Lãi suất kỳ hạn dài vẫn chưa hạ
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn đã giảm thêm 1 điểm phần trăm từ hôm nay 24-12, tại các ngân hàng. Tuy vậy, lãi suất kỳ hạn dài vẫn được các ngân hàng niêm yết theo mức cũ.
Lãi suất tại Ngân hàng Á Châu (ACB) đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng đã giảm từ mức 9%/năm xuống còn cao nhất ở 7,8%. Còn ở đa phần các ngân hàng khác như Vietcombank, Vietinbank, Eximbank lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-9 tháng được niêm yết ở mức kịch trần là 8%/năm.
Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn dài vẫn được duy trì ở mức cũ, dao động từ 10,5-11,5%/năm, không có dấu hiệu giảm xuống. Mức cao nhất hiện vào khoảng 11,5% cho kỳ hạn 13 tháng.
Các khoản gửi có lãi suất vượt trần quy định hiện cũng đồng loạt giảm 1 điểm phần trăm cho các khoản gửi mới từ sau ngày 24-12. Theo nhân viên giao dich của một chi nhánh ngân hàng ở Đồng Nai, hôm nay, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn cho các khoản gửi trên 500 triệu đồng là 9,5-10%.
Còn theo một doanh nghiệp đang gửi tiền tại một ngân hàng nhỏ tại TPHCM, lãi suất tiền gửi hiện còn khoảng 11%, trong khi vào tuần trước, lãi suất còn khoảng 12%/năm. Số tiền gửi để có được lãi suất đó là trên 1 tỉ đồng.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Quận Tân Bình, TPHCM cho biết trong ngày thứ Bảy vừa qua đã có nhiều khách hàng đến gửi tiền để được hưởng lãi suất cao, thậm chí có những người chấp nhận lãnh lãi không kỳ hạn cho tháng trước để gửi mới với kỳ hạn dài hơn trước khi lãi suất giảm thêm.
Nói về chuyện vì sao lãi suất kỳ hạn dài vẫn cao, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng hiện tại có thể chia làm 2 nhóm ngân hàng, đó là nhóm dư thừa thanh khoản, thường là ngân hàng lớn, nhóm thanh khoản vừa đủ hoặc hơi thiếu hụt là một số ngân hàng nhỏ. Những ngân hàng này không thể giảm lãi suất xuống được vì nhu cầu hút tiền gửi rất cao, nhưng các ngân hàng lớn cũng không thể giảm vì sẽ mất khách.
“Chúng tôi đã thử giảm kỳ hạn dài xuống còn 10%/năm, nhưng ngay lập tức số dư huy động các kỳ hạn này sụt giảm nhanh chóng, vì vậy chúng tôi sẽ giữ lãi suất như các ngân hàng khác để giữ khách”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, lãi suất cho vay cũng đã được một số ngân hàng giảm xuống tương ứng với lãi suất huy động. Cụ thể theo ông Thanh, lãi suất cho vay 4 nhóm ưu tiên còn dưới 12%, thực tế Vietcombank cũng đã áp dụng lãi suất dưới mức này từ trước đó.
Còn theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, lãi suất cho vay sẽ được giảm xuống dưới 12%/năm, đối với các khách hàng tốt, lãi suất có thể được ưu tiên ở mức 10%/năm. HDBank cũng sẽ xem xét hạ lãi suất đối với các khoản vay nằm ngoài nhóm ưu tiên, từ mức 15% xuống thấp hơn.
Nói về chủ trương giảm lãi suất, tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho rằng giảm lãi suất không phải là "liều thuốc tiên", lãi suất chỉ là phần ngọn, giảm lãi suất chỉ giúp doanh nghiệp bớt khó nhưng không nhiều, chỉ khi giải quyết được phần gốc, là tăng hiệu quả đầu tư công, là cải cách doanh nghiệp nhà nước thì nền kinh tế mới phục hồi, doanh nghiệp được nhờ. Còn hiện tại có giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp không vay thì giảm lãi suất cũng không có ích gì.
Ông này cho rằng nếu kinh tế phát triển, doanh nghiệp vay, rồi trả, khoảng 4 vòng trong một năm, thì lãi suất rất thấp, nhưng hiện tại vay rồi không trả được nên lãi suất lên cao, doanh nghiệp khó chịu đựng được. Như ở ngân hàng ông, đã có những gói vay lãi suất chỉ 9%/năm nhưng vẫn không giải ngân được nhiều.
Về thực hiện hạ lãi suất ở các ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết sẽ theo dõi kỹ, nếu phát hiện vi phạm sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để có phương án xử lý.
Thanh Thương
TBKTSG ONLINE
|