Thứ Năm, 13/12/2012 14:02

Thuế sẽ giảm theo đặc thù doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với thời gian dự kiến áp dụng từ ngày 1-1-2014. Đáng chú ý là mức thuế suất sẽ được điều chỉnh giảm theo đặc thù doanh nghiệp (DN).

* Dự luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ về mức 23%

Thuế suất phổ thông 23%, DNNVV 20%

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, qua 4 năm thực hiện, mức thuế suất phổ thông 25% phù hợp với thực tế và là mức trung bình so với các nước trong khu vực. Xu thế cải cách thuế theo hướng giảm dần mức thuế suất phổ thông đã tạo sự hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Các nước ASEAN như Malaysia giảm từ 28% năm 2005 xuống 25% từ năm 2009, Thái Lan giảm thuế suất từ 30% xuống 23% năm 2012... Nhiều nước có quy định DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn như Trung Quốc 20%, Thái Lan 15%...

Nằm trong chiến lược cải cách thuế, thuế TNDN trong dự thảo được điều chỉnh theo hướng giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%; đối với DNNVV (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn thời gian và doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 20%.

Mức thuế suất này được nhìn nhận đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực, không gây tác động giảm thu đột ngột tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng, đồng thời không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi. DNNVV được áp dụng thuế suất thấp hơn so với các trường hợp thông thường sẽ có điều kiện tăng tích tụ, tích lũy tái đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trước nhu cầu về nhà ở xã hội đang trở nên cấp bách, cần thiết phải bổ sung quy định ưu đãi thuế, khuyến khích DN bỏ vốn đầu tư xây dựng loại hình nhà ở này. Theo đó, thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 của Luật Nhà ở được áp dụng thuế suất 10%, không áp dụng miễn, giảm thuế.

Ngoài ra, theo Luật Thuế TNDN hiện hành, đối với trường hợp đầu tư mở rộng không được ưu đãi thuế TNDN. Nhiều ý kiến cho rằng DN đang hoạt động bỏ thêm vốn đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn so với đầu tư mới do tận dụng được thị phần, lợi thế thương mại sẵn có.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội bổ sung khoản mới vào Điều 14 Luật Thuế TNDN theo hướng miễn, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm khi đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất mới, quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ.

Thời gian miễn, giảm thuế bằng thời gian áp dụng cho DN thành lập mới cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN. Theo tính toán, nếu áp dụng ưu đãi thuế dự án đầu tư mở rộng trong điều kiện thuế suất phổ thông 23%, dự kiến số thu ngân sách năm 2014 giảm thêm khoảng 2.081 tỷ đồng.

Ngăn tình trạng lệ thuộc vốn vay

Theo tính toán của Bộ Tài chính, năm 2014, nếu chính sách thuế TNDN không có sự thay đổi, dự kiến thu ngân sách nhà nước từ thuế TNDN khoảng 150.800 tỷ đồng. Nếu điều chỉnh thuế suất từ 25% xuống 23%, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 12.064 tỷ đồng. Nếu áp dụng thuế suất 20% đối với DNNVV, giảm thu ngân sách còn nhiều hơn.  

Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNDN hiện hành không có quy định về vốn mỏng (tình trạng DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất ít). Thực tế, nhiều DN có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính và là một trong những yếu tố gây thất thu ngân sách nhà nước.

Việc sử dụng vốn vay càng nhiều dẫn tới chi phí tiền lãi phải trả càng tăng, nhưng luật hiện hành khoản lãi tiền vay này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN, do đó số thuế DN phải nộp sẽ giảm, từ đó làm giảm thu ngân sách nhà nước. Hiện tượng tránh thuế theo cách tận dụng vốn mỏng của các DN ngày càng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Để ngăn ngừa tình trạng này, tại nhiều nước đều có quy định về vốn mỏng, theo đó lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định (tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu) không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị áp dụng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3:1, trên tỷ lệ này được coi là vốn mỏng.

Theo Bộ Tài chính, để đảm bảo phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn tài chính DN và cho nền kinh tế, chống chuyển giá, dự thảo được sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu.

Đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn nhưng không quá 10 lần vốn chủ sở hữu.

Đồng thời, để phù hợp với thực tiễn nền kinh tế nước ta đang bị ảnh hưởng khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, DN thiếu vốn sản xuất kinh doanh, dự thảo Luật quy định rõ lộ trình thực hiện từ ngày 1-1-2016, giúp DN có thời gian để chủ động tái cơ cấu và cân đối lại các nguồn vốn hoạt động.

Hà My

sài gòn đầu tư

Các tin tức khác

>   Thuế chiếm gần 30% giá bán lẻ xăng (13/12/2012)

>   Khó tìm chứng cứ né thuế của đại gia nước ngoài (13/12/2012)

>   Đề nghị thuế suất 10% với báo in (12/12/2012)

>   TPHCM không đạt chỉ tiêu thu thuế (12/12/2012)

>   Dự luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ về mức 23% (12/12/2012)

>   Cơ quan thuế sẽ thanh tra Coca-Cola, Pepsi (12/12/2012)

>   2013: Siết kiểm soát ngân sách để đảm bảo thu chi (11/12/2012)

>   Có thể áp thuế thu nhập 20% cho doanh nghiệp nhỏ (11/12/2012)

>   Kiến nghị giảm, giãn thuế để cứu bất động sản (10/12/2012)

>   Ngành hải quan khó đạt chỉ tiêu về thu ngân sách (09/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật