Tỷ giá khó biến động mạnh trong 2013
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, hiện đã có nhiều yếu tố hỗ trợ cho giá trị tiền đồng trong năm 2013 và khả năng tăng đột biến của tỷ giá là khó.
TBKTSG Online: Tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã đứng yên ở mức 20.828 đồng/đô la Mỹ trong cả năm 2012, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cố tình “neo” tỷ giá, và như vậy chưa hẳn đã tốt, vì không hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu?
- Ông Lê Minh Hưng:
Tôi không cho rằng tỷ giá đã đứng yên trong năm qua. Kỳ thực đó chỉ là tỷ giá bình quân liên ngân hàng, còn giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng vẫn tăng giảm trong biên độ khoảng 1%. Và thực tế tỷ giá ổn định cũng góp phần làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự điều hành vĩ mô của Việt Nam.
Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt theo từng thời kỳ, nhưng không để biến động mạnh vì nó sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, mà rõ ràng nhất là hiện tượng người dân, doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, dẫn đến đô la hóa nền kinh tế, đồng thời tỷ giá bất ổn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đưa ra kế hoạch kinh doanh.
Nhưng sự ổn định của tỷ giá trong 2012 được hỗ trợ một phần từ sự suy giảm kinh tế, khiến cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu giảm sút, chứ không phải vì sự điều hành giỏi của Ngân hàng Nhà nước?
- Thực tế, đó cũng là một lý do, vì năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu sau 18 năm, cán cân thanh toán thặng dư một phần vì kinh tế khó khăn. Song tôi cho rằng tỷ giá ổn định, chủ yếu là do hoạt động găm giữ ngoại tệ giảm hẳn trong thời gian qua vì lãi suất huy động tiền đồng cao hơn nhiều so với đô la Mỹ, người dân chuyển sang nắm giữ tiền đồng. Cụ thể như con số huy động vốn bằng ngoại tệ năm nay giảm mạnh, trong khi huy động tiền đồng tăng cao. Bên cạnh đó, hoạt động của thị trường tự do bị thu hẹp cũng khiến người dân bớt quan tâm đến ngoại tệ. Một lý do nữa là kiều hối năm nay có thể sẽ tăng hơn năm trước và lượng kiều hối được bán cho ngân hàng cũng tăng lên.
Ngoài ra hoạt động nhập lậu vàng không còn trong năm 2012, và nhập chính thức cũng chấm dứt, đồng nghĩa với việc không tiêu tốn ngoại tệ cho hoạt động này. Hoạt động đầu cơ ngoại tệ ăn theo các đợt nhập vàng cũng vì thế mà giảm hẳn.
Như vậy, liệu trong năm 2013, tỷ giá có còn các lợi thế như vậy để ổn định không, thưa ông?
- Hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành tỷ giá theo hướng chuyển từ quan hệ huy động, cho vay sang mua bán, như hạn chế cho vay đối với doanh nghiệp không có nguồn thu đô la Mỹ và tiến tới ngưng cho vay chuyển thành tiền đồng để sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Mục tiêu cuối cùng vẫn là chống đô la hóa.
Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc việc có thể gia hạn cho vay chuyển thành tiền đồng để sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp có nguồn thu từ ngoại tệ, chưa dừng hẳn vào ngày 31-12-2012 nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, các biện pháp như thu hẹp trạng thái ngoại tệ trong ngày cũng sẽ là công cụ để tránh hoạt động đầu cơ ngoại tệ, đồng thời việc thu hẹp thị trường tự do sẽ giúp cầu ngoại tệ không căng thẳng trong năm 2013.
Ở phía cung, nguồn thu từ kiều hối, cán cân thanh toán thặng dư vào năm nay, và dự trữ ngoại hối tăng sẽ là lực đỡ tốt cho tỷ giá trong năm sau.
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là khả năng điều hành chính sách của chính phủ, như thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, hàng tồn kho của doanh nghiệp… giúp củng cố được lòng tin vào giá trị tiền đồng, giúp tỷ giá ổn định. Và thậm chí, có thể tiền đồng sẽ tăng giá so với ngoại tệ.
Xin cảm ơn ông!
TBKTSG Online
|