Chuyên gia: Chưa phải lúc đầu tư sang Myanmar
Tại diễn đàn “Campuchia - Lào - Myanmar: những nền kinh tế mới của ASEAN” do Vietnam Supply Chain tổ chức hôm 20-12 tại TPHCM, ông Jean-Christophe Ngo, chuyên gia tư vấn độc lập về cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và chuỗi giá trị chia sẻ thông tin rằng, so với Lào, Campuchia, thì Myanmar ở thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, điều kiện pháp lý bằng.
Trao đổi với
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
, ông Jean - Christophe Ngo cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, chưa phải là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang đất nước này dù cơ hội làm ăn kinh doanh rất nhiều. Ông này nói:
- Myanmar đang ở giai đoạn đầu của đổi mới, cũng giống như Việt Nam trước đây. Nếu so với Lào và Campuchia, Myanmar vẫn chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, chi phí đầu tư cao (tiền thuê đất, giá điện …). Theo bảng xếp hàng kinh doanh toàn cầu 2013, chi phí dành cho khởi nghiệp để thực hiện các quy trình, thủ tục ở Myanmar là 2.500 đô la Mỹ, cao hơn rất nhiều con số 86 đô la Mỹ ở Lào và 834 đô la Mỹ ở Campuchia.
Tuy nhiên, quy mô thị trường Myanmar khá lớn khi thị trường tiêu dùng tiếp giáp với Trung Quốc, Ấn Độ - 2 nước có dân số đông nhất thế giới.
Do vậy, có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để khai thác thị trường mới, chưa được khai phá này. Các ngành như hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng tiêu dùng nhanh, đồ gỗ nội thất… có lợi thế.
Vấn đề là Việt Nam không có đường biên giới với Myanmar như Trung Quốc, Thái Lan, những nước đang xuất khẩu nhiều vào Myanmar hiện nay. Bù lại, Việt Nam lại mới ký hiệp định thương mại với Myanmar và có lợi thế về giá sản phẩm hàng hóa.
Do vậy, điều các doanh nghiệp Việt Nam cần làm là tìm ra giải pháp về logistic để đưa hàng hóa vào thị trường này nhanh nhất, tốn ít chi phí nhất. Bên cạnh đó, cần tìm ra cách liên kết với nhau, thành cộng đồng để tận dụng lợi thế của nhau và mang đến hiệu quả đầu tư cao.
TBKTSG Online: Ở thời điểm hiện tại, sau những thay đổi về thể chế chính trị ở Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nhiều nước khác đang có xu hướng đầu tư vào đây. Ông nghĩ sao về xu hướng này?
- Ông Jean-Christophe Ngo:
Xu hướng này đúng là rõ ràng trong thời gian qua. Có một điều tôi nhìn thấy là các doanh nghiệp các nước thu mua nguyên liệu thô ở Lào, Campuchia, đem về nước sản xuất rồi xuất sang Myanmar. Và tôi nghĩ, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên làm như thế chứ không nên đầu tư sản xuất trực tiếp tại đây. Đơn giản là điều kiện sản xuất tại Việt Nam thuận lợi, chi phí thấp khi các yếu tố đầu vào như điện, nước rẻ hơn Myanmar.
Tôi cũng nghĩ rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư sang Myanmar nhưng không phải lúc này. Ở thời điểm hiện tại, những ngành hàng đầu và là thế mạnh của Việt Nam như sản xuất, chế biến nông sản (tiêu, gạo…) lại đang được đất nước này bảo hộ nên không thể làm được. Còn nếu đầu tư vào khách sạn thì cũng không dễ bởi chi phí thuê đất cao.
Minh Tâm thực hiện
TBKTSG Online
|