Diễn biến tỷ giá các đồng tiền trên thị trường quốc tế tuần từ 10/12-14/12
Trong tuần qua, đồng đô la Mỹ quay đầu giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thị trường ngoại hối quốc tế sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố kế hoạch tiếp tục mở rộng chương trình nới lỏng định lượng để kích thích nền kinh tế.
Trong một động thái bất ngờ, hôm 12/12/2012, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ mở rộng chương trình thu mua tài sản từ năm 2013 và duy trì lãi suất siêu thấp gần 0% cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp về 6,5% và lạm phát không quá 2,5%. FED cam kết mua 45 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng thay vì 40 tỷ USD như chương trình kích thích triển khai hồi tháng 9. Chương trình này sẽ thay thế chương trình hoán đổi trái phiếu từ ngắn hạn sang dài hạn hay còn gọi là "Operation Twist". Đồng bạc xanh đã giảm giá mạnh sau động thái nới lỏng tiền tệ của FED cùng với nỗi sợ kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu “vách đá tài khóa” không được ngăn chặn.
Một kịch bản mà nhiều người đang lo ngại hiện nay là Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận về vấn đề liên quan đến vách đá tài khóa trước ngày 1/1/2013, điều này sẽ đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái, khi việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu (tự động) khiến chi tiêu tiêu dùng giảm sút, thất nghiệp tăng lên, thị trường chứng khoán chao đảo.
Trong một phát biểu của mình, Chủ tịch Thượng viện Mỹ, ông John Boehner cho rằng yêu cầu về thu ngân sách của Tổng thống Obama sẽ không nhận được sự đồng ý của Thượng viện. Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng mạnh trong bối cảnh hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang bế tắc trong đàm phán.
Theo số liệu của Bộ tài chính Mỹ, trong tháng 11, thâm hụt ngân sách của Mỹ lên tới 172,1 tỷ USD, từ mức 137,3 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 tháng đầu tiên của năm tài khóa 2013 (bắt đầu từ ngày 1/10/2012 đến 30/9/2013), Mỹ thâm hụt ngân sách 269 tỷ USD, cao hơn so với mức 266 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Năm tài khóa 2012 kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua, ngân sách của Mỹ thâm hụt trên 1.000 tỷ USD năm thứ 4 liên tiếp trong khi nợ công vượt 16.000 tỷ USD. Bức tranh có phần tối hơn của kinh tế Mỹ dự báo cho cho xu hướng tiếp tục giảm của đồng đô la Mỹ trong thời gian tới.
Trong khi đó, đồng Euro có một tuần tăng giá mạnh khi các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phê duyệt giải ngân 49 tỷ euro (64,2 tỷ USD) cho Hy Lạp.
Cụ thể, trong cuộc họp ngày 13/12 tại Brussel, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã đồng ý giải ngân 34,3 tỷ Euro cho Hy Lạp, số tiền còn lại trong gói cứu trợ sẽ tiếp tục được giải ngân trong quý I/2013. Chính phủ Hy Lạp trong tuần này cũng công bố kế hoạch chi 11.29 tỷ Euro để mua lại số trái phiếu trị giá 31,9 tỷ euro nhằm giảm gánh nặng nợ, đồng thời duy trì sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) với hệ thống tài chính. Niềm tin đầu tư của Eurozone đã lên đến mức cao nhất trong vòng 1,5 năm qua.
Trong báo cáo hôm 11/12, nhóm nghiên cứu Sentix cho biết chỉ số tâm lý nhà đầu tư khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng từ âm 18,8 điểm lên âm 16,8 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 5/2011. Sentix cho biết, các biện pháp mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố trong mùa hè này chính là nguyên nhân chính khiến tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện.
Việc đồng ý giữ Hy Lạp tiếp tục là thành viên Eurozone, bằng cách giảm nợ hiện tại và gián tiếp giảm nợ trong thời gian sắp tới và cam kết của ECB sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ Eurozone đã góp phần làm cải thiện tâm lý thị trường, đồng thời làm tăng sản lượng kinh tế tại các quốc gia đang gặp khó khăn, điển hình như Italia.
Tại Nhật Bản, đồng Yên đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua so với đồng đô la Mỹ sau khi báo cáo về niềm tin kinh doanh được công bố. Theo kết quả của cuộc khảo sát mới đây của Takan cho thấy niềm tin kinh doanh của Nhật Bản đã xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Trong báo cáo hôm 14/12, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết chỉ số sản xuất Tankan trong tháng 12 - thước đo niềm tin kinh doanh của các hãng sản xuất lớn nhất Nhật Bản - đã giảm từ âm 3 điểm trong tháng 9 xuống âm 12 điểm. Đây là số điểm thấp nhất kể từ tháng 3/2010, đồng thời là năm thứ 5 liên tiếp chỉ số Tankan ở mức dưới 0.
Sự sa sút trong giao dịch thương mại với Trung Quốc sau những tranh cãi xoay quanh chủ quyền đảo Senkaku (Điếu Ngư), cùng chương trình thắt chặt chi tiêu của các nước châu Âu là những nguyên nhân khiến niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản suy giảm. Đây cũng là một trong những lý do khiến BOJ quyết định nới lỏng thêm chính sách tiền tệ vào ngày 20/12 tới đây. Cụ thể, BOJ cho biết sẽ mở rộng chương trình mua sắm tài sản lên 10 nghìn tỷ Yên (120 tỷ USD) trong thời gian tới.
Tính chung trong tuần, so với giá đóng cửa cuối tuần trước, đồng đô la Mỹ giảm giá 1,21% so với đồng Euro; 0,5 % so với đồng bảng Anh; 0,52% so với đồng đô la Úc và tăng giá 1,59% so với đồng Yên Nhật; 0,18% so với đồng Nhân dân tệ. Tại thời điểm cuối tuần, trên thị trường quốc tế 1EUR = 1,3081 USD; 1GBP = 1,6116 USD; 1AUD = 1,054 USD; và 1USD = 83,77 JPY; 1USD = 6,241 CNY.
Tại thị trường trong nước, trong tuần qua, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD, không đổi so với thời điểm cuối tuần trước. Các NHTM niêm yết tỷ giá giao dịch quanh mức 20.825-20.865 đồng/USD, giảm 5 đồng/USD so với cuối tuần trước.
Tại thời điểm cuối tuần, giá vàng quốc tế ở quanh mức 1.697,96 USD/oz, giảm so với mức 1.702,96 USD/oz của cuối tuần trước. Giá vàng SJC trong nước cuối tuần ở mức 4.663/4.680 nghìn đồng/chỉ, giảm so với mức 4.673/4.690 nghìn đồng/chỉ tại thời điểm cuối tuần trước.
sbv
|