Thứ Hai, 17/12/2012 16:01

Cổ phiếu nổi danh một thời: Những ngôi sao đang tắt

Có những bluechips đã một thời như “ngôi sao” sáng trên sàn chứng khoán nhưng nay đã vụt tắt trong mắt nhiều nhà đầu tư.

* Cổ phiếu nổi danh một thời: Siêu đầu cơ chỉ còn le lói

Bất động sản thoái trào

KBCTổng CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC), một thời là cổ phiếu dành được nhiều sự quan tâm và ngưỡng mộ của giới đầu tư trong và ngoài nước, bởi thị giá luôn duy trì ở mức cao, tình hình kinh doanh tốt và uy tín lớn của vị Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm. Với giá trị tài sản đồ sộ, ông nhiều năm liền đứng trong top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, KBC vẫn là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận khủng nhất trên sàn những năm 2010 trở về trước: Từ lãi 280 tỷ (năm 2008), lên 600 tỷ rồi đỉnh điểm là năm 2010 với hơn 1,000 tỷ đồng. Ông Đặng Thành Tâm khi đó còn công bố dự án khách sạn Hoa Sen nằm trên khu đất vàng ở Mỹ Đình (Hà Nội) với vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD khiến giới đầu tư phải “ngước nhìn”.

Giá cổ phiếu KBC dù có “đổ đèo” trong năm 2008 theo sự suy giảm chung của thị trường chứng khoán nhưng nhanh chóng lấy lại phong độ qua năm 2009 và đạt đỉnh điểm với hơn 50,000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) vào cuối năm này.

KBC bắt đầu “chao đảo” từ năm 2011 khi liên tục thua lỗ qua các quý. Cả năm 2011, KBC chỉ lãi chưa đến 36 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2012 tình hình bi đát hơn khi lỗ ròng trên 220 tỷ đồng, nợ nần chồng chất lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Bản thân ông Đặng Thành Tâm cũng không khá hơn bởi những khoản đầu tư vào ngân hàng và công ty con liên tục sụt giảm và thua lỗ, cộng thêm nhiều biến cố khác khiến ông “đột quỵ”. Khách sạn trị giá 1 tỷ USD của ông giờ đây vẫn chỉ là một bãi đất hoang, nhiều khả năng sẽ bị thu hồi trong thời gian tới.

Giá cổ phiếu KBC không ngừng lao dốc, đặc biệt giai đoạn nửa cuối năm 2012, từ 17,000 đồng, cổ phiếu này rơi thẳng xuống còn 5,000 đồng/cp.

ITACTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA), cũng có quan hệ khá mật thiết với ông Đặng Thành Tâm. Cổ phiếu này đã lấy đi không ít tiền bạc cũng như tổn hao tâm trí của nhà đầu tư.

ITA trong giai đoạn đầu gắn liền với tên tuổi của chị em ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hoàng Yến. Những dự án khủng như Nhiệt điện Kiên Lương, Khu công nghiệp Tân Tạo, Tân Đức, Khu đô thị E.City Tân Tạo, Khu đô thị lấn biển Hải Âu… với quy mô hàng tỷ USD được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận lớn trong tương lai.

Tình hình kinh doanh của ITA những năm trước 2010 lên như “diều gặp gió”. Lợi nhuận năm 2007 đạt 367 tỷ đồng, năm 2008 do khủng hoảng thế giới nên giảm còn 297 tỷ đồng. Và hai năm sau đó tăng mạnh trở lại với 428 tỷ và hơn 666 tỷ đồng.

Theo dữ liệu giá điều chỉnh qua các đợt phát hành thêm, cổ phiếu ITA từng đạt mức đỉnh với hơn 32,000 đồng/cp vào nửa cuối năm 2010 và được rất nhiều nhà đầu tư mua vào. Cổ phiếu này từng rơi xuống đáy ngày 27/02/2009 với 4,500 đồng/cp sau đó bật tăng mạnh mẽ và đạt đỉnh gần 25,000 đồng/cp cuối tháng 10 cùng năm.

Hai năm gần đây là chuỗi ngày sụt giảm giá cổ phiếu của ITA cùng với tình hình kinh doanh đi xuống.

Hiện nay, dù giao dịch mỗi phiên đều đạt hàng triệu đơn vị, nhưng với mức giá khoảng 4,000 đồng/cp, ITA giờ đây chỉ còn xứng với danh hiệu đầu cơ thay vì bluechips dẫn dắt thị trường như trước.

SAM - CTCP Đầu tư – Phát triển Sacom (HOSE: SAM), một trong hai cổ phiếu đầu tiên trên TTCK Việt Nam và từng được xem là trụ cột quan trọng của thị trường. Tình hình kinh doanh của công ty tăng trưởng đều đặn qua các năm trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, với lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đã từng chạy theo trào lưu đầu tư đa ngành, từ tài chính đến bất động sản… khiến hoạt động của SAM chững lại khi các thị trường này gặp khó khăn.

Năm 2008, công ty lỗ gần 76 tỷ đồng, năm 2011 lỗ tiếp 183 tỷ đồng. Năm 2012, tình hình có phần khả quan hơn nhưng lợi nhuận đạt được dự kiến vẫn là con số rất thấp do SAM vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc và thoái vốn khỏi các khoản đầu tư.

