Năm 2012 kết thúc có hậu cho Liên minh châu Âu
Với mong muốn đem lại “cái kết có hậu” cho châu Âu vào thời điểm năm 2012 với
nhiều “ký ức buồn” sắp khép lại, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được hai thỏa
thuận có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tương lai của khối này là tạo lập cơ
quan giám sát chung các ngân hàng Eurozone và nhất trí giải ngân khoản cho vay
cứu trợ mà Hy Lạp đang rất cần để thoát khỏi cảnh vỡ nợ “rình rập.”
Nhờ đó, các nhà lãnh đạo EU bước vào Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 13-14/12
tại Brussels (Bỉ) với tinh thần khá thoải mái và có bước đi đầu tiên hướng tới
việc thành lập liên minh ngân hàng, nhưng cũng có lẽ chính vì thế mà họ “không
vội” tiến xa hơn tới cái đích một Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU) thực sự và
sâu sắc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jose Manuel Barroso nói rằng châu Âu khởi đầu năm 2012
với nhiều nghi ngại về khả năng tồn tại của đồng euro cũng như cả Eurozone, và
tình hình hiện nay cho thấy những nhận định này là hoàn toàn sai lầm. Ông đánh
giá việc đạt được thỏa thuận về tạo lập Cơ chế giám sát chung (SSM) trong lĩnh
vực ngân hàng ở Eurozone và giải ngân khoản cho vay cứu trợ cho Hy Lạp là “cực
kỳ quan trọng,” đồng thời bày tỏ sự “tin tưởng thực sự” Eurozone sẽ vượt qua khó
khăn.
Tổng thống Pháp Francois Hollande bày tỏ rằng những tiến bộ trong việc giải
quyết cuộc khủng hoảng nợ Eurozone trong cả năm 2012 đã tạo dựng sự vững tin khi
bước sang năm 2013, trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy, thở
phào: “Giai đoạn tồi tệ nhất đã ở sau chúng ta dù vẫn còn nhiều việc cần phải
làm.”
Tin vui vào dịp “Năm hết Tết đến”
EU đón nhận “món quà Giáng Sinh sớm” khi các bộ trưởng tài chính EU đạt được
thỏa thuận tạo lập SSM với “tốc độ ánh sáng” xét theo “chuẩn của EU” ngay trước
thềm Hội nghị thượng đỉnh EU thứ sáu và cũng là cuối cùng trong năm 2012 diễn ra
trong hai ngày 13-14/12 tại Brussels.
Như vậy là EU đã đi bước đầu tiên để tiến tới liên minh ngân hàng, giúp mở đường
cho quỹ cứu trợ của châu Âu bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng Eurozone gặp khó
khăn mà không làm tăng thêm gánh nợ của chính phủ nước nhà. Trong đó, Ngân hàng
Trung ương châu Âu (ECB) được trao quyền giám sát các ngân hàng của 17 nước
Eurozone, đồng nghĩa với việc ECB sẽ có quyền lực rộng lớn hơn rất nhiều.
Từ tháng 3/2014, ECB sẽ giám sát trực tiếp các ngân hàng có tài sản trị giá trên
30 tỷ euro (39 tỷ USD) và bất kỳ ngân hàng nào được cho là có vấn đề về thanh
khoản. Ước khoảng 200 ngân hàng lớn nhất trong tổng số khoảng 6.000 ngân hàng
của Eurozone sẽ nằm dưới sự giám sát của ECB.
Liên minh ngân hàng được kỳ vọng sẽ là lá chắn giúp châu Âu đối phó với khủng
hoảng và cũng là bước đầu của châu lục này trên con đường hội nhập lĩnh vực ngân
hàng. Chủ tịch ECB, Mario Draghi gọi đây là bước đi quan trọng để tiến tới EMU.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là các nhà lãnh đạo EU sẽ phải bàn thảo xem họ sẽ
làm gì sau khi đạt được thỏa thuận này. Theo ông Draghi, EU cần nhanh chóng hoàn
thành giai đoạn tiếp theo của liên minh ngân hàng, đó là việc liệc tạo lập một
quỹ giải quyết các ngân hàng có vấn đề và đưa ra các biện pháp đảm bảo tiền gửi
để bảo vệ người gửi tiền.
