Khi UPCoM “thật” hơn niêm yết
Với những CP niêm yết tại HOSE hoặc HNX có giá vài ba ngàn đồng, gần như đây là những CP của các công ty thua lỗ, nhưng trên UPCoM, CP với mức giá này vẫn làm ăn có lãi, thậm chí chi cổ tức với tỷ lệ hấp dẫn. Mang tiếng “hàng dạt” nhưng CP trên UPCoM đang cho thấy hiệu quả không thua kém, thậm chí còn hơn cả CP niêm yết.
Tiền nào của đó
UPCoM mới có gần 140 CP đăng ký giao dịch, chỉ bằng 1/5 so với tổng số CP của HOSE và HNX, rất thuận lợi để có thể ngồi “rà” từng CP mà không tốn nhiều thời gian. Chưa kể, về mặt giá cả, có thể nói tiền nào của đó, thậm chí giá hời. Như trường hợp của TMW, VSP, VTA, những CP phải “bán sới” từ sàn niêm yết để xuống UPCoM tưởng chừng có lợi thế hơn, nhưng thực ra lại thuộc nhóm CP tệ nhất tại sàn này.
VTA cuối tuần rồi có giá 1.500 đồng/CP, thuộc nhóm CP có thị giá thấp nhất trên sàn UPCoM, nhưng thậm chí còn cao giá hơn gấp 5-6 lần CP có thị giá thấp nhất tại HNX là SME (hiện đã bị hủy niêm yết). VSP khi niêm yết tại HNX còn làm mưa làm gió nhưng xuống UPCoM giờ giá chỉ còn 1.300 đồng/CP cũng chẳng mấy ai quan tâm.
Càng ngày những CP chia cổ tức “khủng” xuất hiện càng nhiều trên UPCoM. Những ai quan tâm đến UPCoM giờ đây không còn bất ngờ như thời gian trước. Mới nhất là việc TMW (CTCP Tổng hợp Gỗ Tân Mai) giá chưa đến 4.000 đồng/CP nhưng lại chia cổ tức bằng tiền mặt 2.000 đồng/CP.
Nói không quá, nếu NĐT muốn tìm kiếm những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, lên UPCoM còn dễ tìm hơn cả trên sàn niêm yết. Thử lấy một vài CP có giá trên 1.0 trên UPCoM và xem xét, hầu hết đều kinh doanh có lãi và chia cổ tức. Hồi tháng 9, CTCP Đầu tư - Xây dựng HN (HCI) công bố tạm ứng cổ tức 2012 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%, nếu so với các công ty hiệu quả nhất trên cả 2 sàn hiện nay bảo đảm “ăn đứt”. HCI hiện là một trong những CP có thị giá cao nhất tại UPCoM khi xấp xỉ 4.5.
Khai phá tiềm năng
Hiện nay, trên sàn UPCoM có nhiều doanh nghiệp có tên tuổi, chẳng hạn Cấp nước Gia Định (GDW), Nước khoáng Khánh Hòa (VKD), Thủy điện Gia Lai (GHC), Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS)… Nếu những doanh nghiệp này niêm yết, chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận rất nhiệt tình.
Cùng một sàn, nhưng rõ ràng so những blue chip vừa nêu tên trên đây với những CP ruồi như VTA hay VSP sẽ thấy một sự phân hóa khủng khiếp. Qua đây, có thể khẳng định chắc chắn UPCoM không phải là cái chợ chỉ dành cho hàng hóa kém chất lượng.
Mặc dù niêm yết là quyền của doanh nghiệp, nhưng cũng cần phải xem xét giữa niêm yết và không niêm yết cái nào tốt hơn? Giữ CP giao dịch trên UPCoM với đưa lên HNX và HOSE phương án nào hiệu quả hơn? Nếu điểm qua vốn điều lệ, kết quả kinh doanh, nhiều CP tại UPCoM dư sức chào sàn HNX, thậm chí HOSE.
Ở đây, nguyên nhân không niêm yết có thể doanh nghiệp chưa đủ sức tiếp cận với cổ đông đại chúng, phạm vi rộng hơn, hoặc sợ bị thâu tóm. Cũng có những trường hợp, chủ sở hữu doanh nghiệp là các cổ đông thuộc một gia đình, nên không muốn pha loãng ảnh hưởng của mình.
Nhưng nếu lý do không lên HNX hoặc HOSE không bắt nguồn từ những nguyên nhân hợp lý, chỉ đơn giản là sự bảo thủ không nhận ra hoặc “lười” lên sàn, sẽ rất đáng tiếc. Bởi một công ty của đại chúng, của số đông không thể để cho ý muốn chủ quan của một vài lãnh đạo doanh nghiệp chi phối.
Thực tế, tại một số tỉnh, thành, nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa từ khá lâu, nhưng phong cách hoạt động vẫn không thay đổi. Ngoài chuyện cổ đông nhà nước nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối, các cổ đông, thường là cán bộ công nhân viên vẫn không ý thức được vai trò của mình, để từ đó lên tiếng đòi hỏi quyền lợi.
Nhiều cổ đông cho biết giữ CP cũng chỉ biết hàng năm công ty lãi bao nhiêu hưởng chứ chẳng buồn tìm hiểu hoạt động, hoặc biết những tồn tại trong hoạt động nhưng cũng không có ý kiến. Có lẽ, không ít công ty đại chúng trên UPCoM đang rơi vào trường hợp này.
Hệ quả lớn nhất của những tồn tại nêu trên chính là thanh khoản nhiều CP tốt gần như không có, rất nhiều CP có KLGD liên tiếp bằng 0 và lâu lâu mới có giao dịch. NĐT bên ngoài nhìn CP “ngon” mà “thèm” nhưng nếu không mua được cũng nhanh chóng “chán” và bỏ đi. Và đây là sự lãng phí.
Minh Phụng
sài gòn đầu tư
|