Cổ phiếu SAM thời kỳ đỉnh điểm (đầu năm 2007) đạt mức giá đến hơn 70,000 đồng/cp (dữ liệu đã điều chỉnh). Tiếp sau đó là giai đoạn điều chỉnh suốt hai năm 2007-2008. Đỉnh cao của sự phục hồi năm 2009 là 19,000 đồng/cp vào ngày 23/10.

SAM bắt đầu chu kỳ sụt giảm mới từ cuối 2009 đến nay. Có thời điểm giá cổ phiếu rơi xuống chỉ còn 4,200 đồng/cp, hiện nay đã phục hồi xấp xỉ 7,000 đồng/cp. Thanh khoản của SAM vẫn được xếp vào nhóm có giao dịch dồi dào với vài trăm ngàn đến vài triệu đơn vị/phiên. Tuy vậy, cũng như những cổ phiếu nổi danh khác, SAM không còn giữ được tiếng tăm như trước, tầm ảnh hưởng đến thị trường cũng giảm sút đáng kể.

Vua mất ngôi

SHB, HBB là những điển hình của “cổ phiếu vua” một thời.

HBB của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) tại ngày giao dịch cuối cùng trước khi hủy niêm yết (16/08/2012) để sáp nhập với SHB, giá chỉ còn 5,200 đồng/cp. Trước khi sáp nhập, HBB như chỉ còn “cái vỏ”, bởi nợ xấu gần như đã ăn hết nguồn vốn, tình hình thanh khoản ngân hàng vô cùng khó khăn. HBB niêm yết vào cuối năm 2010, mức giá cao nhất mà cổ phiếu này đạt được chỉ hơn 13,000 đồng/cp. Những năm sau đó là chuỗi ngày đi xuống, đến ngày hủy niêm yết, HBB chưa từng chạm lại mốc 10,000 đồng.

Từ đầu năm 2012, khi có kế hoạch sáp nhập, HBB là một trong những cổ phiếu có thanh khoản hàng đầu trên thị trường, có phiên lên đến hàng chục triệu đơn vị và trở thành chỉ báo quan trọng của thị trường. Đến ngày giao dịch cuối cùng, HBB vẫn đạt gần 6.5 triệu cổ phiếu chuyển nhượng.

SHB - Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) từ trước và sau khi sáp nhập HBB đều không phải là một ngân hàng mạnh. Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm, nhưng với triển vọng kém khả quan của ngành, cộng thêm nợ xấu tăng cao, khiến niềm tin của nhà đầu tư dần sụt giảm, giá cổ phiếu cũng giảm đều qua các năm. Đặc biệt sau khi sáp nhập HBB đã tạo ra khoản lỗ hơn 1,700 tỷ đồng cho ngân hàng này, càng là cái cớ để nhà đầu tư thoái lui.

Từ mức giá hơn 25,000 đồng/cp vào cuối năm 2009 (giá đã điều chỉnh), SHB đã trượt dài, có lúc chỉ còn 4,700 đồng/cp. Hiện cổ phiếu này đang vươn lên hơn 5,000 đồng/cp nhưng vẫn là mức giá rất thấp. Đặc biệt, những phiên vừa qua thị trường chứng kiến khối ngoại bán ra hàng trăm ngàn, đến hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên. Thị trường nghi ngờ không loại trừ khả năng, Deutsche Bank AG (cổ đông chiến lược trước đây của HBB) đang tìm cách thoái vốn vì những khoản đầu tư quá thua lỗ.

SHB giờ đây vẫn được xem là cổ phiếu lớn tại HNX và có sức ảnh hưởng đến thị trường, nhưng với nhiều nhà đầu tư thì đây vẫn chỉ là cổ phiếu đầu cơ lướt sóng, vì quá rủi ro để nắm giữ trong thời gian dài.

Nhìn chung, trên thị trường hiện nay có rất nhiều cổ phiếu “đại gia” nổi danh một thời, nhưng thời gian qua chỉ được nhà đầu tư và các đội lái xem là cổ phiếu đầu cơ, dùng để lướt sóng kiếm 5-7%/phiên như PVX, SCR, VND, KLS, VCG… mà không cần quan tâm nhiều đến các yếu tố cơ bản, nên việc nắm giữ thời gian dài để chờ tăng trưởng hoặc hưởng cổ tức là điều hi hữu ngoại trừ những “cổ đông bất đắc dĩ, phải đầu tư dài hạn vì quá lỗ.

Viết Vinh (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu “sale off” (17/12/2012)

>   Khi UPCoM “thật” hơn niêm yết (17/12/2012)

>   Chứng khoán Nam An chấm dứt tư cách thành viên HNX (17/12/2012)

>   Dấu hiệu về làn sóng lập quỹ mở (17/12/2012)

>   EIB lại có thỏa thuận khủng (17/12/2012)

>   Cổ phiếu nào bứt phá nhanh nhất khi thị trường hồi phục? (17/12/2012)

>   ORS: Nguyên Trưởng phòng môi giới Nguyễn Thanh Hào bị Cảnh sát điều tra truy tìm (16/12/2012)

>   TTCK: Cơ sở kỳ vọng sóng tăng giá? (16/12/2012)

>   17/12: Bản tin đầu tuần (17/12/2012)

>   Việt Nam: Vỏn vẹn... 208 tỷ đồng từ IPO cả năm 2012 (14/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật