Thứ Tư, 26/12/2012 07:51

Châu Á 2013: Thế tứ trụ đang lung lay!

Châu Á bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự bất định cả về an ninh, chính trị lẫn phát triển kinh tế.

Xe hơi xuất khẩu của Nhật chờ xuống tàu trong ngày 20.12 vừa qua tại cảng Yokohama. Xuất khẩu giảm khiến thâm hụt thương mại Nhật đang tăng lên.

Vai trò bá quyền Mỹ, hệ thống liên minh, quan niệm về phát triển và định chế hoá các mô hình… tất cả đã/đang thay đổi một cách căn bản. Đó là kết luận của giáo sư Michael Wesley (đại học Sydney và viện Brookings) đăng trên The American Interest, số cuối năm.

Trụ cột đầu tiên và vững chắc nhất thuở ấy là không một quốc gia nào dám chống lại sự lãnh đạo của Mỹ. Nước lớn còn quá nghèo, các quốc gia có máu mặt lại quá nhỏ. Châu Á nhìn chung chấp nhận điều đó.

Trụ cột thứ hai mà Mỹ dày công tạo dựng, đó là cấu trúc liên minh không để ai giành giật ảnh hưởng. Trụ cột này dựa trên giả định quốc gia nào thách thức bá quyền Mỹ sẽ phải trả giá đắt. Mỹ có thể “bảo kê” cho một trật tự khu vực ổn định.

Trụ cột thứ ba là quan niệm về phát triển kinh tế. Thế hệ lãnh đạo vừa giành được độc lập cho rằng, ổn định để phát triển kinh tế và chỉ khi kinh tế mạnh mới bảo đảm được ổn định. Mọi tranh luận về chính sách hay về chiến lược được coi là đe doạ ổn định, tức đe doạ phát triển.

Từ đây, thêm trụ cột thứ tư, đó là định chế hoá các mô hình phát triển. Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore thời đó đều theo mô hình kinh tế hướng ngoại của Nhật. Mỹ mở thị trường trong nước để xuất khẩu từ châu Á vào, bất chấp các khoản thâm hụt thương mại.

Giờ đây cả bốn trụ cột này đều thay đổi. Hệ lụy của những thay đổi chưa có tiền lệ này trước hết là thế lưỡng nan về an ninh của Washington. Các tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước châu Á trên Biển Đông và Hoa Đông gây khó cho Mỹ trong lựa chọn chính sách. Chủ trương của Mỹ giữ nguyên trạng trên Biển Đông đang làm cho các nước bị bắt nạt tự tin hơn trong đấu tranh chống lại các hành động xâm lấn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các xung đột ở cường độ thấp sẽ đặt ra một nan đề là khi nào thì Mỹ cần bày tỏ cam kết để kềm giữ Trung Quốc, còn khi nào thì Mỹ im lặng để các nước láng giềng của Trung Quốc đừng đi quá xa. Đối với Mỹ, lý do địa dư và tâm lý dân chúng hiện nay càng đẩy nan đề này thành vấn đề lớn. Đối với các nước châu Á, lý lẽ duy trì căng thẳng với Trung Quốc là cách tốt nhất để “giữ chân” Mỹ phải ủng hộ họ vẫn là một vũ khí của kẻ yếu.

Liên quan đến những đảo lộn kinh tế, tờ La Tribune (Pháp) mới đây đưa ra nhận xét, đa phần các chuyển đổi lớn về kinh tế đều diễn ra ở châu Á. Nhật Bản hiện đang theo đuổi mô hình kinh tế “lợi nhuận mới” độc đáo nhằm thu lợi tối đa từ đổi mới công nghệ với các sản phẩm xuất khẩu. Mỹ tuy hướng tới công nghệ cao, nhưng sự xì hơi của bong bóng bất động sản là dấu hiệu kết thúc chu trình nửa thế kỷ Mỹ góp phần chủ đạo cho kinh tế thế giới. Sự nổi lên của Trung Quốc, với tăng trưởng cao trong nhiều năm nhờ vào xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế hàng đầu, với các cực trung tâm phát triển mạnh.

