Điều hành chính sách tiền tệ 2013: Linh hoạt trong thận trọng
Dù chịu nhiều áp lực nhưng NHNN điều hành chính sách tiền tệ từ cuối năm 2011 đến thời điểm này một cách thận trọng và linh hoạt. Điều đó đã mang lại hiệu quả như kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái, ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước gặp khó khăn, lòng tin sụt giảm.
Là nhận định chung của các diễn giả tại Hội thảo khoa học về “Bức tranh toàn cảnh hoạt động ngân hàng năm 2012 và một số khuyến nghị chính sách cho năm 2013” vừa được Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 25/12/2012.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thành công quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN là kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái, kiên trì chống đô la hóa, ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước gặp khó khăn, lòng tin sụt giảm.
Ông Nguyễn Đức Trung – Viện phó Viện nghiên cứu Học viện Ngân hàng đưa ra những thành công của NHNN trong năm 2012. Ngoài kiềm chế lạm phát ở mức thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất cho vay giảm mạnh, chính sách chống đô la hóa và vàng hóa được thực hiện triệt để, công tác thanh tra giám sát và minh bạch thông tin, đồng vốn tín dụng đã đưa vào sản xuất và bước đầu triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank Trịnh Quang Anh cũng đồng tình điều hành CSTT của NHNN từ cuối năm 2011 đến thời điểm này một cách thận trọng và linh hoạt đã mang lại hiệu quả dù chịu nhiều áp lực. Tuy vậy, những số liệu kinh tế vĩ mô nhiễu loạn, thông điệp thị trường chưa tốt… khiến mọi người có cách nhìn không đúng về hệ thống ngân hàng, cho rằng nợ xấu hoàn toàn do ngân hàng gây ra. Trong khi nợ xấu chịu tác động từ nhiều yếu tố.
Hiện tại, CSTT lại đang chịu áp lực rất lớn từ xã hội, chính trị là phải nới lỏng chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đó cũng là lý do Thống đốc NHNN phải chần chừ trong việc đưa ra quyết định giảm lãi suất vào ngày 21/12/2012 để tiếp tục hỗ trợ DN nói riêng và nền kinh tế nói chung tiếp cận mặt bằng lãi suất thấp. Nhưng thực tế cho thấy, dù có những thành công nhưng con người không thể chạy nhanh... bằng một chân.
Và NHNN đã phải thực hiện chính sách tiền tệ khiên cưỡng trong suốt thời gian qua. Mà khi các công cụ sử dụng quá tải thì hiệu lực sẽ không còn cao. Do đó, trong thời gian tới không nên quá trông chờ từ công cụ này mà cần có những phương pháp kinh tế hiệu quả hơn thay vì những kế sách chính trị như hiện nay.
Còn Thạc sĩ Phạm Xuân Hòe – Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho hay, những năm qua, áp lực lo vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng quá lớn. Do đó, hệ thống luôn phải đối mặt với rủi ro, hệ số vay nợ của các DN khá cao. Vì vậy đến thời điểm này, chỉ số tài chính của DN, điểm xếp hạng tín dụng đang bị giảm sút và để có đủ điểm tiếp cận tín dụng hay không đang là vấn đề lớn của DN và của các ngân hàng.
Mặc dù rất yên tâm về thanh khoản hệ thống ngân hàng, nhưng ông Nghĩa cũng lưu ý nếu không giải quyết dứt điểm các ngân hàng yếu kém có thể lại làm khó cho lãi suất cũng như xử lý nợ xấu. Ông Hòe cũng cho rằng, thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ là phải xử lý căn bản căn bệnh thanh khoản của hệ thống tín dụng hay nói cách khác là hạn chế việc sử dụng vốn ngắn hạn cho các mục đích trung, dài hạn.
Lấy ví dụ nếu ngân hàng huy động 1 tháng, cho vay 6 tháng phải quay vòng tối thiếu 5 lần mới đủ được nguồn vốn đáp ứng cho vay ra 6 tháng. Mỗi lần như vậy, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí để bù thanh khoản, chưa kể chi phí bù cho phần rủi ro trong môi trường nền kinh tế đầy rủi ro.
Theo ông Hòe, các ngân hàng phải hoạch định cơ cấu lại sản phẩm tiền gửi, đặc biệt chú trọng hơn nguồn tiền gửi trung và dài hạn để cân đối cho phần tài trợ dư nợ trung và dài hạn. “Nếu các ngân hàng không thu hẹp chênh lệch giữa kỳ hạn cho vay ra và huy động, vẫn để nó luôn luôn lớn thì rõ ràng thanh khoản không thể giải quyết tận gốc, thì ngân hàng không thể cho vay trung, dài hạn nhiều được”, ông Hòe nhấn mạnh.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2013 tiếp tục thận trọng không thể lơi là với lạm phát. Bởi để giữ con số 6,6% ngoài chính sách tiền tệ, tài khóa có công lớn là từ tác động lương thực thực phẩm. Ông Nghĩa cho biết hai mặt hàng này giảm sút từ đầu năm đến hết quý III/2012 mà mặt hàng này chiếm tới 40% trong rổ hàng hóa CPI. Chính vì vậy trong năm sau chúng ta vẫn phải hết sức cảnh giác. Và chính sách lãi suất vì thế cũng không thể điều chỉnh quá đà.
Về vấn đề xử lý nợ xấu, ông Nghĩa cho rằng, nếu không tính toán được một cách chính xác con số nợ xấu nằm ở đâu thì mọi việc làm trở thành vô nghĩa. Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, để xử lý nợ xấu thì cần phải đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Về phía NHNN, ông Hòe cho biết, NHNN sẽ tập trung xử lý nợ xấu một cách quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013.
Huyền Thanh
thời báo ngân hàng
|