Cổ phiếu nổi danh một thời: Siêu đầu cơ chỉ còn le lói
Năm 2010 trở về trước, khi dòng tiền đầu cơ tung hoành trên thị trường chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu “hạng ruồi” được các đội lái thỏa sức tung hứng như PVA, AAA, PVE, MTG, MHC, HTV, LTC, VNE, MCG… Các mã này nhanh chóng đạt đỉnh cao chỉ trong thời gian ngắn.
Những cổ phiếu siêu đầu cơ một thời giờ đây chỉ còn le lói theo nhịp đập yếu ớt của thị trường.
LTC. CTCP Điện nhẹ Viễn Thông (HNX: LTC) lên sàn vào thời kỳ đỉnh cao của thị trường chứng khoán (tháng 12/2006), LTC nhanh chóng có những đợt bứt phá mạnh mẽ. Ở thời kỳ đầu cổ phiếu tăng giá nhờ tác động cung cầu và sự khan hiếm cổ phiếu lúc bấy giờ. Nhờ đó, từ khi chào sàn với mức giá khoảng 10,000 đồng/cp, 4 tháng sau đó LTC vọt lên 33,500 đồng/cp, tức đã tăng giá hơn 3 lần trong khi tình hình kinh doanh không có gì là đặc sắc.
Một đợt điều chỉnh của thị trường đã khiến LTC lao dốc hơn ½ mức giá, nhưng cổ phiếu này đã nhanh chóng lập đỉnh thứ hai trong năm 2007 vào ngày 30/10, tại 32,400 đồng/cp.
Giao dịch trong tình trạng thiếu thông tin, kết quả kinh doanh ảm đạm, số lượng niêm yết thấp, LTC một lần nữa trở thành mục tiêu của các đội lái. Tháng 10/2010, LTC đạt mức giá gần 58,000 đồng/cp, tức gấp gần 6 lần kể từ ngày đầu tiên niêm yết.
Tiếp sau đó là một đợt tháo chạy không phanh, LTC rơi từ đỉnh cao xuống đáy chỉ trong vài tháng ngắn ngủi cuối năm 2010 và tốc độ bán tháo mạnh mẽ từ đó đến hết năm 2011. Năm 2011, LTC dần bị nhà đầu tư quên lãng, thanh khoản xuống dốc, thị giá cũng dần teo tóp và chỉ còn khoảng 4,500 đồng/cp.
S96 - CTCP Sông Đà 9.06 (HNX: S96) là một đại diện tiêu biểu của cổ phiếu sông Đà. Cũng như nhiều cổ phiếu khác, S96 lao dốc trong năm 2008 khi thị trường đổ sụp từ mức đỉnh của năm 2007. Tuy nhiên, với sự phục hồi của thị trường hai năm 2009 và 2010, S96 lập tức được đưa vào “tầm ngắm”.
Từ giữa năm 2009, S96 bứt phá rồi lao dốc nhưng thanh khoản vẫn rất thấp, hầu hết chỉ toàn lệnh mua với mức giá trần. Mỗi đợt điều chỉnh giúp cổ phiếu này chinh phục những mức cao mới, lần lượt từ mức giá chưa đến 10,000 đồng đã vươn cao lên đến trên 40,000 đồng/cp. Khi thanh khoản trở lại cũng là lúc S96 tụt dốc.
Cuối năm 2010 đến giữa năm 2012 là giai đoạn cổ phiếu này đi xuống với thanh khoản tăng vọt, có phiên đạt hơn 1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, từ đó đến nay, S96 dần bị quên lãng với giao dịch kém, thị giá xuống thấp hơn cả thời kỳ 2009 và hiện chỉ xoay quanh mốc 2,000 đồng/cp với giao dịch mỗi phiên chưa đến 200,000 đơn vị.
PVA - Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An (HNX: PVA) là một đại diện “xuất sắc” cho cổ phiếu dầu khí trong nhóm đầu cơ khi cổ phiếu này tăng giá đến vài chục lần trong vòng chưa đến 1 năm (giữa 2009 đến giữ 2010) lên gần 87,000 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất mà PVA đạt được trong suốt “quãng đời” niêm yết của mình.
Điều tạo của PVA so với các mã khác là thanh khoản vẫn được duy trì trong năm 2012 thậm chí ở mức khá cao, không ít phiên PVA đạt giao dịch hơn 2 triệu đơn vị, nhưng giá chỉ còn khoảng 5,000 đồng/cp.
HTV, VNE và MCG được xem là những cổ phiếu đầu cơ tiêu biểu trên sàn HOSE trong quá khứ.
HTV - CTCP Vận tải Hà Tiên (HOSE: HTV) Những đợt sóng cao chót vót của HTV những năm 2006–2007 cũng như 2009–2010 mang lại nhiều cảm xúc hưng phấn cho nhà đầu tư, nhưng cũng khiến không ít người “cháy tài khoản” vì margin những cuộc đua trần đầy máu lửa trong năm 2010.
Có thời điểm HTV tăng vọt lên trên 40,000 đồng/cp năm 2007 và trong đợt sóng năm 2010, HTV cũng đạt xấp xỉ mức giá 40,000 đồng/cp.
Đợt tăng điểm nửa đầu năm 2012, HTV từng lên được mốc 15,000 đồng/cp sau khi rơi xuống mức đáy 5,000 đồng/cp vào cuối năm 2011. Hiện nay, cổ phiếu này dao động quanh mức giá 12,000 đồng/cp nhưng thanh khoản các phiên rất thấp, đã khiến không ít nhà đầu tư thất vọng.
MCG - CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (HOSE: MCG). Tương tự như HTV, MCG sau khi đạt mức đỉnh vào nửa cuối năm 2010 với mức giá trên 35,000 đồng/cp, đợt xả hàng mạnh đã diễn ra liên tục trong năm 2011, cổ phiếu lao dốc mạnh.
Nửa đầu năm 2012, MCG bắt được đợt sóng của thị trường nhưng giá vẫn chưa thể vượt qua mệnh giá, thay vào đó là lượng cổ phiếu chuyển nhượng tăng vọt, đỉnh điểm lên đến hơn 4 triệu cổ phiếu/phiên. Từ đó đến nay, thanh khoản của MCG sụt giảm hẳn, giao dịch trung bình 3 tháng trở lại đây đạt khoảng 80,000 đơn vị/phiên.
VNE - Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam . Dù trong xu thế giảm từ cuối năm 2010 đến nay, nhưng cổ phiếu này vẫn có giao dịch khá sôi động với thanh khoản cao. Không ít phiên giao dịch thanh khoản của VNE đạt từ 3-5 triệu đơn vị. VNE hiện dao động quanh mốc 5,500–6,000 đồng/cp.
Nhìn chung, cổ phiếu này vẫn là lựa chọn cho những nhà đầu cơ khi thị trường xuất hiện những đợt sóng ngắn.
Trong khi những cổ phiếu nổi danh một thời đang dần bị lãng quên thì nhiều mã đầu cơ khác thỉnh thoảng vẫn nổi sóng, đặc biệt mỗi khi thị trường “có biến”. Nhóm cổ phiếu khoáng sản với BGM, KSH, KSS, KTB, KSD, CMI, BKC hay bất động sản như NVT, HQC, NTB, DLG… là những ví dụ cụ thể nhất. Tuy nhiên, với nhà đầu tư hiện nay, cổ phiếu dù có sóng cũng không thể “ăn dày” như trước, nhiều lắm thì cũng đi hết được T+4. Bởi trong bối cảnh thị trường thiếu lực đỡ.
*Lưu ý: Biểu đồ được vẽ theo dữ liệu giá đã điều chỉnh.
Viết Vinh (Vietstock)
FFN
|