Trong khi đó, đối với một năm mà Hy Lạp luôn bị đặt trước nguy cơ vỡ nợ, nguy cơ
phải rời khỏi Eurozone và mong mỏi các khoản cứu trợ của cộng đồng quốc tế hơn
bao giờ hết, thì với việc Eurozone nhất trí giải ngân khoản cho vay cứu trợ 34,3
tỷ euro (44,7 tỷ USD) và trong quý 1/2013 giải ngân đợt tiếp theo trị giá 14,8
tỷ euro vào thời điểm năm hết tết đến, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras hoàn
toàn có thể tuyên bố “khai tử" ý tưởng “Grexit," tức là nguy cơ Hy Lạp buộc phải
rời Eurozone. Điều này cũng có ý nghĩa đối với cả EU, bởi mặc dù chỉ chiếm 2%
GDP của EU, nhưng cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp qua “hiệu ứng domino” đã gây xáo
động cho cả Eurozone và tất nhiên “lục địa già” không muốn kịch bản này tái
diễn.
Nhưng cũng không ít thất vọng
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, EU đã tạm thời gác sang một bên, ít nhất là
cho tới cuối năm 2014, việc “sửa chữa” những điểm yếu mang tính nền tảng của
Eurozone - vốn bị chỉ trích nhiều kể từ khi đồng tiền chung euro ra đời - châm
ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Có lẽ do sức ép thị trường đã dịu lại sau
khi đạt được hai thỏa thuận trên nên các nhà lãnh đạo EU cũng cảm thấy việc phải
trám những lỗ hổng trong việc kiến thiết Eurozone mà cuộc khủng hoảng nợ kéo dài
ba năm qua đã để lộ ra không phải là vấn đề cấp bách vào lúc này.
Các bước tiếp theo tiến tới thành lập liên minh ngân hàng hoàn chỉnh, bao gồm
việc đảm bảo tiền gửi trên toàn Eurozone và cơ chế giải quyết các ngân hàng bị
phá sản, sẽ được đề xuất trong năm 2013 và thực hiện một năm sau đó.
Thông cáo
chung bế mạc Hội nghị thượng đỉnh EU cũng nhấn mạnh rằng trong năm 2013, Ủy ban
châu Âu (EC) cần đưa ra một đề xuất về cơ chế chung cho tất cả các nước thành
viên tham gia hệ thống giám sát ngân hàng mới. EC cũng sẽ phải đưa ra một thời
gian biểu cụ thể để có thể đạt được sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ
hiện nay.
Giới phân tích thì buồn rầu rằng “lộ trình nổi tiếng” tiến tới hội nhập Eurozone
một lần nữa bị trì hoãn. Không chỉ vậy, họ cũng thất vọng không ít về việc
chương trình hành động cụ thể mà Hội nghị thượng đỉnh lần này “trao cho” Chủ
tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (để chuẩn bị và công bố vào tháng
6/2013) đưa ra những mục tiêu ít tham vọng hơn so với chương trình hành động mà
ông Rompuy đưa ra trước đó.
Hai điểm đáng chú ý là trong chương trình hành động
vừa đạt được tại Hội nghị lần này, các nước châu Âu không đưa ra được kế hoạch
cho giai đoạn sau kỳ bầu cử châu Âu vào tháng 6/2014 và cũng không nêu ra khả
năng thành lập một ngân sách chung cho Eurozone.
Nguy cơ suy thoái vẫn lơ lửng
Các nhà quan sát cho rằng nhiều nước Nam Âu sẽ vẫn đối mặt với một năm suy thoái
nữa với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục và đói nghèo thêm sâu sắc. Trong bối cảnh
Italy, Đức, và Síp chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 2/2013, Tây Ban Nha có
thể phải viên tới gói cứu trợ dầy đủ của Eurozone, năm 2013 có thể hứa hẹn là
năm xáo động thứ tự liên tiếp cho EU, cho dù chưa tính những rủi ro từ việc cứu
trợ các nước Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
Anh, Thụy Điển và Cộng hòa Séc nhất trí về nguyên tắc nhưng vẫn đứng ngoài liên
minh ngân hàng. Hoàn tất một quá trình phức tạp để đạt được bước đầu tiên trong
việc tiến tới liên minh này là một trong những thành tựu lớn nhất của EU kể từ
khi cuộc khủng hoảng nợ Eurozone bùng phát cách đây ba năm, nhưng việc tạo lập
một liên minh ngân hàng đẩy đủ (với quyền năng giải quyết các ngân hàng có vấn
đề và đảm bảo tiền gửi) có thể mất nhiều năm.
Bên cạnh đó, giới phân tích lưu ý rằng mỗi bước tiến gần tới liên minh ngân hàng
cũng đồng nghĩa với việc các nước thành viên phải từ bỏ một phần chủ quyền lớn
hơn cũng như sẵn sàng đón nhận phán ứng mạnh về chính trị, đặc biệt là trong
giai đoạn kinh tế khó khăn, căng thẳng xã hội và tỷ lệ thất nghiệp cao./.
Như Mai
Vietnam+
|