Có 2… Philippines
Có khoảng 100 nhà điều hành doanh nghiệp và quan chức chính phủ đang ngồi lặng im nghe Guillermo Luz, người đứng đầu Hội đồng Năng lực cạnh tranh Philippines, chỉ ra một số lỗ hổng trong sự hồi phục kinh tế ngoạn mục của Philippines. Nước này đã bất ngờ đột phá trong quý III/2012 khi tăng trưởng GDP đạt 7,1%, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua và cao nhất châu Á, chỉ sau Trung Quốc (7,4%).
Thị trường chứng khoán Philippines trong năm nay, được các quỹ nước ngoài đổ vốn ào ạt.
|
Luz chỉ ra rằng Philippines đang bị tụt hạng trong chỉ số thuận lợi kinh doanh EBDI của Ngân hàng Thế giới (WB) xuống còn 138 trong số 185 quốc gia, hạ 2 bậc so với năm ngoái.
Khi kinh tế Philippines phi thần tốc với mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và là một trong những thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới thì những hạn chế cũng bị bộc lộ, đe dọa sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế này.
Lỗ hổng lớn FDI
Mặc dù các quỹ nước ngoài tiếp tục đổ vốn ào ạt vào thị trường chứng khoán Philippines trong năm nay, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này vẫn ở mức thấp.
Năm nay, tổng vốn FDI sẽ đạt 1,5 tỉ USD, chỉ bằng khoảng phân nửa con số FDI của năm 2007, thậm chí chưa bằng lượng kiều hối trung bình 1,7 tỉ USD nước này nhận được mỗi tháng từ những lao động Philippines làm việc ở nước ngoài.
Theo Luz, việc xếp hạng thấp, từ thanh toán thuế cho đến thành lập doanh nghiệp và giải quyết vỡ nợ là những dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang né tránh nền kinh tế này.
Nhiều nhà điều hành doanh nghiệp nước ngoài đã hối hận sau khi đặt chận vào đây. Theo họ, mặc dù Philippines nhận được dòng vốn lớn rót vào các thị trường tài chính và nâng được hệ số tín nhiệm, nhưng nước này lại bị điểm trừ khá lớn do cơ sở hạ tầng kém, thủ tục cứng nhắc, nhiêu khê, cách điều hành chính sách khó đoán định và những rào cản về tỉ lệ sở hữu nước ngoài.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh đã đóng một vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy của Malaysia và Thái Lan, tạo thêm nhiều việc làm và gia tăng được năng lực về công nghệ.
“Đối với tôi, điều này cực kỳ khó hiểu. Chúng ta nên thu hút đầu tư nước ngoài, cho họ tỉ lệ sở hữu 51% hoặc 100%. Điều quan trọng là tạo ra việc làm”, Hubert D’Aboville, từng đứng đầu Phòng Thương mại châu Âu ở Philippines, nhận xét.
Philippines là một trong những nước có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất tại Đông Nam Á - 7%. Đó là lý do chính khiến ngày càng có nhiều người Philippines ra nước ngoài tìm việc làm. Hiện nay, có khoảng 10 triệu người Philippines làm việc ở nước ngoài. Xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
Thị trường nội địa được bảo hộ quá kỹ
Thiếu thế mạnh về FDI là thiếu một mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo sự phục hồi bền vững. Đó là lý do Tổng thống Benigno Aquino thúc đẩy cam kết sẽ cải thiện hình ảnh Philippines trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng để làm được như vậy, ông cần mở cửa thị trường nội địa và phát triển các ngành sản xuất.
Mặc dù các ngành dịch vụ như trung tâm hỗ trợ khách hàng và du lịch vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng các ngành sản xuất vẫn đang phải chật vật cạnh tranh với các nước láng giềng và không thu hút được nhiều vốn đầu tư.
Ford Motor Co., vào tháng 6 vừa qua, cho biết sẽ đóng cửa nhà máy tại Philippines, lý do là mạng lưới nhà cung ứng yếu kém và thiếu quy mô sản xuất lớn để có thể giảm mạnh chi phí.
Các nhà điều hành doanh nghiệp nước ngoài tại đây đều kể câu chuyện về việc có 2 Philippines. Một Philippines là thiên đường của các đặc khu xuất khẩu, nơi họ có thể thành lập các công ty 100% vốn nước ngoài một cách dễ dàng và nhận được chính sách ưu đãi và các dịch vụ hỗ, trợ miễn là họ xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
Còn Philippines kia là những rào cản dày đặc được dựng lên khi các công ty tìm cách chen chân vào thị trường nội địa, vốn được phòng thủ rất kỹ bằng các thủ tục nhiêu khê. Chẳng hạn, các công ty này phải đi qua tới 16 cửa thủ tục mới có thể thành lập được doanh nghiệp tại Philippines, so với chỉ 3 tại Singapore và 9 tại Indonesia, theo báo cáo của WB.
Năm nay, các doanh nghiệp Nhật đã tìm đường quay trở lại Philippines do chi phí lương tăng cao tại Trung Quốc. Tuy nhiên, “quá trình rót vốn đầu tư đang chậm lại do những giới hạn về tỉ lệ sở hữu nước ngoài và các rào cản khác”, Takashi Ishigami, Chủ tịch tập đoàn thương mại Nhật Marubeni Corp tại Philippines, cho biết.
Marubeni đang phối hợp với một doanh nghiệp trong nước của Philippines đấu thầu một dự án đường sắt trị giá 1 tỉ USD, trong số ít nhất 8 dự án PPP (hình thức đầu tư nhà nước - tư nhân) lớn nằm trong kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng của Tổng thống Aquino.
Tuy nhiên, Ishigami cho biết Marubeni cũng chỉ cung cấp thiết bị, tức một phần của gói thầu này và không tham gia điều hành do Chính phủ từ chối đảm bảo chuyện giá vé xe lửa. Theo ông, hạn chế này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp Nhật không muốn đấu thầu vào các dự án PPP khác.
Nỗ lực chưa tới
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Aquino đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết những khó khăn tồn tại từ lâu như tài chính công thiếu ổn định, đầu tư cơ sở hạ tầng kém đã làm giảm sức hút của Philippines. Mặc dù đã nỗ lực nhiều, nhưng Philippines vẫn chưa thể biến dòng tiền nóng và niềm tin thị trường tăng lên trở thành những khoản lợi nhuận thực sự như gia tăng việc làm có lương cao, kết nối giao thông tốt hơn và gia tăng năng lực công nghệ.
Không ít chính trị gia đã kêu gọi sửa đổi luật để nới lỏng những hạn chế về sở hữu nước ngoài nhằm thu hút nhiều vốn FDI. “Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không rót tiền khi các điều kiện kinh doanh không thuận lợi cho họ”, Chủ tịch Thượng viện Philipppines Juan Ponce Enrile, cho biết. Ông đang kêu gọi sửa đổi hiến pháp để cải thiện tình hình này.
Một số quan chức chính phủ thân cận với Tổng thống Philippines cho biết, ông Aquino hiểu rất rõ sự cần thiết phải thu hút thêm vốn FDI, nhưng lo ngại việc sửa đổi hiến pháp có thể dẫn đến sự xáo trộn về chính trị có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Lúc này Philippines chưa thấy việc cải cách để thúc đẩy FDI là điều cấp thiết. Nhưng các nhà điều hành chính sách sẽ sớm thay đổi ý kiến, nếu đà tăng trưởng Philippines bị chậm lại hoặc bị qua mặt bởi các nền kinh tế khu vực, đang dần hồi phục sau cơn khủng hoảng vừa qua.
Đàm Hoa
Nhịp cầu đầu tư
|