Doanh nghiệp nước ngoài “chuyển giá”
Năm câu hỏi dành cho ngành thuế
Chống thất thu thuế thì phải bắt đầu trước hết từ chính trách nhiệm, năng lực và đạo đức của các cơ quan và con người trong hệ thống Nhà nước.
Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về vấn đề một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) có biểu hiện trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Vài cái tên rất nổi tiếng với con số lỗ rất lớn mà họ báo cáo đã được công khai trên báo chí. TP.HCM, nơi thu hút FDI nhiều nhất cả nước, cũng là nơi cho biết có tỷ lệ khá cao các DN FDI báo cáo thua lỗ triền miên, từ năm này sang năm khác, trong khi vẫn tiếp tục xin mở rộng quy mô hoạt động ở nước ta. Thậm chí năm nay còn có hàng trăm DN FDI “chạy làng”, bỏ lại đằng sau những khoản nợ lương công nhân, nợ thuế và có thể cả những khoản nợ của ngân hàng hay khách hàng của họ nữa.
Câu chuyện này thực ra hoàn toàn không mới. Những DN FDI mà chúng ta kỳ vọng mang vào Việt Nam cả hệ thống quản trị hiện đại cùng trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh theo chuẩn quốc tế, vẫn cứ miệt mài làm lỗ. Không mới nhưng nó lạ. Lạ bởi ngành thuế ở cấp địa phương cũng như trung ương đã biết, đã tuyên bố sẽ “ra tay”, nhưng chưa thấy “gạo xay ra cám” đâu cả, trong khi ta có trong tay cả hệ thống pháp luật và bộ máy hùng hậu, lại có cả các cam kết quốc tế, đặc biệt với những nước đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần, có thể hỗ trợ để điều tra hành vi chuyển giá ở các DN FDI mà ta nghi ngờ. Câu chuyện trên cứ tiếp diễn, với quy mô và mức độ dường như chẳng hề suy giảm.
Và đến bây giờ, khi dự báo thu ngân sách năm nay và triển vọng năm tới đều không đạt mong muốn, không thể có mức vượt dự toán hàng chục phần trăm như những năm trước, kể cả khi các ngành đã tung ra đủ thứ phí mới để thu thêm từ đông đảo người dân và doanh nghiệp, thì câu chuyện trên mới lại rộ lên.
Câu chuyện này phải làm cho ra lẽ là điều hoàn toàn đúng. Chẳng ai bênh vực kẻ làm bậy, kể cả khi họ là các đại gia tên tuổi lẫy lừng thế giới, nếu như họ thực sự gian dối để trốn thuế. Còn nếu doanh nghiệp nào bị nghi oan thì cũng cần làm rõ để giải oan cho họ.
Có điều, từ câu chuyện trên, hàng loạt thắc mắc có thể nảy sinh như sau:
Một là, hoá ra lâu nay ta vẫn cứ buông tha cho những tay trốn thuế cỡ rất bự, trong khi trừng phạt tới nơi tới chốn những doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ trong nước mỗi khi họ bị coi là có vi phạm hay sao? Tất nhiên mọi doanh nghiệp lớn nhỏ đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật, nhưng trên thực tế, trong số những doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nhỏ bị coi là vi phạm, không ít trường hợp bị oan do sự thay đổi quá nhanh của các quy định, hoặc do cách làm việc khác nhau của chính “nhà thuế”. Mặt khác, thu từ hàng trăm doanh nghiệp nhỏ có khi cũng chỉ bằng khoản thất thu ở một “đại gia”, lại tốn bao nhiêu công sức, thời gian của cán bộ thuế – những công bộc ăn lương do dân trả. Giá như “nhà thuế” cũng mẫn cán khi thu của các đại gia như khi thu của doanh nghiệp nhỏ, thì ngân sách quốc gia sẽ được lợi hơn biết bao nhiêu!
Hai là, tại sao ngành thuế liên tục cải cách, liên tục có những dự án nâng cao năng lực, mà vẫn không đủ năng lực làm rõ để giải toả mối nghi ngờ và giải quyết câu chuyện trốn thuế nói trên. Hay là có những cá nhân, bộ phận nào đó “há miệng mắc quai”? Hay là tiền lương do dân trả quá nhỏ so với “lậu” từ những kẻ trốn thuế? Với tình trạng tham nhũng tràn lan hiện nay, chẳng có gì là lạ khi người dân đặt câu hỏi như vậy!