Các nhà phân tích lưu ý cục diện chính trị, kinh tế, an ninh tại khu vực sẽ có nhiều biến động trong một thế cân bằng/đối trọng xoay quanh trục Mỹ – Trung ganh đua địa chính trị, Trung – Nhật kiềm chế lẫn nhau, Mỹ – Nhật – Hàn tìm kiếm hình thức liên minh vượt lên di sản để vừa làm ăn kinh tế, vừa đối phó với những bất định về an ninh. Trung Quốc xây dựng khu vực thương mại tự do Trung – Nhật – Hàn để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ và giảm bớt tác động của tam giác Mỹ – Nhật – Hàn. Các quốc gia này đều đối mặt với các vấn đề từ nền kinh tế toàn cầu lao đao đến vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo của Triều Tiên, khiến cho tình hình càng khó dự đoán. Tình huống đan xen vào lúc có thay đổi lãnh đạo được giới quan sát coi là thách thức nếu các tân lãnh đạo vẫn bế tắc trong đối phó với các xung đột công khai hoặc tiềm ẩn.

Làm thế nào để thoát khỏi sự lung lay của những trụ cột nói trên. Cuộc chiến “vách đá tài khoá” đang gây quan ngại cho cả đồng minh lẫn đối tác của Mỹ. Các nước lo sợ “khoảng trống quyền lực” nếu Mỹ khai triển không thành công chiến lược Á tâm thì sẽ có thế lực muốn lấp chỗ trống của Mỹ. Việc vừa qua, Mỹ thắt chặt hơn các cơ chế đồng minh với Nhật, Úc, Hàn Quốc, Philippines và xây dựng các quan hệ đối tác mới với Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Indonesia cho thấy tính linh hoạt trong cấu trúc mới.

Có nhiều gợi ý về mô thức “bản hoà tấu châu Á” (Concert of Asia). Hồn cốt của mô thức này là các nước trong khu vực sẽ đi đến thoả thuận chung: mọi căng thẳng và tranh chấp, kể cả tranh chấp biển đảo sẽ được giải quyết không qua xung đột. Sẽ có sự đồng thuận giữa các cường quốc, trước hết giữa Mỹ và Trung Quốc là không quốc gia nào được thách thức trật tự của “bản hoà tấu” này. Mỗi quốc gia sẽ cam kết trách nhiệm/nghĩa vụ trong việc duy trì trật tự và ổn định trong khu vực. Ở đây có sự ngầm hiểu Mỹ đồng ý để Trung Quốc có vị thế trong khu vực lớn hơn vị thế hiện nay. Thời Nghiêu – Thuấn trong quan hệ giữa các cường quốc châu Á liệu sẽ xảy ra sớm?

Giang Thủy

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   S&P hạ bậc xếp hạng tín dụng Ai Cập (25/12/2012)

>   Singapore: Lạm phát tháng 11 thấp nhất trong 2 năm (25/12/2012)

>   Đồng euro "thoát hiểm", nhưng thử thách vẫn nhiều (25/12/2012)

>   “Đừng chống lại ngân hàng trung ương”  (25/12/2012)

>   Châu Âu: Giáng sinh “thất thu” vì khủng hoảng kinh tế (25/12/2012)

>   Tây Ban Nha: Ngân hàng xử lý nợ xấu tháo gỡ được khó khăn về huy động vốn (24/12/2012)

>   UBS cải thiện hệ thống quản lý kiểm soát hoạt động (24/12/2012)

>   Yen xuống giá khi ông Shinzo Abe gây sức ép với BoJ (24/12/2012)

>   2012: Năm tồi tệ đối với khủng hoảng nợ tại Hy Lạp (24/12/2012)

>   Đức dự kiến vay 250 tỷ euro trên thị trường 2013 (24/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật