Đại lý thuế bị… trói tay
Đại lý thuế (hay đại lý làm dịch vụ thủ tục về thuế) là tổ chức được doanh nghiệp (DN) ủy quyền để thực hiện các thủ tục có liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế và thay mặt DN giải quyết mọi vướng mắc về thủ tục thuế. Phát triển đại lý thuế là nhu cầu có thực của xã hội và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Thủ tục thuế rất đa dạng, đại lý thuế có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, làm việc chuyên nghiệp, cập nhật nhanh, chính xác các quy định pháp luật… nên hỗ trợ nhiều cho DN. Thông qua đại lý thuế, DN sẽ cắt giảm được nhiều chi phí lẫn nhân lực cho việc tự tìm hiểu, cập nhật kiến thức về thủ tục thuế.
Ngoài ra, đại lý thuế còn chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, hợp lệ của mọi thủ tục kê khai thuế, giúp DN tăng cường khả năng tuân thủ thuế, giảm sai sót, nhầm lẫn trong kê khai…
Đối với cơ quan quản lý thuế, đại lý thuế là cầu nối chuyển tải thông tin giữa ngành thuế đến DN và ngược lại; góp phần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, quá trình hiện đại hóa, tự động hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuế và hỗ trợ tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục thuế...
Lợi ích của việc phát triển mạng lưới đại lý thuế là rất lớn. Tiếc là sau hơn 5 năm triển khai Luật Quản lý thuế (từ tháng 7-2007 đến nay), đại lý thuế vẫn chưa được phát triển rộng rãi. Tại TPHCM, có khoảng 20 đại lý thuế nhưng hiện khoảng 1/5 trong số này đã đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả. Những đại lý thuế còn hoạt động chủ yếu cũng “sống” nhờ vào các dịch vụ khác.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do cơ quan thuế không mặn mà triển khai hệ thống đại lý thuế, thậm chí nhiều cán bộ thuế còn hoạnh họe, gây khó khăn khi tiếp nhận hồ sơ khai báo thuế...
Tại một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc…, đại lý thuế phát triển rất mạnh, đại diện DN kê khai thuế, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả DN và cả cơ quan thuế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chính sách, thủ tục thuế ngày càng đa dạng, cán bộ thuế mỗi người hiểu/diễn giải các quy định thuế mỗi kiểu và một bộ phận cán bộ cố tình phức tạp hóa thủ tục thuế để “làm luật” nên các đại lý thuế rất khó hoạt động.
Nhiều trường hợp, hồ sơ khai thuế thực hiện đúng theo hướng dẫn của các nghị định, thông tư nhưng cán bộ thuế vẫn trả về, yêu cầu khai lại; DN đã bỏ tiền thuê đại lý khai báo thuế song vẫn phải “chung chi” nên không yên tâm sử dụng dịch vụ...
Từ thực tiễn đó, cần phải phân tích, đánh giá lại hoạt động của các đại lý thuế và có cơ chế hợp lý, tạo điều kiện cho hệ thống này phát triển.
Thanh Nhân
người lao động
|