Điều hành giá và nguy cơ tiềm ẩn
Việc điều chỉnh giá điện, cùng với giá các mặt hàng vẫn nằm trong vòng quản lý của Nhà nước đang thể hiện sự bất cập khi trở thành một trong những tác nhân chính gây biến động lên CPI năm 2012. Cơ cấu giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu và sự biến động của chúng trong CPI cả năm 2012 đã thể hiện rõ nét điều đó.
Câu chuyện tăng giá điện cách đây gần 1 tuần được nhiều chuyên gia xới lên tại Hội thảo của Học viện Tài chính hôm 27/12 như một dẫn chứng về bất cập trong công tác điều hành giá năm 2012. Mặc dù EVN giải thích việc tăng giá này là “hợp lý, đúng lộ trình”, một vài ý kiến đánh giá động thái này “khôn khéo”, song đa số các quan điểm vẫn cho rằng điều chỉnh giá điện vào thời điểm cuối năm sẽ làm tăng thêm nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho năm tới nhất là áp lực lạm phát; cũng như chất thêm khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Và việc điều chỉnh giá điện, cùng với giá các mặt hàng vẫn nằm trong vòng quản lý của Nhà nước đang thể hiện sự bất cập khi trở thành một trong những tác nhân chính gây biến động lên CPI năm 2012. Cơ cấu giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu và sự biến động của chúng trong CPI cả năm 2012 đã thể hiện rõ nét điều đó.
Điện vẫn để ngỏ khả năng tăng giá
|
Rủi ro từ chi phí đẩy
Nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính TS. Nguyễn Tiến Thỏa dẫn chứng: Làm tăng CPI năm 2012 nhiều nhất là 3 nhóm: thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chiếm 4,43%, tương đương 65% CPI năm 2012 (6,81%). Trong đó, riêng dịch vụ y tế góp phần làm CPI tăng thêm 2,537%, dịch vụ giáo dục tăng 0,97%, và đóng góp của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (gồm điện nước, chất đốt…) là 0,927%.
Trong khi đó, nhóm hàng ăn uống thông thường là nhóm đóng góp lớn nhất trong rổ hàng hóa, thì năm nay chỉ tăng ở mức 1,01%, giảm đáng kể so với các năm trước. “Bởi nhóm hàng này đã vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự điều tiết của Nhà nước”, theo ông Thỏa.
“Đúng là trong điều hành có những giai đoạn lạm phát êm thì có thể thực hiện tăng giá theo lộ trình đã lên kế hoạch. Nhưng cuối tháng 12 là lúc các DN chuẩn bị hàng hóa Tết, nên tránh tăng giá giai đoạn này. Khi còn điều hành, chúng tôi luôn chọn thời điểm thuận lợi hơn để điều chỉnh giá”, ông Thỏa nói.
Mặc dù công tác điều hành giá trong năm vừa qua được đánh giá là thành công khi kiềm chế lạm phát đã hoàn thành chỉ tiêu hồi đầu năm, song đằng sau thành tích đẹp đó vẫn tiềm ẩn mối lo ngại về cung cách điều hành kiểu “tổng tấn công” về giá.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Thiện - Cục Quản lý giá, điều này là không thể tránh được. “Nhiều loại phí đã đóng băng 17 năm, từ năm 1995. Theo tính toán của chúng tôi, đến nay có mặt hàng đã tăng tới 400%”, ông Thiện dẫn chứng. Mặc dù vậy, những bước điều hành giá “không được êm cho lắm” đó, trong bối cảnh nền kinh tế thiếu ổn định và nhạy cảm với các cú sốc lớn, tất yếu sẽ dẫn đến những cú “xóc”. Cụ thể là giá dịch vụ y tế, dù mới tăng ở mức nhỏ và còn cách xa giá thị trường, đã đẩy CPI tháng 9 tăng tới 2,2%, chiếm tới 30% trong cơ cấu CPI cả năm 2012.
Kịch bản sẽ tái diễn?
Một kịch bản tương tự đã được dự trù cho công tác điều hành giá năm 2013, khi lộ trình tăng giá được nhiều cơ quan quản lý đánh tiếng là “không thể trì hoãn thêm”. Trong đó, lộ trình sớm nhất là nhóm dịch vụ y tế với 31 tỉnh chưa điều chỉnh giá viện phí, và khoảng 10 tỉnh chưa điều chỉnh giá bất cứ loại phí và thuế nào, theo dự báo của Tổng cục Thống kê.
Ngay trong cuộc họp báo công bố việc điều chỉnh giá điện được tổ chức mới đây, EVN cũng khẳng định, tăng giá điện nằm trong lộ trình chung của tập đoàn này. Và trong năm tới, khi giá một loạt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng, thì xu thế tăng của giá điện là không thể tránh khỏi. Chưa hết theo dự đoán của PGS. TS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế Quốc dân, giá dầu thế giới sẽ biến động từ giữa năm 2013, kéo theo đó là sự điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
Những dự báo này cho thấy tiềm ẩn của lạm phát trong năm 2013 chủ yếu tập trung vào yếu tố chi phí đẩy. Cùng với các nguyên nhân sâu xa, căn bản từ cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, dù đang được khắc phục song chắc chắn vẫn còn rất yếu, “các yếu tố chi phí đẩy sẽ kích lạm phát lên nếu điều hành không nhất quán và đúng hướng”, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định.
