Kinh tế năm 2012: Nhìn lượng, băn khoăn chất
Lạm phát được kiềm chế ở mức 6,81%, tăng trưởng GDP (5,03%) cũng có thể coi là hợp lý. Nhưng nhìn lại kinh tế năm 2012, vẫn còn những băn khoăn.
Sự trì trệ của sản xuất trong nước không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế năm 2012, mà ít nhất trong cả quý I/2013
|
Thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), nhưng trao đổi với báo giới khi công bố các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, mức tăng trưởng GDP 5,03% là một “con số rất đáng quý”.
Báo cáo tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, tổ chức trong hai ngày 25 - 26/12/2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, đây là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đúng là, 5,03% là một mức tăng trưởng có thể coi là hợp lý trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tuần qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra “sốt ruột” với con số này, nhất là khi Việt Nam đã qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI. Lý do là vì, các nước xung quanh, như Lào, Campuchia đều có mức tăng trưởng kinh tế khá cao (7 - 8%). Mặc dù cũng có không ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng thấp hơn Việt Nam, nhưng do quy mô nền kinh tế lớn, nên tính về giá trị tuyệt đối, thì 2-3% cũng là con số rất lớn. Tổng Bí thư cũng tỏ ra sốt ruột khi nợ xấu vẫn như một cục máu đông, nhiều lao động mất việc làm, còn thị trường bất động sản, thì Chính phủ và các bộ, ngành đang phải tập trung tháo gỡ.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2012, có tới gần 1 triệu lao động mất việc làm và 1,45 triệu lao động thiếu việc làm. Đây có thể nói là hệ quả của việc hơn 51.800 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động và tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,03% trong năm qua. Và tất nhiên, kéo theo đó sẽ là những vấn đề liên quan tới thu nhập của người dân và an sinh xã hội.
Một khía cạnh không thể không nói tới, dù năm nay, lạm phát đã được kiềm chế rất tốt, chỉ ở mức 6,81%, song một cách thẳng thắn, lạm phát vẫn cao hơn tăng trưởng. Hơn nữa, theo ông Đỗ Thức, lạm phát năm nay, không hẳn là thấp. Nếu tính bình quân, CPI năm nay vẫn tăng 9,21% so với năm ngoái. “Lạm phát cơ bản, theo tính toán của chúng tôi vẫn là 9 - 10%. Còn nếu loại trừ các yếu tố tác động mạnh tới CPI của năm nay là dịch vụ y tế, giáo dục, lạm phát vẫn ở mức 3,31%, cũng không phải là một con số thấp”, ông Thức nói.
Năm 2012, diễn biến CPI có thể nói là khá bất thường: không tăng vào dịp Tết, không giảm sau Tết và tăng không phải do lương thực, thực phẩm như mọi năm. Tháng 9 là thời điểm bất thường nhất của CPI năm 2012. Tháng đó, CPI tăng tới 2,2% so với tháng trước và ngay lập tức, làm đảo lộn mọi suy đoán của giới chuyên gia: trước, lo giảm phát; sau, lại lo lạm phát. Tuy nhiên, cuối cùng, CPI của 3 tháng cuối năm đã tăng chậm lại.
Lý do chính được ông Đỗ Thức đưa ra là vì vấn đề điều hành giá. “Đã là kinh tế thị trường, thì phải điều hành giá theo cơ chế thị trường, nhưng điều chỉnh ở mức nào và thời điểm nào, thì phải xem xét. Tháng 9, đổ dồn nhiều mặt hàng tăng giá, nên đã gây ra sự giật cục của CPI như vậy”, ông Thức nói và bày tỏ quan điểm rằng, điều này cần được cân nhắc thận trọng trong năm tới, bởi lẽ, năm 2013, theo lộ trình, vẫn còn một số mặt hàng đang chờ được tăng giá. Hiện tại, mới chỉ có 30/63 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá các dịch vụ y tế.
Ở một điểm sáng khác của nền kinh tế, chuyện sau 20 năm, Việt Nam lại có được thặng dư cán cân thương mại (284 triệu USD) là điều hiếm có. Có điều, việc xuất siêu đang đi ngược lại quy luật kinh tế của Việt Nam nói riêng, các nước đang phát triển nói chung, không khỏi khiến dư luận do ngại. Bởi xuất siêu ở một nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, thì trên một bình diện nào đó, đã phản ánh sự trì trệ của sản xuất trong nước, không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế năm 2012, mà ít nhất trong cả quý I/2013.
Thêm vào đó, ngay cả Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng không khỏi băn khoăn khi tăng trưởng xuất khẩu năm nay (18,3%) chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu như năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 17,72 tỷ USD, thì chỉ riêng khu vực FDI (không tính dầu thô) đã đóng góp trên 16 tỷ USD, chiếm gần 90,4% (nếu tính cả dầu thô, chiếm gần 96,9%). Câu hỏi về sức khỏe và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa, đương nhiên sẽ được đặt ra một cách đầy lo ngại.
Hà Nguyễn
đầu tư
|