Những rủi ro lớn tại “mỏ vàng” Myanmar
Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng, Myanmar, đất nước vừa mở cửa, sẽ đem đến lợi nhuận khổng lồ. Nhưng cũng không ít quỹ cho rằng, việc rót vốn vào thị trường này sẽ chỉ đem tới những khoản lỗ.
Báo Wall Street Journal cho biết, một số quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (private-equity fund) hiện đang rục rịch huy động vốn để đầu tư vào Myanmar. Các quỹ này nhận thấy cơ hội lớn trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bất động sản, và một số ngành khác ở Myanmar vốn dĩ rất khát vốn sau 5 thập kỷ nước này nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội. Trong khi đó, nhiều quỹ khác, bao gồm những tên tuổi lớn như KKR & Co. hay Blackstone Groupe, đang tỏ ra dè chừng.
Quan điểm khác nhau của các quỹ được xem là có ảnh hưởng lớn Myanmar, đất nước đang chật vật huy động vốn để phát triển kinh tế và vẫn còn có ít lựa chọn để tiếp cận với nguồn tài chính quốc tế. Hơn một năm kể từ ngày Myanmar bắt đầu thực hiện cải cách, chính phủ các nước phương Tây hiện đã xóa bỏ hầu hết các lệnh cấm vận áp dụng suốt trong hai thập kỷ qua đối với nước này, nhưng đối với Myanmar, mọi chuyện mới chỉ là bắt đầu.
Trong khi một số công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới như hãng công nghiệp General Electric (GE) và đồ uống PepsiCo đang tìm kiếm cơ hội ở Myanmar, nhiều doanh nghiệp khác mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc bán sản phẩm vào thị trường này, thay vì đầu tư vốn để mở nhà máy hay sắm các tài sản khác tại Myanmar. Tệ hơn, các ngân hàng của Myanmar vẫn chưa có được một hệ thống cho vay sẵn sàng cấp vốn cho những vụ mở rộng kinh doanh cỡ lớn.
Myanmar hiện chưa có thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường chứng khoán. Nước này cũng mới chỉ có một hệ thống ngân hàng hết sức sơ khai, hạn chế khả năng các nhà đầu tư chuyển hóa các khoản đầu tư của họ thành tiền mặt tại thị trường Myanmar trong trường hợp cần thiết. |
Silk Road Finance, một công ty đầu tư gần đây mở văn phòng ở Yangon, cho biết đã huy động được 25 triệu USD từ các nhà đầu tư tư nhân. Cube Capital, một công ty đầu tư khác có văn phòng ở London và Hồng Kông cùng số tài sản đang được quản lý là 1,3 tỷ USD, mới đây đã rót vốn vào hai thương vụ bất động sản ở Myanmar với tổng trị giá hơn 20 triệu USD. Công ty này đang tìm cách huy động 200 triệu USD tiền vốn để đầu tư vào các thị trường châu Á đang nổi, trong đó khoảng 1/4 sẽ được dành cho thị trường Myanmar.
Các quỹ khác đang tìm kiếm cơ hội ở Myanmar phải kể tới Leopard Capital. Chủ tịch của quỹ này là một nhà quản lý quỹ giàu kinh nghiệm đầu tư vào các thị trườ ng mới nổi, ông Marc Faber. Hiện Leopard đang huy động 150 triệu USD cho hai quỹ tập trung vào thị trường Myanmar. Một quỹ khác là Bagan Capital, với văn phòng ở Hồng Kông và Myanmar, cũng muốn huy động 75 triệu USD cho các vụ làm ăn ở thị trường này.
Mặc dù vậy, đối với một số nhà đầu tư, quan ngại về những rủi ro chính trị và kinh tế ở Myanmar vẫn là quá lớn. Ngoài ra, họ cũng lo rằng, giá tài sản ở nước này đang bị đẩy lên những mức không bền vững. Một số khác thì nhận định, bất kỳ thương vụ nào có được cũng chỉ ở quy mô nhỏ bé.