Trong tình cảnh khó đoán định đó, những cảnh báo đưa ra không có gì mới hơn là quản lý và điều hành giá các mặt hàng thiết yếu phải có lộ trình rõ ràng, phù hợp mục tiêu. Quan trọng nhất là công bố giá minh bạch với người tiêu dùng. Việc thắt chặt quản lý cũng phải được thực hiện ngay từ đầu năm.
“Ngay từ bây giờ chúng ta phải chú ý đến giá cả dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm cung cầu hàng hóa, tránh đột biến giá ngay từ đầu năm. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán thông thường giá tăng rất cao, phải chú ý để giãn, hoãn hoặc điều chỉnh các mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý giá”, ông Thỏa khuyến cáo.
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính:
Sự đánh đổi không nhỏ
Việc thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012, chính là kết quả của việc thực hiện nghiêm ngặt chính sách thắt chặt tài khoá và tiền tệ và các giải pháp về cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, thực hiện nhiều giải pháp về tiết kiệm chi tiêu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, cũng nảy sinh một số tác động không mong muốn, đó là: Tăng trưởng kinh tế không đạt được như dự kiến; Tồn kho cao, nợ đọng lớn. Khi tồn kho lớn, sản phẩm không tiêu thụ được thì nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, nợ quá hạn tăng cao, khả năng thanh toán yếu kém, thu NSNN giảm, tiền huy động trong ngân hàng dư thừa và không thể cho vay, thị trường chứng khoán giảm mạnh… là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng khó khăn của nền kinh tế đã ở mức đáng lo ngại.
Sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng thật sự đã diễn ra với cái giá không nhỏ.
Năm 2013 vẫn là một năm kinh tế Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm phát cao trở lại. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp về tài khoá và tiền tệ, những giải pháp về quản lý, điều hành giá cả, thị trường của Chính phủ cũng phải phù hợp hơn và hiệu quả hơn. Đặc biệt là việc điều chỉnh giá đối với các sản phẩm xăng dầu, điện, than… là đầu vào của quá trình sản xuất phải thật sự thận trọng và tính toán thật rõ những tác động đối với nền kinh tế trước khi ra những quyết định cụ thể.
Bà Ngô Thị Ánh Dương - P. Vụ trưởng - Vụ Thống kê Giá – Tổng cục Thống kê:
Lạm phát vẫn là nguy cơ thường trực
Năm 2013, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và thế giới còn khó khăn, giá cả thị trường vẫn còn bất ổn. Lạm phát vẫn luôn là nguy cơ thường trực. Năm 2013 sẽ “thừa kế” những hệ quả của những tác động chính sách đã ban hành trong năm 2012 như giá điện cho tiêu dùng và cho sản xuất đã tăng thêm 5%; Tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 04 của liên Bộ Y tế -Tài chính; Nới lỏng chính sách tiền tệ để giải cứu một số ngành kinh tế, làm tăng tổng phương tiện thanh toán.
Nếu không điều hành sản xuất kinh doanh linh hoạt kịp thời, không có nhiều biện pháp ứng phó với thị trường thì có thể đẩy nền kinh tế vào vòng lạm phát mới.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội:
Tập trung “khoan sức dân”
Để ổn định mặt bằng giá cả, cần xây dựng nền kinh tế có năng suất lao động cao để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Bài toán năng suất lao động là bài toán tiên quyết đầu tiên cho sự phát triển bền vững, cạnh tranh của đất nước. Vì vậy cần đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ, máy móc thiết bị, nhân lực... tạo một bước phát triển mới cho nền sản xuất quốc gia.
Đồng thời, phải quan tâm đến công tác dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu như năng lượng, vật tư chủ yếu, lương thực thực phẩm, vừa phải thiết lập chuỗi sản xuất phân phối đủ mạnh của những nhóm mặt hàng đó. Cần thực hiện tốt công tác kiểm soát thị trường, thiết lập lại kỷ cương xã hội để chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn thuế.
Trước mắt, cần chú ý không chỉ đẩy mạnh thị trường tiêu thụ hàng hóa, mà còn phải giảm bớt những khoản thuế phí chưa cần thiết, tập trung vào tạo công ăn việc làm, khôi phục sức mua của xã hội. Giảm bớt các khó khăn đó của người dân cũng chính là “khoan sức dân”, kích thích sự phục hồi của thị trường, nhất là trong lúc khó khăn như thế này. Ngoài ra, cũng cần gây dựng niềm tin cho DN bằng cách ổn định luật pháp, các cơ chế chính sách ban hành phải minh bạch, lâu dài, tìm mọi cách tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho họ.
|
Ngọc Khanh
thời báo ngân hàng
|