Ba là, vậy có ai, bộ phận nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm về tình trạng để cho ngân sách, và rộng hơn là lợi ích của đất nước, bị thua thiệt như thế này không? Hay cứ để rút cục trăm dâu đổ đầu tằm, mọi sự thua thiệt lại đổ hết lên đầu đông đảo người dân và doanh nghiệp, vốn đang liêu xiêu do tình hình kinh tế nước nhà khó khăn hiện nay?
Bốn là, ngoài DN FDI, liệu còn các doanh nghiệp lớn nào khác cũng đang áp dụng những thủ thuật tương tự không? Trong giới doanh nghiệp, người ta bảo rằng: “Tây” chuyển giá thì “ta” cũng gửi giá, kém gì nhau.
“Chuyển giá” là khi DN FDI nhập khẩu thiết bị, vật tư từ công ty mẹ hoặc công ty trong hệ thống của họ ở bên ngoài cố tình đẩy chi phí lên cao, để lợi nhuận chảy về công ty ở bên ngoài, còn công ty con ở Việt Nam sẽ không còn lợi nhuận mà nộp thuế ở Việt Nam. “Gửi giá” là khi doanh nghiệp Việt Nam mặc cả với nhà cung cấp bên ngoài để giá ký kết trong hợp đồng cao hơn giá thực mua, rồi phần chênh lệch cao hơn đó sẽ được gửi vào tài khoản do bên mua chỉ định. “Gửi giá” chẳng khác “chuyển giá” bao nhiêu, khi “tiền tươi thóc thật” cho doanh nghiệp hoặc cá nhân thì nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, còn doanh nghiệp lại được tiếng bỏ vốn nhiều, có dự án đầu tư hoành tráng, có thể nhận nhiều ưu đãi về đất đai, thời hạn miễn giảm thuế, rồi kết quả lợi nhuận cũng chẳng có bao nhiêu mà nộp thuế ở Việt Nam. Doanh nghiệp “gửi giá” phần lớn là những doanh nghiệp xài vốn “của chùa”, chứ doanh nghiệp nào vốn đầu tư eo hẹp, nếu không móc ngoặc được với nguồn vốn dễ dãi thì có muốn cũng không làm được việc này.
Năm là, liệu các cơ quan nhà nước có kiểm soát đủ chặt để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp sàng xê các hoạt động kinh doanh của họ nhằm tránh nghĩa vụ thuế, thậm chí đẩy gánh lỗ về cho Nhà nước không? Chỉ riêng trong khối doanh nghiệp nhà nước vài năm gần đây đã có không ít trường hợp mở rộng lĩnh vực kinh doanh ra ngoài ngành cốt lõi, “đẻ” thêm các công ty con, cháu, rút cục gây thua lỗ, nợ nần lớn, trong khi một số cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp hoặc chủ các công ty con, cháu vẫn cứ giàu lên nhanh chóng. Cũng có trường hợp doanh nghiệp trong tập đoàn vốn dĩ đang kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao, thì lại bị “điều chuyển” vốn liếng hoặc những công việc ngon ăn của họ cho doanh nghiệp khác trong tập đoàn để “cứu” doanh nghiệp làm ăn tồi, che đậy những bất ổn bên trong tập đoàn. Kết quả là doanh nghiệp tốt thì bị triệt tiêu năng lực và động lực, và cũng không còn lợi nhuận bao nhiêu để nộp thuế như khi họ hạch toán độc lập, còn Nhà nước hay toàn dân thì lãnh đủ những thua lỗ của tập đoàn.
Chắc chắn còn nhiều điều phải bàn quanh vấn đề thuế và thất thu thuế. Chỉ mong Nhà nước đừng vì mối đe doạ nguồn thu ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu và đầu tư mà trì hoãn việc xem xét giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp, hay thả cho các cơ quan công quyền “đẻ” thêm sáng kiến tận thu của dân. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về một mức hợp lý chính là một cách để doanh nghiệp đỡ trốn thuế, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhờ có thêm nhiều hoạt động kinh doanh được mở ra. Còn chống thất thu thuế thì phải bắt đầu trước hết từ chính trách nhiệm, năng lực và đạo đức của các cơ quan và con người trong hệ thống Nhà nước.
Phạm Chi Lan
sài gòn tiếp thị
|