Bên cạnh đó, còn có những câu hỏi về các quy định pháp lý bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài, và mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào nếu các quỹ muốn thoái vốn. Myanmar hiện chưa có thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường chứng khoán. Nước này cũng mới chỉ có một hệ thống ngân hàng hết sức sơ khai, hạn chế khả năng các nhà đầu tư chuyển hóa các khoản đầu tư của họ thành tiền mặt tại thị trường Myanmar trong trường hợp cần thiết.
“Tôi đảm bảo là rất nhiều dự án hiện nay ở Myanmar sẽ thất bại”, ông John Van Oost, nhà sáng lập kiêm quản lý quỹ Yishan Capital Partners, một công ty đầu cơ văn phòng ở Singapore và Indonesia, chuyên về lĩnh vực bất động sản, nhận xét. Theo nhận xét của ông Oost, giá đất ở Myanmar đã bị thổi phồng, và còn chưa rõ các đối tác địa phương có đáng tin cậy hay không.
“Nhiều người đang đổ xô tới Myanmar. Chúng tôi không nghĩ là thị trường này đã sẵn sàng”, ông Ming Lu, một sếp của quỹ KKR ở Đông Nam Á, nhận xét.
Có một điều chắc chắn là, các lãnh đạo doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, đều tin tưởng rằng Myanmar sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của khu vực châu Á nếu tiến trình cải cách của nước này tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, nếu các công ty ở Myanmar không thể huy động được vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài, thì tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ gặp trở ngại lớn. Khi đó, một nền kinh tế èo uột sẽ làm tiêu tan hy vọng của 60 triệu người dân Myanmar, trong đó có nhiều người kỳ vọng sẽ được hưởng lợi ích từ những thay đổi gần đây ở nước này.
Những người đến trước sẽ được hưởng những thỏa thuận tốt nhất và mối quan hệ tốt nhất.
Ông Kenneth Stevens, một nhà quản lý quỹ thuộc Leopard Capital
|
Những quỹ đầu cơ mang quan điểm hoài nghi ở thị trường châu Á cho biết, họ đã học được bài học từ những quốc gia mở cửa thị trường trước Myanmar. Bài học ở đây là, những nhà đầu tư nhảy vào đầu tiên không phải lúc nào cũng kiếm được tiền, bởi những thay đổi hiếm khi diễn ra với tốc độ nhanh chóng như họ kỳ vọng.
Trước đây, trong thời gian mở cửa kinh tế diễn ra chóng vánh vào thập niên 1990, chính Myanmar cũng đã chứng kiến một số vụ đầu tư cổ phần tư nhân lâm cảnh thất bại. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư có “máu” phiêu lưu vẫn đặt cược rằng, họ sẽ thiết lập được quan hệ với những doanh nhân nổi tiếng nhất ở Myanmar và giành được một vài trong số những cơ hội tốt nhất.
“Những người đến trước sẽ được hưởng những thỏa thuận tốt nhất và mối quan hệ tốt nhất”, ông Kenneth Stevens, một nhà quản lý quỹ thuộc Leopard Capital, nói.
Ông Alisher Ali, người trước đây đã mở một ngân hàng đầu tư ở Mông Cổ và hiện đang điều hành công ty Silk Road Finance ở Yangoon, cho biết, từ ngày 1/4 năm nay, ông bị thuyết phục rằng các cải cách ở Myanmar là thực sự sau khi lãnh đạo phe đối lập ở nước này, bà Aung San Suu Kyi, được bầu vào Quốc hội sau 15 năm bị giam lỏng ở tư dinh. Chỉ một vài tuần sau chuyến đi đầu tiên tới Myanmar, ông Ali đưa cả gia đình chuyển từ Mông Cổ tới nước này.
Tính đến tháng 9 năm nay, ông Ali đã huy động được 25 triệu USD từ các nhà đầu tư giàu có người Nga, Kazakhstan và Mông Cổ. Ông dự định dùng tiền này để đầu tư vào các công ty truyền thông, viễn thông, y tế… ở Myanmar. Ông Ali cho rằng, rủi ro ở Myanmar là lớn, nhưng cơ hội cũng là quá lớn để có thể bỏ qua.
An Huy
tbktvn
|