Chủ Nhật, 09/12/2012 21:07

Đầu tư vào Myanmar: Mở rộng nhiều lĩnh vực, tăng ưu đãi

Từ Yangon, Myanmar, đại sứ Chu Công Phùng thông tin với Sài Gòn Tiếp Thị về những điểm mới liên quan đến luật đầu tư nước ngoài vừa được Myanmar ban hành và những lĩnh vực khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường này.

Nới rộng để thu hút FDI

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm thương mại dịch vụ TP.HCM (HCM Expo 2012) tại Yangoon, Myanmar hồi tháng 6.2012.

 

Ngày 2.11, tổng thống Thein Sein ký sắc lệnh luật Đầu tư nước ngoài, sẽ có hiệu lực sau 90 ngày. Đại sứ Chu Công Phùng cho biết, so với luật đầu tư ban hành năm 1988, luật mới 2012 mang tính mở cao hơn. Về lĩnh vực đầu tư, luật ban hành năm 1988 cấm và hạn chế đầu tư nước ngoài trong 12 lĩnh vực nhạy cảm của Myanmar nhưng luật mới 2012 đã mở rộng ra mọi lĩnh vực, chỉ cấm và hạn chế trong một vài lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Tỷ lệ góp vốn đầu tư trong các dự án cũng thay đổi đáng kể, luật đầu tư năm 1988 cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vốn hoặc góp vốn liên doanh với doanh nghiệp bản địa, nhưng phải góp tối thiểu 35% tổng số vốn pháp định. Luật Đầu tư 2012 khuyến khích cả hai hình thức đầu tư này đồng thời không hạn chế tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Về thời hạn thuê đất, trước đây quy định doanh nghiệp nước ngoài chỉ được thuê đất của Nhà nước trong thời hạn 30 năm với ba lần gia hạn và mỗi lần năm năm (30+5+5+5=45), nhưng luật 2012 cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất của cả nhà nước hay tư nhân trong thời gian đến 50 năm với hai lần gia hạn, mỗi lần 10 năm (50+10+10=70). Thêm vào đó, luật năm 1988 quy định doanh nghiệp nước ngoài được miễn thuế ba năm kể từ khi dự án đầu tư chính thức hoạt động nhưng nay đã gia tăng thời hạn miễn thuế lên đến năm năm.

Trước đây doanh nghiệp nước ngoài chỉ được chuyển ngoại tệ vào/hoặc ra khỏi Myanmar thông qua hai ngân hàng gồm ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Đầu tư thương mại Myanmar. Luật mới đã mở rộng cho 12 ngân hàng tư nhân Myanmar tham gia và doanh nghiệp nước ngoài cũng được đổi ngoại tệ qua bảy ngân hàng để chuyển lợi nhuận sau thuế ra khỏi Myanmar. Trước đây do bị Mỹ bao vây cấm vận nên doanh nghiệp nước ngoài chỉ được gửi ngoại tệ vào (hoặc chuyển ra) khỏi Myanmar bằng euro nhưng nay đã cho phép sử dụng cả hai loại ngoại tệ euro và đô-la Mỹ.

Ngoài những lĩnh vực khuyến khích đầu tư nước ngoài trong luật cũ, luật mới bên cạnh việc khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao còn khuyến khích các dự án công nghệ trung bình nhưng sử dụng nhiều lao động; khuyến khích sản xuất điện (thủy điện, nhiệt điện) và cho phép doanh nghiệp nước ngoài được bán điện sang nước thứ ba; khuyến khích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, bò sữa, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, dệt may, vật liệu xây dựng…

Doanh nghiệp Việt Nam cần chọn lĩnh vực phù hợp

Ủy ban kinh tế hỗn hợp hai nước đã đặt mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch song phương hai nước đạt được 500 triệu USD và đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Myanmar đạt 1 tỉ USD. Tính đến tháng 10.2012, kim ngạch song phương đã đạt khoảng 160 triệu USD (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái), dự báo cả năm đạt 200 triệu USD. Tháng 11 vừa qua, đoàn bộ Kế hoạch đầu tư đã có chuyến khảo sát thị trường Myanmar, theo số liệu của bộ thì đến nay đã cấp phép cho bốn dự án đầu tư trực tiếp của Việt Nam sang Myanmar với tổng vốn đăng ký 179 triệu USD.

Ngoài ra, hiện có 13 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục đầu tư trực tiếp vào Myanmar để sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, sản xuất đường sữa, thực phẩm, đồ nhựa, bất động sản… Ủy ban đầu tư và bộ Công nghiệp Myanmar khuyến khích và ưu đãi đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành thu hút nhiều lao động như nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi; sản xuất đồ gỗ xuất khẩu; gia công dệt may, giày dép; vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; khách sạn và dịch vụ du lịch; hợp tác dạy nghề.

Cũng cần lưu ý là đầu tư nước ngoài vào Myanmar đang tăng nhanh. Giai đoạn 1988-2010 Myanmar thu hút 35,5 tỉ USD từ 31 quốc gia và lãnh thổ với 448 dự án chủ yếu vào sáu lĩnh vực gồm thủy điện, dầu khí, khai quặng, chế tạo, khách sạn du lịch, bất động sản. Nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, Myanmar thu hút thêm gần 6 tỉ USD với 55 dự án mới. Nhìn chung vốn đầu tư vào lĩnh vực thủy điện chiếm đến 46%, dầu khí 35% và khai mỏ là 7%. Ủy ban đầu tư Myanmar hiện đang khuyến khích và ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào ba đặc khu kinh tế mới gồm Dawei (ở bang Tanintharyi gần Thái Lan); Tilawa (Yangon); và Chopiu (ở bang Rakhine gần Ấn Độ).

Tuyết Ân (ghi)

Theo số liệu tổng hợp của đại sứ quán Việt Nam, đến tháng 11.2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã giải ngân bốn dự án tại Myanmar với gần 50 triệu USD (chiếm 0,12% vốn FDI tại Myanmar). Nếu tính các dự án lớn khác về dịch vụ du lịch khách sạn của Hoàng Anh Gia Lai; dự án khai thác đá màu của SIMCO-Sông Đà; nhà máy sản xuất thuốc của ASV Holdings đã chính thức được cấp phép; và dự án đầu tư giai đoạn 2 của tập đoàn dầu khí Việt Nam (trên 100 triệu USD) thì sang năm 2013, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Myanmar sẽ đạt trên 500 triệu USD.

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   HAG đầu tư dự án 300 triệu USD tại Myanmar (06/12/2012)

>   Thủ tướng Hun Sen: Lạm phát 2012 của Campuchia sẽ dưới 3% (01/12/2012)

>   Việt Nam sẽ đầu tư mạnh vào Myanmar (01/12/2012)

>   Những rủi ro lớn tại “mỏ vàng” Myanmar (29/11/2012)

>   Myanmar: Nhiều thay đổi thuận lợi (25/11/2012)

>   "Myanmar có thể là 'ngôi sao đang lên' của châu Á” (22/11/2012)

>   Các nhà đầu tư vẫn thận trọng tại thị trường Myanmar (21/11/2012)

>   Thế giới sốt vì 'mỏ vàng' Myanmar (20/11/2012)

>   Trung Quốc viện trợ bổ sung cho Campuchia 53 triệu USD (19/11/2012)

>   Myanmar thu hút được hơn 40 tỉ USD (19/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật