh lời: 50% trong vòng 5 phiên, đó chính là… SBS!
Đã một tháng trôi qua kể từ ngày SBS công bố thông tin cổ đông bác đề án tái cấu trúc và phát hành cổ phiếu (12/11), hiện SBS vẫn chưa có động thái nào mới cho bài toán về "sinh mạng" của mình.
Trao đổi nhanh cùng chúng tôi, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT của SBS cho biết, tình hình hiện tại của công ty hết sức khó khăn sau khi cổ đông bác bỏ các phương án tái cấu trúc mà HĐQT đưa ra.
Ông cho rằng, vấn đề lớn nhất của SBS hiện nay là thiếu vốn đề hoạt động trong khi nguồn thu rất bấp bênh do thị trường quá èo uột. HĐQT đang rất “đau đầu” để tìm hướng thoát khỏi vũng lầy hiện nay, và không loại trừ việc cắt bớt các nghiệp vụ như vài công ty chứng khoán đã từng làm.
Viết Vinh ghi
|
Cái tên CTCK Sacombank (SBS) tưởng như đã chìm vào quên lãng sau những biến cố như thua lỗ khủng bất thường, những lùm xùm quanh vụ khởi tố hình sự tại công ty… SBS đã bị UBCK đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, và hiện nay vốn chủ sở hữu đang ở dưới mốc 0. Giá cổ phiếu SBS trên thị trường biến động theo hình “bậc thang” khi mỗi bước giá 100 đồng lên xuống đã chạm vào trần hoặc sàn. Từ giữa tháng 8, giá SBS liên tục giảm và chạm đáy thấp nhất là 800 đồng (04/12), hầu như suốt từ tháng 8 đến đầu tháng 12 không có giao dịch.
Nhưng SBS bất ngờ xuất hiện trong tốp thống kê giao dịch khi đạt mức tỷ suất lợi nhuận 50% trong vòng 5 phiên giao dịch: Sau 4 phiên tăng liên tiếp, giá SBS đạt 1,200 đồng (10/12), so với mốc 800 đồng của ngày 4/12 thì tỷ suất chênh lệch giá đã là 50%. Tuy rằng con số 50% chỉ là trên lý thuyết, và thống kê cho thấy giá trị giao dịch của SBS rất nhỏ, chỉ vài trăm triệu/phiên nên số NĐT hưởng được mức lợi nhuận này không nhiều.Nhưng câu hỏi từ trường hợp của SBS ở đây là: Điều gì khiến cho ngay cả một cổ phiếu tưởng chừng vô giá trị như SBS lại có đà tăng như vậy; nếu không phải là sự lan tỏa xuất phát từ các mã đầu cơ dẫn dắt thị trường?
Ai người giữ lửa?
Một NĐT có dẫn lại câu nói nổi tiếng của William J. O'Neil - NĐT lão luyện trên TTCK - khi bình luận về hiện tượng một số cổ phiếu penny đồng loạt khởi nghĩa thời gian gần đây…
“Khi chó gà bắt đầu sủa thì hãy coi chừng!”
Có lẽ câu nói ấy hẳn sẽ đúng nếu đặt trong bối cảnh của tháng 5/2012. Vào thời gian ấy, khi các mã blue chip đã tăng được một đoạn khá dài, bắt đầu đánh mất động lực đi lên thì dòng tiền đầu cơ vồn vã đổ vào nhóm các cổ phiếu penny, khiến một số cổ phiếu thị giá thấp của khai khoáng, cao su, bất động sản… thay nhau tăng loạn xạ. Kết cục sau đó thế nào? Vâng, NĐT quay trở lại “máng cũ” hồi đầu năm 2012.
Nhưng với hoàn cảnh thời điểm này thì câu nói trên không còn hợp lý nữa. Thị trường đã đi xuống được gần 6 tháng, HNX-Index thậm chí đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Thanh khoản cạn kiệt và niềm tin xa rời thị trường… Hoàn cảnh này không thể đòi hỏi các mã blue chip sẽ khởi phát một đợt tăng giá mới vì độ ỳ của các mã này là khá lớn. Vai trò nhóm lửa- chỉ có thể dành cho các mã đầu cơ…
… và lửa đã được nhóm lên rồi!
Điều thị trường trông chờ lúc này là động thái từ các blue chip. Vì sao vài phiên gần đây vẫn có quan điểm thận trọng, hoài nghi vào một up trend trong dài hạn? Đó là do các mã blue chip chưa nhận nhiệm vụ dẫn dắt thị trường. Công sức đưa hai chỉ số tăng trong thời gian qua hoàn toàn do một số penny - mà các mã này lại không đủ sức để duy trì động lực tăng của thị trường trong dài hạn.
Penny nhóm lửa, nhưng để kéo hai chỉ số đi được xa thì phải cần blue chip giữ được lửa. Mà điều đó chưa đến trong vài phiên gần đây. Vì vậy, bên cạnh quan điểm một up trend dài hạn đã xuất hiện, thì cũng có quan điểm hoài nghi cho rằng sự tăng giá vừa qua chỉ đơn giản là một sóng hồi ngắn hạn…
Quan điểm nào sẽ chiến thắng? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào các người giữ lửa - Blue Chip.
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
FFN
|