Tia hy vọng đầu tiên cho Eurozone trước thềm 2013
Năm 2012 tiếp tục là một năm thực sự khó khăn đối với các nước Khu vực đồng tiền
chung châu Âu (Eurozone). Nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm tháo gỡ cuộc
khủng hoảng nợ công, song vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Nhưng đến những ngày cuối
năm, châu Âu dường như mới thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi các nhà lãnh đạo
của châu lục đạt được một thỏa thuận về việc giám sát hệ thống ngân hàng trong
khu vực Eurozone, mở ra hướng đi mới trong nỗ lực chế ngự khủng hoảng.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng của năm 2012 đã
thông qua việc thiết lập Cơ chế giám sát duy nhất (SSM) cho hệ thống ngân hàng
Eurozone. Sự kiện này không chỉ tác động đến hệ thống ngân hàng châu Âu trong
tương lai mà cũng dỡ bỏ một số trở ngại để xử lý nợ và trợ giúp tài chính đối
với Hy Lạp, mắt xích yếu nhất trong cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài từ năm
2009.
Việc Hy Lạp, quốc gia nằm trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ công,
nhận được 34 tỷ euro đầu tiên trong gói cứu trợ tối cần thiết trị giá 43,7 tỷ
euro của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cho thấy quyết tâm của các nhà lãnh
đạo châu Âu cũng như các định chế tài chính quốc tế trong việc cứu Hy Lạp thoát
khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Động thái trên đã giúp Thủ tướng Antonis Samaras có thể “khai tử" ý tưởng
“Grexit," tức là nguy cơ Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone. Mặc dù chỉ chiếm 2%
GDP của EU, song cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã tạo ra “hiệu ứng đôminô,” gây
xáo động cả Eurozone, vì thế việc chế ngự được hiệu ứng này đồng nghĩa với việc
cứu “lục địa già” khỏi vòng xoáy khủng hoảng.
Một trong những dấu hiệu tích cực nữa là việc cơ quan xếp hạng tín nhiệm
quốc tế Standard and Poor's (S&P) nâng mức đánh giá tín nhiệm nợ công của Hy Lạp
lên 6 bậc, từ mức "vỡ nợ một phần" lên B- (đối với nợ dài hạn) và B (đối với nợ
ngắn hạn) với triển vọng "ổn định.”
Đánh giá của S&P là một minh chứng về những
nỗ lực cải cách của Hy Lạp. S&P cho biết có thể tiếp tục nâng mức đánh giá dài
hạn đối với Aten nếu nước này thực hiện tốt các biện pháp cải cách trong khuôn
khổ chương trình "thắt lưng buộc bụng" của EU và IMF, góp phần phục hồi kinh tế
và cải thiện tình trạng nợ công.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cũng đã phê chuẩn kế hoạch cải tổ Ngân hàng
Tây Ban Nha nhằm đảm bảo cho ngân hàng này quay trở về tình trạng lành mạnh lâu
dài. Vì thế, Ngân hàng Tây Ban Nha sẽ nhận được số tiền cứu trợ trị giá 37 tỷ
euro từ cơ chế ổn định châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã nhấn mạnh rằng châu Âu
khởi đầu năm 2012 với nhiều nghi ngại về khả năng tồn tại của đồng euro cũng như
cả Eurozone, song tình hình hiện nay cho thấy nhận định trên là sai lầm. Việc
đạt được thỏa thuận về thiết lập SSM và việc giải ngân khoản cứu trợ cho Hy Lạp
là vô cùng quan trọng, tạo cơ sở để tin rằng Eurozone sẽ vượt qua khó khăn.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng những nỗ lực trong việc
giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong Eurozone suốt từ đầu năm đến nay đã tạo
niềm tin cho khu vực khi bước sang năm 2013. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman
Van Rompuy khẳng định: "Giai đoạn tồi tệ nhất đã lùi lại phía sau dù vẫn còn
nhiều việc phải làm.”
Mặc dù ghi nhận một số kết quả nhất định, song các nhà quan sát cho rằng
châu Âu sẽ đối mặt với một năm suy thoái nữa do tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức
kỷ lục, khủng hoảng nợ công vẫn nghiêm trọng. Giới chuyên gia tiếp tục cảnh báo
rằng khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn là rủi ro lớn nhất đối với sự phục hồi kinh
tế toàn cầu.
Theo tính toán của các chuyên gia, mặc dù kinh tế Đức và Pháp, hai nền
kinh tế đầu tàu châu Âu vẫn tiếp tục tăng trưởng, song tính toàn bộ 17 nền kinh
tế thành viên, Eurozone đã rơi vào suy thoái trong quý 3/2012 và tình hình còn
nghiêm trọng hơn trong quý Tư.
Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân khiến châu Âu tiếp tục rơi vào suy
thoái một phần do các chính sách khắc khổ phản tác dụng. Mặc dù có thể giúp giảm
phần nào thâm hụt ngân sách, tiết kiệm chi tiêu, song những chính sách này dẫn
tới tình trạng giảm phát, vốn là nhân tố làm trì trệ tốc độ tăng trưởng kinh tế,
đồng thời còn làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm tiêu thụ và nguồn thu thuế,
dẫn đến kìm hãm khả năng giảm nợ của toàn khu vực đồng tiền chung.
Số liệu của Cục thống kê EU cho thấy trong tháng Chín, tỷ lệ thất nghiệp của
Eurozone lên tới mức cao kỷ lục 11,6%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban
Nha cao nhất với 25,8%, Hy Lạp xếp thứ hai với 25,1%, Bồ Đào Nha 15,7% và tổng
số người thất nghiệp ở 17 nước khu vực này lên tới gần 18,5 triệu người.
Trong
khi đó, kinh tế Đức trong quý Tư năm nay và quý 1/2013 dự đoán sẽ tăng trưởng
chậm lại. Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là nước có giao dịch ngoại thương
lớn, nếu kinh tế Đức rơi vào suy thoái thì vấn đề của khu vực đồng euro sẽ càng
trầm trọng hơn, khó có thể phục hồi.
Các nhà lãnh đạo EU hy vọng năm 2013 sẽ là giai đoạn để châu Âu xóa bỏ
được những mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên, cùng nhau xây dựng một Liên
minh ngân hàng giúp củng cố sức mạnh cho khu vực Eurozone.
Chặng đường phía
trước còn dài và lắm chông gai, song theo nhận định Bộ trưởng phụ trách châu Âu
của Phần Lan: “Nếu phải bước 100 bước để vượt qua khủng hoảng, đến nay chúng ta
đã đi được 50 bước. Chúng ta đã làm mọi thứ có thể ở cấp châu Âu, và thực sự đã
đến lúc để mỗi thành viên tự nhìn nhận và tập trung nỗ lực phát triển kinh tế
cho riêng quốc gia mình.".
Phương Hoa
Vietnam+
|