Thứ Năm, 27/12/2012 22:49

Bơm tiền “xử” nợ xấu

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu là một trong những mục tiêu quan trọng, cấp bách được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy ổn định, phát triển

Một trong những giải pháp đáng chú ý là giải pháp tài chính để kích cầu thị trường bất động sản (BĐS) và giải quyết nợ xấu của các ngân hàng (NH). Nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn làm thế nào để giải pháp chi 20.000-40.000 tỉ đồng cho vay mua nhà và 100.000-150.000 tỉ đồng giải quyết nợ xấu được thực thi hiệu quả, đúng mục tiêu.

Không đổ tiền vào ngân hàng

Theo số liệu được công bố trong số 200.000 tỉ đồng nợ xấu, có 70% tài sản thế chấp bằng BĐS. Nếu tính dồn lại thì tồn kho BĐS của cả nước có thể đủ sử dụng đến năm 2025. Số liệu của UBND TPHCM cũng cho thấy trên địa bàn TP đang tồn khoảng 14.490 căn hộ chung cư với giá trị khoảng 24.500 tỉ đồng... Nhiều ý kiến cho rằng giải quyết nợ xấu chủ yếu là giải quyết BĐS tồn kho. Vì thế, Chính phủ sẽ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi để người dân có thể mua nhà phù hợp với thu nhập.

Theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ thị trường bất động sản tốt nhất là cho người dân vay tiền lãi suất thấp và ổn định để mua nhà.

Tuy giải pháp bơm tiền cho BĐS, xử lý nợ xấu chỉ mới là chỉ đạo của Chính phủ nhưng có ý kiến cho rằng nhiều khả năng các NH thương mại sẽ được phép thế chấp tài sản nợ để vay tiền của NH Nhà nước nhằm giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính phản bác giải pháp này vì cho rằng nếu làm như vậy, thực chất là để giải quyết những khó khăn hiện tại cho các NH và không giải quyết được nợ xấu. Cốt lõi của vấn đề giải quyết nợ xấu là làm thế nào chuyển tài sản thế chấp là BĐS thành tiền.

Theo PGS - TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), việc bơm tiền cho BĐS nhằm giải quyết nợ xấu không đúng địa chỉ sẽ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm, có thể làm tăng lạm phát… Do đó, Chính phủ nên tập trung vào giải pháp tiêu thụ sản phẩm, tức là dồn vốn cho người vay tiền mua nhà, các dự án nhà ở chuẩn bị hoàn thành hoặc chuyển đổi công năng có giá bán phù hợp với khả năng của người dân...

Ổn định lãi suất và kéo dài thời hạn vay

Để kích thích người dân mua nhà, theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường Đại học Mở TPHCM, Nhà nước có thể cố định lãi suất cho vay mua nhà ở mức 8%/năm trong 5 năm đầu tiên đối với người có nhu cầu thật sự về nhà ở. Bởi trong 5 năm tới, kinh tế vĩ mô sẽ ổn định, thị trường lãi suất bình ổn. Khi đó, Nhà nước có thể áp dụng lãi suất cho vay mua nhà bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng cộng với 2%-3%. Như thế, người dân mới an tâm vay tiền mua nhà, doanh nghiệp BĐS bán được hàng, từng bước trả nợ NH, xóa dần nợ xấu...

Về giải quyết nợ xấu, ông Thuận còn đề xuất Nhà nước trao cho công ty mua - bán nợ (của Nhà nước) một cơ chế đặc biệt để tổ chức này cùng với con nợ, chủ nợ định giá tài sản một cách hợp lý, xử lý nhanh các khoản nợ. Mặt khác, NH Nhà nước cần phân loại nợ cụ thể, đâu là nợ xấu do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, đâu là doanh nghiệp có khả năng phục hồi… để khoanh nợ, dãn nợ, đâu là nợ xấu BĐS để gắn kết với chương trình cho vay mua nhà.

Sau đó,  công ty mua - bán nợ sẽ theo trình tự xử lý các tài sản có thể chuyển ngay thành tiền, rồi dùng số tiền đó xử lý các tài sản tiếp theo. Tuy nhiên, các  phương án này phải được Chính phủ phê duyệt để các tổ chức liên quan đến xử lý nợ xấu  có cơ sở thực hiện.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, một trong những yếu tố quan trọng của thị trường BĐS là thời hạn vay tiền mua nhà tối thiểu phải 15 năm để người mua có thể trả góp 50% thu nhập hằng tháng. Ngoài ra, Nhà nước phải tính đến việc giảm tiền sử dụng đất để giá nhà đất giảm thêm, kích thích người dân vay tiền mua nhà. Để giải quyết nợ xấu hiệu quả, ông Nghĩa cũng đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế pháp lý nghiêm khắc để các NH có thể nhanh chóng thanh lý, phát mãi… tài sản thế chấp.

CHUYÊN GIA KINH TẾ - TS NGUYỄN MINH PHONG:

Thông tin minh bạch, công khai

Những giải pháp để khơi thông thị trường BĐS như bơm 20.000 - 40.000 tỉ đồng hỗ trợ người vay mua nhà với lãi suất thấp, dành 150.000 tỉ đồng để giải quyết nợ xấu là điều cần thiết. Mỹ, khu vực châu Âu cũng đều cần bàn tay của Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, cần tránh để xảy ra tình trạng như gói kích cầu những năm trước. Nếu dùng tiền cho vay người mua nhà thật sự là rất tốt cho thị trường nhưng phải giám sát việc cho vay. Cho vay có đúng đối tượng cần mua nhà thật sự hoặc vay tiền xong người dân có mua nhà hay đem tiền “ném” vào các kênh khác là điều cần chú ý.

Với nợ xấu, quan trọng là mua bán giá nào để hiệu quả, không vướng vào cơ chế xin - cho. Nếu giải quyết nợ xấu theo cơ chế xin - cho, khối nợ cũ có thể sẽ không xử lý xong mà còn phát sinh đống nợ mới bởi nó gắn nhiều với nhóm lợi ích nên việc này không đơn giản. Vì vậy, điều quan trọng nhất khi triển khai các giải pháp là phải có cơ chế, cách thức tổ chức thông tin minh bạch, công khai.

T.Phương ghi


THY THƠ

Người lao động

Các tin tức khác

>   Chính sách tiền tệ: Hành trình và sứ mệnh kép (27/12/2012)

>   Nới kiểm soát tỷ trọng tín dụng theo lĩnh vực (27/12/2012)

>   Tỷ giá khó biến động mạnh trong 2013 (27/12/2012)

>   Đã xử lý hơn 39 nghìn tỷ đồng nợ xấu (27/12/2012)

>   Dự kiến sẽ có 14 DN và 17 TCTD được kinh doanh vàng miếng (27/12/2012)

>   Tăng trưởng tín dụng 2012 lập “kỷ lục” mới (27/12/2012)

>   Giao dịch liên ngân hàng bằng USD vẫn sốt (27/12/2012)

>   Kiều hối thành phố Hồ Chí Minh tăng 15% (27/12/2012)

>   TienPhongBank xong bước cuối tái cơ cấu (27/12/2012)

>   Chỉ nên thành lập công ty mua bán nợ xấu với quy mô nhỏ? (27/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật