Lạm phát là vấn đề quan ngại ở nước đang phát triển
Trong báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2013, Liên hợp quốc cảnh báo cho dù lạm phát có xu hướng giảm trên thế giới, song đây vẫn là vấn đề đáng quan ngại ở một số nước đang phát triển trong năm tới.
Tỷ lệ lạm phát nhìn chung đều giảm ở hầu hết các nước phát triển. Tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát đã giảm từ 3,1% năm 2011 xuống 2% năm 2012 và dự kiến chỉ ở mức vừa phải trong năm 2013.
Tại khu vực đồng euro (Eurozone), tỷ lệ lạm phát cơ bản, không tính những mặt hàng dễ biến động như năng lượng, lương thực, rượu và thuốc lá, sẽ thấp hơn và chỉ ở khoảng 1,5%. Còn tại Nhật Bản tình trạng giảm phát vẫn bao trùm cho dù ngân hàng trung ương nước này đã tăng mục tiêu lạm phát với hy vọng thúc đẩy lạm phát.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao ở một số nước đang phát triển. Trong tương lai, việc giá dầu cao sẽ tiếp tục gây sức ép lạm phát cho nhóm những nước này trong năm 2013, thậm chí cả năm 2014.
Tại châu Phi, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức trên 10% ở Angola, Nigeria và một số nơi khác. Lạm phát được dự đoán không thể giảm ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Á, thậm chí còn là vấn đề đáng lo ngại ở đa số các nước khu vực Nam Á.
Ở những nước này, tỷ lệ lạm phát trung bình trên 11% trong năm 2012 và dự kiến vẫn ở mức trên dưới 10% trong năm 2013 và 2014.
Tại hầu hết các nền kinh tế trong khu vực Tây Á, tỷ lệ lạm phát nhìn chung khá thấp, song vẫn cao ở Yemen (10%) và rất cao (30%) ở Syrian Arab Republic (Cộng hòa Arập Xyri). Tỷ lệ lạm phát ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe dự kiến đứng ở mức khoảng 6%.
Tố Uyên
vietnam+
|