Ngân hàng UBS bị phạt nặng do thao túng lãi suất
Ngân hàng lớn nhất về giá trị tài sản UBS của Thụy Sĩ đã đồng ý trả gần 1,4 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 1,53 tỷ USD) tiền phạt cho các nhà chức trách Mỹ, Anh và Thụy Sĩ để giải quyết vụ điều tra liên quan đến lãi suất liên ngân hàng London, hay còn gọi là lãi suất Libor - công cụ tham chiếu chi phí cho vay trên toàn thế giới.
Đây sẽ là khoản tiền phạt lớn nhất từ trước đến nay.
Tuyên bố ngày 19/12, UBS cho biết sẽ trả 1,2 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Giao dịch hàng hóa Mỹ (CFTC), 160 triệu bảng Anh (tương đương 237 triệu franc Thụy Sĩ) cho Cơ quan Dịch vụ tài chính Anh (FSA) và 59 triệu franc (tương đương 65 triệu USD) cho Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (Finma).
Cùng ngày, Finma cho biết các nhà giao dịch liên quan đến vụ dàn xếp lãi suất chủ yếu hành động vì lợi ích của họ. Ở những thời điểm khác nhau trong giai đoạn 2007 - 2008, các nhà quản lý UBS đã không có những hướng dẫn thích hợp cho các nhân viên mà bị buộc tội thao túng lãi suất Libor để hưởng lợi từ các hợp đồng phái sinh lãi suất và tạo ra bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn.
Hồi tháng 6/2012, Ngân hàng Barclays, một trong bốn ngân hàng lớn nhất nước Anh, cũng đã buộc phải trả khoảng 450 triệu USD vì lý do tương tự.
Các nhà điều hành trên khắp thế giới hiện đang tiến hành điều tra khoảng 20 thể chế tài chính bị buộc tội thao túng một số tỷ giá lãi suất liên ngân hàng (Libor và lãi suất liên ngân hàng Khu vực Đồng tiền chung châu Âu - Euribor) làm ảnh hưởng đến các hợp đồng trị giá tới 500.000 tỷ USD trên khắp thế giới, từ các hợp đồng thế chấp bất động sản đến các sản phẩm phái sinh phức hợp.
Lãi suất Libor được hình thành từ những năm 1980 của thế kỷ trước, khi các ngân hàng bắt đầu cho vay lẫn nhau, với kỳ vọng trở thành lãi suất bình quân để những ngân hàng lớn có thể vay từ các đơn vị cùng ngành mà không phải thế chấp.
Tuy nhiên, số lượng ngân hàng sẵn lòng cho đối thủ vay theo điều kiện như trên ngày càng giảm do sự đi xuống của nền kinh tế, bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ công châu Âu, cùng với đó là tín nhiệm của hàng loạt ngân hàng lớn bị hạ trong năm nay.
vietnam+
|